Siết chặt quản lý sau vụ sữa giả: Bộ Y tế yêu cầu rà soát toàn diện

Trước vụ việc lực lượng Công an triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lên tới hàng trăm nhãn hiệu, Bộ Y tế đã có động thái khẩn trương nhằm kiểm soát và ngăn chặn tình trạng tương tự trong tương lai.

Ngày 15/4, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Hùng Long đã ký văn bản gửi Sở Y tế các địa phương và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại nhiều tỉnh, thành, yêu cầu rà soát toàn diện các hoạt động công bố sản phẩm, điều kiện an toàn thực phẩm cũng như các hồ sơ thanh tra, kiểm tra liên quan đến các công ty trong danh sách nghi vấn.

Sữa giả gây ra nhiều hệ lụy cho người dùng. Ảnh minh họa

Sữa giả gây ra nhiều hệ lụy cho người dùng. Ảnh minh họa

Bộ Y tế yêu cầu nếu các doanh nghiệp trong đường dây sữa giả từng công bố sản phẩm tại địa phương, phải cung cấp thông tin về số lượng, tên từng sản phẩm, đồng thời rà soát việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Các đơn vị chức năng cũng được yêu cầu báo cáo lại các hoạt động thanh tra, hậu kiểm, xử lý vi phạm hành chính từ năm 2021 đến nay. Mục tiêu của động thái này là truy rõ trách nhiệm quản lý, xác minh các lỗ hổng trong giám sát hậu kiểm và ngăn chặn nguy cơ hàng giả tiếp tục lọt lưới thị trường.

Liên quan đến công tác phòng chống thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm giả và kém chất lượng, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định luôn nhất quán trong chỉ đạo điều hành thông qua việc xây dựng, trình ban hành và trực tiếp ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm.

Bộ cũng đặc biệt chú trọng công tác phối hợp liên ngành, nhất là với Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương, trong việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm nghiêm trọng như sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm.

Công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện nay được quy định rõ tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), Công Thương và Ủy ban nhân dân các cấp theo các điều 62, 63, 64 và 65. Đặc biệt, khoản 5 Điều 64 giao trách nhiệm cho Bộ Y tế chủ trì công tác phòng chống thực phẩm giả và gian lận thương mại trong lĩnh vực lưu thông, kinh doanh thực phẩm.

Một trong những điểm quan trọng của công tác quản lý là cơ chế tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm, được quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP.

Theo đó, đa số các sản phẩm thực phẩm chỉ cần tự công bố trước khi lưu thông trên thị trường, trừ 4 nhóm đặc thù như sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, thực phẩm dùng trong chế độ ăn đặc biệt… phải được đăng ký bản công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Doanh nghiệp khi tự công bố phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về độ an toàn và chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả quản lý, công tác hậu kiểm giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Hàng năm, Bộ Y tế với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm đều ban hành kế hoạch hậu kiểm để các bộ ngành và địa phương triển khai, đồng thời yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác hậu kiểm năm 2025, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm.

Các Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tại các địa phương được yêu cầu rà soát hồ sơ tự công bố, bản công bố sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cũng như kết quả thanh, kiểm tra trong thời gian từ năm 2021 đến nay.

Trước đó, dư luận cả nước rúng động khi Bộ Công an triệt phá thành công đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn, kéo dài suốt 4 năm.

Theo điều tra, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood và Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma đã sản xuất gần 600 loại sữa bột giả, thu lợi bất chính khoảng 500 tỷ đồng.

Những sản phẩm này được phân phối rộng rãi trên toàn quốc, từ cửa hàng bỉm sữa, siêu thị cho đến các cơ sở y tế, nhắm vào các đối tượng đặc biệt như trẻ nhỏ, người bệnh tiểu đường, phụ nữ mang thai. Đáng lo ngại, các sản phẩm này còn được quảng bá rầm rộ bởi nhiều nghệ sĩ, MC, diễn viên nổi tiếng, khiến người tiêu dùng càng thêm tin tưởng.

Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm cho thấy nhiều loại sữa trong số này chỉ đạt dưới 70% chất lượng dinh dưỡng như công bố, thậm chí không hề chứa các thành phần đặc biệt như tổ yến, DHA, đông trùng hạ thảo... như đã quảng cáo. Các nguyên liệu đầu vào bị thay thế bằng phụ gia không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

Các chuyên gia cảnh báo rằng các loại sữa giả này gây ra nguy cơ rất lớn, đặc biệt đối với nhóm người có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, người bệnh mạn tính và phụ nữ mang thai.

Việc sử dụng sản phẩm không đúng thành phần không chỉ khiến người dùng không đạt được hiệu quả phục hồi sức khỏe mà còn có thể dẫn đến các biến chứng như rối loạn tiêu hóa, suy dinh dưỡng, rối loạn chuyển hóa, và trong nhiều trường hợp, các tổn thương diễn tiến âm thầm cho đến khi bệnh trở nặng.

Khi thành phần dinh dưỡng chỉ đạt 70% so với công bố, việc sử dụng 3 ly sữa mỗi ngày theo hướng dẫn nhà sản xuất – chỉ mang lại hiệu quả tương đương 2 ly. Tình trạng này kéo dài có thể khiến người bệnh suy giảm thể trạng, chậm phục hồi, thậm chí làm nặng thêm bệnh lý nền.

Không chỉ người lớn, trẻ nhỏ cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ từ sữa giả. TS.Nguyễn Đức Nghĩa, giảng viên Đại học Y Hà Nội nhấn mạnh rằng trẻ em, đặc biệt là dưới 6 tuổi, có hệ miễn dịch và tiêu hóa chưa hoàn thiện.

Việc sử dụng sữa giả có thể gây nôn trớ, tiêu chảy, dị ứng, thậm chí nhiễm khuẩn, nhiễm nấm do quá trình sản xuất và bảo quản không đảm bảo. Nguy hiểm hơn, các sản phẩm này còn có thể chứa kim loại nặng hoặc phụ gia độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến gan, thận và sự phát triển thần kinh của trẻ.

Để bảo vệ bản thân và gia đình khỏi nguy cơ sữa giả, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng nên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín, đã có mặt trên thị trường lâu năm, được bán tại các địa điểm tin cậy như nhà thuốc, siêu thị lớn, cửa hàng mẹ và bé có giấy phép.

Bao bì sản phẩm cần được kiểm tra kỹ: tem chống giả, mã QR, thông tin nhà sản xuất rõ ràng, hạn sử dụng đầy đủ, không mờ nhòe, không bong tróc. Đặc biệt, người tiêu dùng không nên mua sữa qua mạng xã hội hoặc các kênh không chính thống, nơi kiểm soát chất lượng gần như bằng không.

Vụ việc sản xuất và tiêu thụ gần 600 loại sữa giả không chỉ cho thấy mức độ liều lĩnh, tinh vi của các đối tượng vi phạm mà còn đặt ra bài toán lớn cho cơ quan quản lý về công tác hậu kiểm và giám sát thị trường.

Để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là những đối tượng yếu thế, đã đến lúc phải siết chặt hơn nữa trong việc cấp phép, thanh tra và xử lý vi phạm, đồng thời đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân. Niềm tin của người tiêu dùng không thể tiếp tục bị đánh đổi bởi sự dễ dãi trong quản lý và sự bất cẩn trong lựa chọn sản phẩm.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/siet-chat-quan-ly-sau-vu-sua-gia-bo-y-te-yeu-cau-ra-soat-toan-dien-d268162.html