Siết chặt quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản

Siết chặt quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản, tỉnh Sơn La đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, kết hợp giữa tuyên truyền, vận động, tổ chức ký cam kết, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm, góp phần quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Quỳnh Nhai kiểm tra điểm tập kết cát trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Quỳnh Nhai kiểm tra điểm tập kết cát trên địa bàn.

Trên địa bàn huyện Sông Mã có 22 điểm mỏ cát đã được quy hoạch, chủ yếu nằm trên dòng sông Mã. Trong đó, 14 điểm mỏ cát đã được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác lộ thiên cho 2 đơn vị (Công ty cổ phần Quỳnh Ngọc 9 điểm cát và Công ty cổ phần Xúc tiến đầu tư Thành Nam 5 điểm cát); 8 điểm đã được công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác. Ông chí Lò Văn Sinh, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, thông tin: UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cùng UBND các xã quản lý hiệu quả tài nguyên khoáng sản; xác định rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra sai phạm về quản lý tài nguyên khoáng sản. Do vậy, hoạt động khai thác, tập kết, vận chuyển khoáng sản đúng quy định của pháp luật, đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương và đảm bảo cung ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho thị trường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Ngành đã tham mưu với UBND tỉnh tổ chức ký cam kết giữa Chủ tịch UBND tỉnh với Chủ tịch UBND 12 huyện, thành phố về việc tăng cường vai trò, trách nhiệm trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; ký cam kết về quản lý, khai thác tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường giữa Chủ tịch UBND tỉnh với các tổ chức khai thác khoáng sản. Qua đó, đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, cũng như nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành đã thực hiện tốt tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và nhân dân địa phương nơi có mỏ khoáng sản; giảm thiểu các hoạt động khoáng sản trái phép, nâng cao vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân với hoạt động khoáng sản.

Anh Mai Văn Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất VLXD Hùng An Mai, thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, cho biết: Công ty hoạt động trong lĩnh vực sản xuất xuất vật liệu xây dựng, khai thác khoảng 46.000 m³ đá/năm và sản xuất 25.000 m³ bê tông thương phẩm/năm. Công ty đã thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về khoáng sản, đất đai và bảo vệ môi trường.

Trong 6 tháng qua, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh cấp 3 giấy phép thăm dò khoáng sản; phê duyệt trữ lượng 1 mỏ khoáng sản mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường bản Pàn Ngùa, xã Tô Múa, huyện Vân Hồ; cấp (gia hạn) 1 giấy phép thác khoáng sản cho Công ty cổ phần gạch Mai Sơn khai thác đất sét trong diện tích xây dựng công trình nhà máy gạch Tuynel Mường Bon, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn; cấp 1 giấy phép khai thác khoáng sản 5 điểm mỏ cát trên sông Mã làm vật liệu xây dựng thông thường; thu hồi 1 giấy phép khai thác khoáng sản; yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với 2 giấy phép khai thác cấp cho Công ty TNHH đầu tư xây dựng Hồng Long khai thác đá vôi làm VLXD thông thường tại bản Văn Cơi, xã Mường Cơi, huyện Phù Yên và giấy phép cấp cho Chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng thương mại Xuân Hùng khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại bản Đông, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu. Tổ chức đấu giá thành đối với 4 cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Như vậy, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 giấy phép thăm dò khoáng sản còn hiệu lực, 39 giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.

Tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp còn vi phạm về trình tự khai thác, khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác; chậm thực hiện nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường. Năm 2021, UBND tỉnh đã xử lý 5 vụ vi phạm pháp luật về khoáng sản, với tổng tiền phạt hơn 5 tỷ đồng, tạm dừng hoạt động 2 giấy phép khai thác khoáng sản.

Siết chặt quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản, Sở TN&MT tiếp tục phối hợp với các sở, ngành có liên quan và UBND cấp huyện rà soát lại các quy hoạch khoáng sản trên địa bàn để có phương án khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý, hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác các mỏ khoáng sản nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, xử lý các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép theo quy định...

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/siet-chat-quan-ly-nha-nuoc-ve-linh-vuc-khoang-san-51718