Siết chặt quản lý súng săn ở huyện Mai Châu

Bài 2 - Để rừng im tiếng súng (HBĐT) - Để giữ cho rừng im tiếng súng, thời gian qua, Công an huyện Mai Châu đã phải cố gắng, nỗ lực rất nhiều từ công tác vận động giao nộp, đến việc tổ chức những chuyến luồn rừng thu hồi súng ngay tại nơi nhiều kẻ cố tình cất giấu.

Số súng tự chế được Công an huyện Mai Châu thu giữ trong đợt kiểm tra cuối năm 2019.

Số súng tự chế được Công an huyện Mai Châu thu giữ trong đợt kiểm tra cuối năm 2019.

Những nỗ lực không mệt mỏi

"Kể từ khi thực hiện Đề án 1081 của UBND tỉnh về "vận động toàn dân giao nộp, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ (VKVLN), công cụ hỗ trợ”, từ năm 2010 đến nay, Công an huyện đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương vận động thu hồi được khoảng 6.000 khẩu súng các loại, chiếm hơn 2/3 số súng vận động, thu hồi toàn tỉnh.

thu hồi toàn tỉnh. Về cơ bản, toàn bộ số súng được thống kê, khai báo đã được giao nộp cho cơ quan chức năng. Thậm chí, nhiều khẩu súng vốn được các gia đình treo làm vật trang trí trong nhà cũng đã được vận động giao nộp, thu hồi” - thiếu tá Hà Đức Vượng, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHCVTTXH) - Công an huyện chia sẻ.

Cũng theo thiếu tá Hà Đức Vượng, xác định VKVLN nếu còn tồn tại ngoài xã hội sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình ANTT - ATXH ở địa phương. Bởi thực tế ở Mai Châu, ngoài những vụ việc sử dụng súng bắn nhầm làm chết người trong lúc đi săn đã từng xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng liên quan đến súng. Thời điểm trước khi triển khai thực hiện Đề án 1081, trên địa bàn huyện cũng đã xảy ra 5 - 6 vụ đi săn bắn nhầm người. Ngoài ra, khi có mâu thuẫn xảy ra, nhiều trường hợp mang súng ra dọa bắn, giết nhau. Có thể kể đến vụ Bàn Văn Tấn (SN 1976), trú tại xóm Nà Báu, xã Tân Mai (nay là xã Sơn Thủy), trong lúc xảy ra mâu thuẫn đã mang súng kíp dọa bắn chết chị Lê Thị Dung là hàng xóm ngay sát nhà; vụ Giàng A Sùng ở xóm Thung Mặn, xã Hang Kia sử dụng súng tự chế (súng kíp) bắn chết ông Giàng A Thào là cậu họ vì nghi bị ông Thào bỏ bùa...

Xuất phát từ thực tế đó, sau khi hoàn thành Đề án 1081, hàng năm, Công an huyện chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, tiếp tục vận động người dân tự giác giao nộp vũ khí (chủ yếu là súng tự chế). Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội, MTTQ các cấp, chính quyền địa phương tiếp tục vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về công tác quản lý, giao nộp VKVLN. "Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, vận động, những năm qua, Công an huyện đã mở hòm thư tố giác tội phạm ở các địa bàn trọng điểm, gần rừng, địa bàn giáp ranh. Từ thông tin của quần chúng nhân dân, lực lượng Công an đã nắm bắt, thu hồi được nhiều khẩu súng người dân cất giấu, lén lút sử dụng” - đại úy Vì Văn Dậu, cán bộ Đội Cảnh sát QLHCVTTXH - Công an huyện cho biết.

Ngoài ra, tại các xã cũng tập trung làm tốt công tác phối hợp tuyên truyền, vận động người dân. Ví như ở Xăm Khòe, chính Hà Văn Thoa sau khi hoàn thành án phạt đã trở thành người đi tuyên truyền, vận động người dân. "Nhìn vào hoàn cảnh của Hà Văn Thoa nhiều người cũng đã biết sợ. Khi được vận động đã tự nguyện, tự giác giao nộp súng. Nhờ đó, có thời điểm, Công an xã tiếp nhận hàng chục khẩu súng của người dân đến giao nộp. Với sự tuyên truyền, vận động của lực lượng Công an xã, các ngành, đoàn thể, nhiều người trước đây thường xuyên vào rừng săn bắn như Vì Văn Quang, Khà Văn Du ở xóm Te cũng đã bỏ nghề, chuyển sang làm công việc khác. Tính từ năm 2012 đến nay, trên địa bàn xã không còn khẩu súng nào, kể cả súng treo trên tường làm vật trang trí. Đồng thời, cũng không có trường hợp nào lén lút, tàng trữ, sử dụng trái phép. Đợt cuối năm 2019 vừa qua, tổ công tác của Công an huyện đi kiểm tra các lán trại của người dân trên địa bàn xã, qua kiểm tra không phát hiện trường hợp nào còn cất giấu súng” - Trưởng Công an xã Xăm Khòe Phạm Văn Tùng chia sẻ.

Để rừng im tiếng súng

Dù vậy, theo thiếu tá Hà Đức Vượng, qua nắm bắt tình hình thực tế, một bộ phận người dân vẫn tàng trữ, lén lút sử dụng súng (chủ yếu là súng kíp) để đi săn bắn. Số này tập trung ở những vùng giáp ranh, địa bàn còn có rừng, giáp rừng. Đặc biệt là khu vực giáp ranh với huyện Quan Hóa (Thanh Hóa). Bên huyện bạn vẫn còn tình trạng người dân sử dụng súng. Vì là địa bàn giáp ranh, người dân có mối quan hệ họ hàng, thân thiết nên khi cần có thể sang mượn súng hoặc gửi súng chỗ người thân, khi cần sử dụng sang lấy về. Thế nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, đây cũng là địa bàn các xóm vùng sâu, hoạt động sản xuất kinh tế chủ yếu ở nương rẫy xa khu dân cư, người dân thường giấu súng tại các lán trại. Mặt khác, do là loại vũ khí tự chế nên việc chế tạo dễ dàng, nếu bị thu hồi thì có thể chế tạo khẩu khác.

Nắm bắt được tình hình, cuối năm 2019, Công an huyện đã thành lập tổ công tác do Đội Cảnh sát QLHCVTTXH làm chủ công. Tổ công tác chia thành 4 mũi. Mỗi mũi có từ 4 - 5 cán bộ phối hợp với Công an các xã, trưởng xóm tiến hành rà soát tất cả các lều, lán khu vực sản xuất của người dân ở trên núi, xa khu dân cư tại các xã: Cun Pheo, Bao La, Piềng Vế (cũ), Hang Kia, Pà Cò, Vạn Mai, Noong Luông (cũ), Tân Dân (cũ). Trong 7 ngày liên tục, các mũi đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ 64 lều, lán của người dân ở các khu sản xuất. Qua kiểm tra đã thu giữ 87 khẩu súng tự chế (súng kíp và súng cồn) được người dân cất giấu. Số súng này chiếm 2/3 tổng số súng Công an huyện thu hồi trong năm 2019 và tháng đầu năm nay (tổng số thu hồi 152 khẩu súng các loại).

Chính từ việc làm tốt công tác quản lý vũ khí, từng bước ngăn chặn, xóa bỏ tình trạng săn bắn trái phép đã làm nhiều cánh rừng ở Mai Châu được hồi sinh. Giữa đại ngàn, muông thú và cả con người không còn giật mình với những tiếng nổ đì đoàng, chát chúa trong đêm. Rừng hồi sinh, nhiều loại muông thú trở về sinh sôi giữa đại ngàn xanh tốt. Thậm chí, có nơi gà rừng còn về ở chung với gà nhà.

Mạnh Hùng

Bài 1 - Trên rừng, ai cũng có thể trở thành... "con mồi"

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/139018/siet-chat-quan-ly-sung-san-o-huyen-mai-chau.htm