Siết chặt quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông

Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên sông Lam, đặc biệt là đoạn giáp ranh với tỉnh Nghệ An có chiều hướng gia tăng, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã tăng cường công tác đấu tranh, tham mưu chính quyền địa phương các cấp siết chặt quản lý hoạt động khai thác, kinh doanh cát, sỏi trên địa bàn.

Ngày 25/4/2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định xử phạt hành chính Công ty CP Đầu tư và Xây dựng TTP (trụ sở tại TP Vinh, Nghệ An) số tiền 350 triệu đồng về hành vi khai thác khoáng sản trái phép.

Trước đó, vào lúc 9h30 ngày 30/12/2023, doanh nghiệp này đã sử dụng thuyền vỏ thép số hiệu NB - 2944 khai thác cát lòng sông tại sông Lam, đoạn thuộc địa phận xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với tổng khối lượng cát đã khai thác tại thời điểm bị phát hiện là 160,04m3 nhưng không có giấy phép khai thác khoáng sản. Ngoài việc tịch thu tang vật, doanh nghiệp này còn phải nộp 500 triệu đồng là số tiền tương đương với trị giá của phương tiện đã sử dụng trái phép để khai thác khoáng sản thuộc trường hợp bị tịch thu.

Các bến bãi tập kết cát, sỏi dọc sông Lam Hà Tĩnh phần lớn đều không được quy hoạch xây dựng bến thủy nội địa.

Các bến bãi tập kết cát, sỏi dọc sông Lam Hà Tĩnh phần lớn đều không được quy hoạch xây dựng bến thủy nội địa.

Trước đó, vào tháng 2/2024 UBND huyện Nghi Xuân cũng đã ban hành quyết định xử phạt 2 doanh nghiệp có bãi tập kết cát trên địa bàn xã Xuân Lam là Doanh nghiệp tư nhân Tân Sơn Thủy và Công ty CP Tư vấn và xây dựng Á Châu, mỗi đơn vị 55 triệu đồng về hành vi tổ chức cho phương tiện vào neo đậu tại vị trí chưa được công bố, cấp phép hoạt động; không đăng kiểm lại phương tiện thủy nội địa; neo đậu phương tiện để xếp dỡ hàng hóa, chuyển tải hàng hóa tại các vị trí không được phép. Hai doanh nghiệp này được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho thuê đất tại thôn 5 xã Xuân Lam làm bãi tập kết cát, sỏi nhưng không được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Quá trình thực thi nhiệm vụ, Công an huyện Nghi Xuân phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh phát hiện tại bãi tập kết cát xây dựng của 2 doanh nghiệp này có 3 sà lan của 3 cá nhân người Nghệ An đang neo đậu tại vị trí chưa được cấp phép hoạt động bến thủy nội địa để bốc dỡ cát lên bãi tập kết của doanh nghiệp nên đã tham mưu xử phạt theo quy định.

Được biết, hiện nay trên địa bàn Hà Tĩnh có 34 bến bãi tập kết cát, sỏi chưa được cấp phép xây dựng bến thủy nội địa để tàu, thuyền ra vào bốc dỡ hàng hóa. Trong đó, tại huyện Nghi Xuân có 13 bến bãi tập kết kinh doanh cát xây dựng thì có đến 9 bến bãi không được ngành chức năng cấp phép hoạt động bến thủy nội địa. Cùng với 3 mỏ cá xây dựng và 2 mỏ đất khác được cấp phép đã khiến địa phương này trở thành địa bàn tiềm ẩn nhiều phức tạp về tình hình khai thác, vận chuyển tài nguyên khoáng sản trái phép. Tương tự, trên địa bàn huyện Đức Thọ có 3 mỏ cát được cấp phép và 8 bến cát được nhà nước cho thuê đất. Các mỏ cát này chủ yếu nằm ở các xã dọc ven sông Lam, giáp ranh với địa bàn tỉnh Nghệ An nên trong những năm qua, huyện Đức Thọ trở thành “điểm nóng” về khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép.

Thượng tá Nguyễn Văn Hải - Trưởng Công an huyện Đức Thọ cho biết: Đức Thọ là địa phương tiếp giáp với các huyện Nam Đàn và Hưng Nguyên (Nghệ An) nên các đối tượng xấu lợi dụng địa bàn khai thác cát trái phép gây thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến ANTT, gây bức xúc trong dư luận cán bộ và nhân dân.

Để lập lại trật tự trong lĩnh vực này, cùng với đoàn công tác liên ngành tỉnh Hà Tĩnh được thành lập vào tháng 7/2018 để tuần tra, kiểm soát, xử lý hoạt động khai thác cát trái phép tại khu vực giáp ranh 3 huyện Hương Sơn, Đức Thọ và Vũ Quang, Tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý việc khai thác, kinh doanh cát trái phép trên địa bàn cũng được huyện Đức Thọ thành lập và đưa vào hoạt động từ tháng 8/2023.

Ngoài ra, Công an huyện Đức Thọ thành lập 2 đội cơ động đặc biệt, chốt chặn thường xuyên tại các xã Trường Sơn và Tùng Châu, có sự tham gia của lực lượng xã, thôn xóm tuần tra lưu động trên sông để kịp thời phát hiện, đấu tranh, trấn áp và có biện pháp xử lý nghiêm các trường hợp khai thác, kinh doanh cát trái phép.Từ đó đến nay, các tổ công tác đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh và các địa phương triển khai nhiều giải pháp trong siết chặt quản lý khai thác khoáng sản, nhờ đó, một số “điểm nóng” dần được hạ nhiệt, bước đầu được kiểm soát, có sự chuyển biến rõ nét, tạo niềm tin, phấn khởi trong nhân dân.

Tại huyện Nghi Xuân, Công an huyện này cũng đã thường xuyên tổ chức tuyên truyền, ký cam kết đến các chủ cơ sở. Đồng thời, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp phát động phong trào toàn dân tham gia phòng chống, tố giác tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản. Tăng cường công tác nắm tình hình và điều tra cơ bản trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản; chủ động phát hiện, đấu tranh xử lý với các hành vi khai thác khoáng sản trái phép, buôn bán khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, mua bán hóa đơn, lập khống hóa đơn của các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Để siết chặt hoạt động khai thác khoáng sản cát, sỏi lòng sông trên địa bàn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật trong khai thác khoáng sản, cuối năm 2023 UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã ban hành văn bản gửi các ngành chức năng và các địa phương liên quan, yêu cầu tăng cường quản lý trong khai thác cát sỏi lòng sông.

Theo đó, tỉnh Hà Tĩnh sẽ tiến hành rà soát các điểm mỏ cát, sỏi lòng sông đã được quy hoạch để lựa chọn, đề xuất đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản để cấp phép thăm dò, khai thác bảo đảm cân đối được nguồn cung, nhu cầu sử dụng của từng vùng, khu vực; đảm bảo thuận lợi, hiệu quả trong quá trình khai thác, sử dụng, giảm chi phí vận chuyển, đặc biệt phục vụ cho các dự án giao thông, công trình trọng điểm trên địa bàn. Đối với các bến bãi kinh doanh cát, sỏi địa phương này yêu cầu phải lắp đặt trạm cân, camera giám sát khối lượng cát, sỏi mua - bán tại bến bãi; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phát luật, đồng thời thông báo ngừng hoạt động và yêu cầu giải tỏa đối với các bến, bãi tập kết cát, sỏi lòng sông trái phép theo quy định.

Với các mỏ khai thác khoáng sản đã được cấp phép, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các địa phương để tập trung kiểm tra, giám sát về phạm vi, diện tích khu vực mỏ, công suất, trữ lượng, phương pháp khai thác. Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra việc đăng ký tên, loại phương tiện, thiết bị được sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi; việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện, thiết bị sử dụng để khai thác, vận chuyển cát, sỏi. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động khai thác, vận chuyển cát, sỏi trái phép trên địa bàn.

Thiên Thảo

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/siet-chat-quan-ly-khai-thac-cat-soi-long-song-i731723/