Siết chặt quản lý, ngăn ngừa thất thoát tài nguyên khoáng sản

Để phòng ngừa thất thoát tài nguyên khoáng sản, thời gian qua, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã tăng cường thanh, kiểm tra, qua đó phát hiện nhiều vi phạm và xử lý nghiêm theo quy định.

Nhiều cá nhân, doanh nghiệp bị xử lý

Thông tin từ cơ quan chức năng, tính từ tháng 12/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 3 doanh nghiệp (DN) bị xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 2 cá nhân bị cơ quan công an khởi tố.

 Một trong những điểm mỏ khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Hoàng Dương tại xã Cẩm Lý (Lục Nam).

Một trong những điểm mỏ khai thác khoáng sản của Công ty TNHH Hoàng Dương tại xã Cẩm Lý (Lục Nam).

Trong đó, địa bàn để xảy ra nhiều vi phạm nhất là huyện Lục Nam. Cuối tháng 3 vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Văn H, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Dương. DN này được Chủ tịch UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản là đất san lấp tại khu vực Hố Thông và hòn Bù Lu thuộc thôn Hố Trúc, xã Cẩm Lý. Giai đoạn từ 2016-2023, ông H với vai trò là Giám đốc Công ty đã chỉ đạo khai thác gần 640 nghìn m3 đất san lấp (trị giá hơn 16,4 tỷ đồng) ngoài phạm vi và mức sâu kết thúc được cấp phép.

Trước đó, tháng 1/2024, Công ty cổ phần Xây dựng và thương mại MD Việt Nam, DN được UBND tỉnh cấp phép khai thác đất san lấp tại khu vực Hang Khống, thôn Kim Xa, xã Cẩm Lý cũng bị xử phạt 365 triệu đồng do khai thác khoáng sản vượt công suất, ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép. Ngoài 2 trường hợp này, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thiết lập hồ sơ chuyển cơ quan công an tiếp tục xác minh làm rõ vi phạm của 2 DN khác tại địa bàn huyện Lục Nam.

Tại huyện Sơn Động, tháng 1 vừa qua, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Đặng Mạnh Th, Giám đốc Công ty TNHH Đức Thắng về hành vi tổ chức, chỉ đạo khai thác hơn 95 nghìn m3 khoáng sản (đá) ngoài phạm vi được cấp phép tại mỏ đá Làng Rõng, xã An Lạc. Số đá khai thác trái phép trị giá hơn 5 tỷ đồng.

Được biết, ngoài các vi phạm nêu trên, trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn có một số DN, cá nhân bị khởi tố, xử lý do vi phạm trong khai thác khoáng sản than và đất san lấp. Nghiêm trọng nhất là vụ 6 cá nhân của Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Giang và DN liên quan bị khởi tố do vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên. Đối với khoáng sản chưa khai thác, các huyện, TP, cơ quan chuyên môn phát hiện, xử lý gần 170 trường hợp khai thác trái phép, sai phép, thu phạt hơn 3,1 tỷ đồng và thu lại hàng trăm triệu đồng tiền thu lợi bất hợp pháp. Hiện Thanh tra tỉnh, Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục thanh, kiểm tra, làm rõ vi phạm tại một số DN khoáng sản khác trên địa bàn tỉnh.

Khắc phục tồn tại, hạn chế

Việc ngăn ngừa thất thoát tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, cơ quan chức năng quan tâm, nhiều vi phạm đã bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, vi phạm trong lĩnh vực này vẫn tái diễn. Theo ông Phạm Văn Lợi, Phó trưởng Phòng Phòng, chống tham nhũng (Thanh tra tỉnh), thời gian qua, đơn vị đã kiểm tra hoạt động sau cấp phép khoáng sản tại một số huyện và phát hiện không ít sai phạm. Nguyên nhân do trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động còn rườm rà. Vốn đầu tư khai thác thấp, lợi nhuận cao; trong khi nhu cầu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ phát triển KT-XH tại các địa phương ngày càng lớn, nguồn cung chính thống không đáp ứng đủ nhu cầu.

Việc phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong quản lý, xử lý, bảo vệ nguồn tài nguyên này có lúc, có nơi còn lơ là, chưa kiên quyết. Ví như trường hợp vi phạm của Công ty TNHH Hoàng Dương. Được biết, chính quyền, cơ quan chuyên môn đã không ít lần kiểm tra (UBND huyện Lục Nam đã 2 lần ban hành quyết định xử phạt hành chính) nhưng vi phạm của DN này vẫn chưa được xử lý triệt để. Mặt khác, do số lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về khoáng sản còn mỏng, cán bộ chuyên môn nhất là cấp xã do kiêm nhiệm nhiều việc, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ thực tế... Trong khi đó, chế tài xử lý vi phạm còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe phòng ngừa.

Đơn cử như quy định buộc nộp lại khoản lợi bất hợp pháp từ hành vi khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. So với giá trị khoáng sản thực tế bị khai thác đem bán trái pháp luật, khoản lợi bất hợp pháp đối tượng phải nộp lại quá thấp (vì được trừ các chi phí liên quan việc khai thác, vận chuyển trái phép....). Ví như trường hợp vi phạm ở xã Trường Sơn (Lục Nam). Đối tượng khai thác ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép gần 900 m2, với hơn 1.000 m3 đất được đem bán, nhưng chỉ phải nộp lại khoản lợi bất hợp pháp là 5 triệu đồng.

Nhằm tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản, từ năm 2023 đến nay, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và đề án về tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh đến năm 2025.

Để làm tốt công tác quản lý, ngăn ngừa thất thoát tài nguyên khoáng sản, Sở vừa tham mưu tỉnh xây dựng dự thảo Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước lĩnh vực địa chất, khoáng sản và dự thảo Quy chế phối hợp về quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh; dự kiến ban hành trong tháng 6 này”.

Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Ngày 5/6, UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai Kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Cùng đó, tỉnh đẩy mạnh việc phân cấp ủy quyền cho cấp huyện cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; quan tâm tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đấu giá, cấp phép khai thác... Riêng năm 2023, UBND tỉnh đã cấp 11 giấy phép thăm dò khoáng sản và giấy phép khai thác đất san lấp; phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản 15 khu vực mỏ làm vật liệu xây dựng thông thường.

Ông Bùi Quang Huy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Để làm tốt công tác quản lý, ngăn ngừa thất thoát tài nguyên khoáng sản, cùng với chỉ đạo cán bộ, các phòng, đơn vị chuyên môn tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, hiệu quả công tác, Sở tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành các văn bản siết chặt quản lý tài nguyên khoáng sản.

Mới đây, Sở tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh xây dựng dự thảo Chỉ thị về tăng cường công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực địa chất, khoáng sản và dự thảo Quy chế phối hợp về quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, dự kiến ban hành trong tháng 6 này. Đồng thời, tham mưu tỉnh kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan. Tích cực phối hợp kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm mới phát sinh.

Tuấn Dương

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/siet-chat-quan-ly-ngan-ngua-that-thoat-tai-nguyen-khoang-san-075440.bbg