Siết chặt quản lý thị trường dịp cuối năm
Những tháng cuối năm luôn là thời điểm hoạt động gian lận thương mại 'nóng' nhất trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp Tết Nguyên đán. Để bảo đảm sự lành mạnh cho thị trường, lực lượng quản lý thị trường sẽ siết chặt công tác quản lý, triển khai nhiều giải pháp mạnh nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và hoạt động sản xuất trong nước.
Lực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở kinh doanh đồ gia dụng trên địa bàn phường Phú Lương (quận Hà Đông). Ảnh: Quyên Lưu
Nhu cầu tăng cao - hàng giả dễ trà trộn
Dịp cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, bởi thế đây cũng là lúc nhiều đối tượng lợi dụng đưa hàng lậu, hàng giả vào thị trường tiêu thụ. Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1, Cục Quản lý thị trường Hà Nội thông tin, các loại hàng lậu, hàng giả dịp này thường là: Thuốc lá, quần áo, rượu ngoại, pháo nổ, bánh kẹo, mỹ phẩm… Các đối tượng hình thành đường dây có tổ chức, hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi và thường xuyên thay đổi để đối phó với lực lượng chức năng. Hàng hóa được đưa qua biên giới, tập kết xung quanh Hà Nội rồi xé lẻ, trà trộn với hàng thật để đưa đi tiêu thụ. Đặc biệt năm nay, kinh doanh trực tuyến nở rộ, nguy cơ phát sinh nhiều hành vi vi phạm mới, khiến công tác quản lý thị trường càng thêm phức tạp.
Ngay từ cuối tháng 10-2020, Đội Quản lý thị trường số 10 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Sóc Sơn kiểm tra tại khu vực đỗ xe trả hàng hóa nội địa, thuộc Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa hàng không Nội Bài, phát hiện 2 kiện hàng chứa 376 chiếc điện thoại di động iPhone đã qua sử dụng. Người được thuê vận chuyển không xuất trình được hóa đơn, chứng từ. Ngày 3-11, Đội Quản lý thị trường số 1 đã phối hợp với tổ công tác của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại Khu công nghiệp Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, phát hiện cơ sở đang sản xuất quần áo có gắn nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci…; tạm giữ 124.101 chiếc quần áo thành phẩm, bán thành phẩm, tem nhãn... Tiếp đó, ngày 6-11, các Đội Quản lý thị trường số 1 và số 4 kiểm tra cơ sở kinh doanh tại ngõ 97 Thái Thịnh, quận Đống Đa, phát hiện 1.537 thiết bị, phụ kiện, tinh dầu dùng cho thuốc lá điện tử không có hóa đơn chứng từ...
Thông tin thêm về thủ đoạn kinh doanh hàng lậu, hàng giả mới, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, các đối tượng sử dụng hình thức phát hình trực tiếp (livestream) trên mạng xã hội Facebook để tiếp cận khách hàng. Việc giao nhận hàng hóa thông qua bên thứ ba là dịch vụ chuyển phát nhanh. Đối tượng cũng liên tục thay đổi nội dung, địa chỉ trên website hoặc tài khoản mạng xã hội, nên rất khó xác định chủ thể vi phạm để xử lý.
Người dân nên chọn các cửa hàng uy tín, tìm hiểu kỹ nguồn gốc sản phẩm trước khi mua sắm trong dịp cuối năm. Ảnh: Đỗ Tâm
Chủ động ổn định thị trường cuối năm
Theo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại… được triển khai liên tục tại các chợ, tụ điểm kinh doanh. Một số tụ điểm, đường dây kinh doanh hàng giả, hàng nhái đã bị triệt phá. Tuy nhiên, từ sau giai đoạn giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng lậu lại có dấu hiệu phức tạp. Riêng trong tháng 11-2020, các lực lượng chức năng của thành phố đã kiểm tra 3.630 trường hợp, xử lý 3.272 vụ, khởi tố 3 vụ với 5 đối tượng. Trong đó có 271 vụ buôn bán hàng cấm, hàng lậu; 93 vụ kinh doanh hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ và 2.908 vụ gian lận thương mại. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, thu hồi thuế và tiền bán hàng tịch thu là hơn 340 tỷ đồng.
Trong thời gian cao điểm từ nay đến Tết Nguyên đán, ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Lực lượng quản lý thị trường sẽ chủ động phối hợp kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng; kiểm tra trên các tuyến giao thông từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung, phía Nam về Hà Nội và ngược lại; đồng thời sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp giao nhận, chuyển phát nhanh”.
Đáng chú ý, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các hội chợ hàng tiêu dùng, hàng khuyến mại, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn... dịp cuối năm. Hoạt động phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, bán hàng đa cấp… cũng sẽ được chú trọng.
Đối với lĩnh vực thương mại điện tử, ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng quy định về những thông tin bắt buộc phải có khi bán hàng trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tăng trách nhiệm của đơn vị vận hành trong việc gỡ bỏ thông tin hàng hóa vi phạm, bổ sung quy định riêng với mạng xã hội có hoạt động giao dịch thương mại điện tử.