Siết chặt quản lý kinh doanh lưu trú qua Airbnb

Những người yêu thích du lịch tự túc hẳn không xa lạ với Airbnb, một ứng dụng trực tuyến giúp kết nối người có nhu cầu thuê cơ sở lưu trú với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới.

Những người yêu thích du lịch tự túc hẳn không xa lạ với Airbnb, một ứng dụng trực tuyến giúp kết nối người có nhu cầu thuê cơ sở lưu trú với những người có phòng cho thuê trên khắp thế giới.

Những năm gần đây, mô hình kinh doanh này đang tăng trưởng mạnh ở Việt Nam, nhất là các tỉnh, thành phố có nhiều địa điểm du lịch. Tuy nhiên, cùng với ưu điểm nổi bật, mô hình này cũng bộc lộ nhiều thách thức trong vấn đề quản lý, vận hành cũng như bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách.

Nở rộ mô hình kinh doanh Airbnb

Airbnb ra đời trước sự bùng nổ của xu hướng kinh tế chia sẻ trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ. Ðây là tên viết tắt của cụm từ Air Bed and Breakfast, một nền tảng ứng dụng giúp đặt và cho thuê phòng được thành lập từ năm 2008 có trụ sở tại Ca-li-pho-ni-a (Mỹ). Việc thanh toán giữa người thuê và người cho thuê được thực hiện bằng thẻ ngân hàng thông qua Airbnb và đơn vị trung gian này sẽ thu một khoản phí nhất định từ hai bên, song vẫn bảo đảm giá thuê thường là thấp hơn so với các khách sạn, resort. Theo đó, người sở hữu bất động sản có thể tận dụng nguồn nhà ở, phòng ở nhàn rỗi để cho thuê, từ đó gia tăng thu nhập và người có nhu cầu thuê cơ sở lưu trú cũng dễ dàng tìm được địa điểm như ý với giá cả hợp lý. Ðó có thể là một căn phòng trong nhà còn trống,

cũng có thể là một căn hộ, biệt thự, lâu đài, thậm chí là một trang trại, ngọn đồi có cảnh trí đặc sắc mà các nhà nghỉ, khách sạn, resort không thể có được. Bên cạnh đó, việc lưu lại tư gia của người dân bản địa cũng mang lại cảm giác khác biệt, giúp du khách có cơ hội tìm hiểu, trải nghiệm văn hóa địa phương, nhận về những tư vấn du lịch hữu ích…

Một điểm cộng nữa là giao diện và khả năng tương tác của ứng dụng này khá thân thiện với người sử dụng, cách thức hoạt động cũng khá đơn giản. Sau khi đăng ký, điền hồ sơ thông tin và chờ xác nhận tài khoản, người dùng đã có thể dễ dàng lên kế hoạch cho những điểm lưu trú trong hành trình du lịch. Dựa vào các tiêu chí về địa điểm, thời gian, giá cả và loại phòng mà người thuê đưa ra, Airbnb sẽ cung cấp một loạt các lựa chọn lưu trú đáp ứng nhu cầu. Trước khi quyết định thuê hay không, người thuê cũng có thể xem thông tin cá nhân của chủ nhà, chủ động liên lạc, trao đổi để được giải đáp những thắc mắc… Người cho thuê có quyền chấp nhận hoặc không chấp nhận cho thuê đối với từng đối tượng khách hàng. Ðây chính là những thế mạnh khiến Airbnb ngày càng trở thành lựa chọn phổ biến và tăng trưởng với tốc độ chóng mặt.

Theo thống kê của Airbnb, năm 2012, tức sau 5 năm thành lập, số lượng người sử dụng ứng dụng này là khoảng 10 triệu lượt, nhưng đến năm 2018 con số này đã là 60 triệu lượt. Thời điểm hiện tại, Airbnb đã có mặt tại hơn 34.000 tỉnh, thành phố của hơn 190 nước và vùng lãnh thổ. Là quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch cao hàng đầu thế giới, Việt Nam nhanh chóng trở thành "miền đất hứa" của mô hình dịch vụ này. Báo cáo Homesharing Vietnam Insight 2019 của Outbox Consulting chỉ ra, trong chưa đầy bốn năm kể từ khi manh nha xuất hiện tại Việt Nam, số lượng căn hộ/phòng đăng ký cho thuê trên hệ thống Airbnb của Việt Nam đã tăng gấp hơn 40 lần, từ 1.000 trong năm 2015 lên tới hơn 40.000 đầu năm 2019. Cộng đồng phát triển mô hình chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng này tập trung phần lớn ở miền nam với 42,3%, miền bắc là 27,2% và miền trung là 26,2%, cụ thể ở các tỉnh, thành phố thu hút đông khách du lịch như: TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Hà Nội, Nha Trang (Khánh Hòa), Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh)…

Báo cáo cũng thống kê nước ta đang có hơn 18.000 chủ nhà trên Airbnb và 70% trong số đó đang cho thuê nhiều hơn một cơ sở lưu trú. Doanh thu trung bình hằng tháng của chủ nhà ở TP Hồ Chí Minh là hơn 11 triệu đồng mùa cao điểm, hơn tám triệu đồng mùa thấp điểm, tương tự với Hà Nội là gần bảy triệu đồng và hơn năm triệu đồng.

Những số liệu nêu trên cho thấy Airbnb không còn đơn thuần là kênh gia tăng thu nhập cho chủ nhà có phòng nhàn rỗi mà đã trở thành sản phẩm kinh doanh du lịch bằng hình thức đầu tư bất động sản. Trên thực tế, xuất hiện không ít nhà đầu tư tự bỏ vốn thuê lại các căn hộ, phòng trống, trang bị cơ sở vật chất để kinh doanh bằng mô hình Airbnb. Và đây thật sự là những đối thủ đáng gờm đối với hoạt động kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn truyền thống.

Rủi ro và những thách thức trong quản lý

Rõ ràng, không thể phủ nhận những ưu điểm mà mô hình kinh doanh chia sẻ không gian lưu trú qua Airbnb mang lại. Bên cạnh việc tạo điều kiện để nhiều người có thể đi du lịch với chi phí rẻ, trải nghiệm độc đáo, Airbnb còn góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam, giảm gánh nặng cho điểm đến, nhất là trong những ngày cao điểm du lịch, tạo thêm thu nhập, việc làm cho người lao động địa phương. Song mô hình kinh doanh này cũng chứa đựng không ít rủi ro, đối với cả người cho thuê và người đi thuê. Bởi khi mà Airbnb được xác định là kênh đầu tư để sinh lời thì yếu tố lợi nhuận cần được tính toán kỹ lưỡng, đòi hỏi những người cho thuê phải có chiến lược kinh doanh rõ ràng trên cơ sở nghiên cứu cụ thể thị trường, nhu cầu của khách du lịch. Thực tế cho thấy có nhiều nhà đầu tư bỏ ra không ít vốn thầu lại các bất động sản để cho thuê, nhưng do thiếu kinh nghiệm chuyên môn, trong khi lại quản lý nhiều địa điểm lưu trú ở cùng một thời điểm, lúng túng trong xây dựng chiến lược cạnh tranh, cho nên không thể tối ưu hóa doanh thu và công suất phòng cho thuê, dẫn đến lỗ vốn, phải giải thể. Việc kinh doanh Airbnb đang chứng minh đây là kênh đầu tư có khả năng mang đến nhiều lợi nhuận, nhưng là "cuộc chơi" chỉ dành cho những nhà đầu tư có tầm nhìn chiến lược và biết cách tạo các giá trị khác biệt để thu hút du khách. Ngoài ra, rủi ro thường gặp mà các chủ nhà phải đối mặt là thiệt hại về cơ sở vật chất nếu du khách không có ý thức giữ gìn, hay sự khó chịu của cư dân chung quanh vì sự xuất hiện của những vị khách lạ trong khu chung cư, tập thể…

Thêm nữa, suy cho cùng, giao dịch trên Airbnb giữa chủ nhà và người thuê được thiết lập chủ yếu dựa vào niềm tin giữa những người lạ mặt. Không có cơ sở để bảo đảm chắc chắn về độ chính xác của những thông tin được trao đổi, cho nên nhiều trường hợp khách bị vỡ mộng vì thực tế khác xa quảng cáo. Bên cạnh đó, để tận dụng tối đa các không gian vì mục đích cho thuê kiếm lợi nhuận, không ít chủ nhà đã lách luật, tự ý cải tạo, xây dựng thêm các công trình phụ trợ, chủ động kinh doanh thêm các hoạt động trải nghiệm mà chưa xin phép, hoặc bỏ qua các quy định về cảnh báo an toàn, phòng, chống cháy nổ trong xây dựng, dẫn đến yếu tố an ninh, trật tự không được bảo đảm. Cách đây bốn năm, Airbnb đã phải bồi thường một triệu USD vì một khách du lịch đặt phòng qua ứng dụng này bị chết khi tới điểm nghỉ…

Với sự bùng nổ nhanh chóng về số lượng phòng đăng ký kinh doanh trên Airbnb tại Việt Nam, không ai dám chắc sẽ không xảy ra những sự cố đáng tiếc tương tự. Lời khuyên ở thời điểm hiện tại dành cho những người thuê là cần nghiên cứu thật kỹ thông tin về điểm đến, nên chọn những nơi được chủ nhà chia sẻ với nhiều mô tả, hình ảnh, tốt nhất là những điểm đã được nhiều người trải nghiệm và có đánh giá tích cực để bảo đảm tính chân thực, độ an toàn…

Nhiều đại diện khách sạn chia sẻ, đến thời điểm này Airbnb vẫn chưa tạo sức ép quá lớn đối với ngành kinh doanh lưu trú truyền thống. Nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay, chắc chắn đây sẽ là kênh chi phối tạo áp lực và nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh trong thị trường lưu trú du lịch. Trên thực tế, các chủ nhà chủ yếu chỉ đăng ký có căn hộ cho thuê trên hệ thống Airbnb - ứng dụng online có trụ sở ở nước ngoài. Toàn bộ giao dịch giữa các bên được thực hiện trực tuyến qua in-tơ-nét, không dùng tiền mặt, không cần xuất hóa đơn. Các cơ quan chức năng cũng chưa có những thống kê đầy đủ, chính xác về số lượng các cơ sở được kinh doanh theo mô hình này, chưa có những biện pháp quản lý cụ thể. Mất ít chi phí vận hành, lại có thể "lách" phần thuế kinh doanh dịch vụ, cho nên các cơ sở lưu trú qua Airbnb tha hồ hạ giá…

Không chỉ là lỗ hổng về mặt quản lý gây thất thu thuế, điều này còn gây ra áp lực lớn đối với các cơ sở lưu trú truyền thống vẫn đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ kinh doanh với Nhà nước. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng chỉ ra những rủi ro nhất định về việc bảo mật thông tin cá nhân khi ứng dụng này sở hữu một khối lượng lớn các dữ liệu của người thuê và người cho thuê trên khắp thế giới.

Thực trạng trên đòi hỏi cơ quan chức năng của các ngành du lịch, thuế, quản lý thị trường, bất động sản… cần nhanh chóng có những nghiên cứu, thống kê, đánh giá và đưa ra những giải pháp quản lý cụ thể đối với mô hình kinh doanh này, bảo đảm đáp ứng nhu cầu xã hội trên cơ sở tôn trọng luật pháp, cạnh tranh lành mạnh. Nhận diện những thách thức mà Airbnb tạo ra, một số nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp để giảm rủi ro. Chẳng hạn, ở Nhật Bản, để hạn chế sự gia tăng số lượng các phòng cho thuê trên Airbnb, từ đầu năm 2017, chính phủ đã quy định tất cả các chủ nhà cho thuê ngắn hạn phải nộp đơn xin giấy phép trước khi cho thuê, các chủ nhà cũng chỉ được phép cho thuê nhà của họ trong 180 ngày/năm. Lượng du khách đặt dịch vụ qua Airbnb chủ yếu là thuê phòng ngắn hạn để phục vụ hành trình du lịch, vì vậy, để hạn chế việc đặt phòng qua kênh này, nhiều nước như Thái-lan và Xin-ga-po đã có những chính sách ràng buộc, quy định chủ nhà không được phép cho khách thuê phòng qua ứng dụng này lưu trú trong thời gian ít hơn một tháng, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng…

Ðây là những giải pháp mà các cơ quan chức năng nước ta có thể tham khảo để điều chỉnh, áp dụng trên cơ sở thực trạng phát triển mô hình chia sẻ lưu trú Airbnb tại Việt Nam.

TRANG ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41723402-siet-chat-quan-ly-kinh-doanh-luu-tru-qua-airbnb.html