Siết chặt quản lý thực phẩm

Trên thị trường bày bán nhiều mặt hàng gắn nhãn mác là thực phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic. Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý đối với những mặt hàng này.

Người tiêu dùng băn khoăn

Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030. Toàn tỉnh đã xây dựng 80ha lúa (sản lượng 800 tấn/năm), gần 15ha rau (sản lượng gần 600 tấn/năm) và hơn 91ha cây ăn quả (sản lượng gần 1.900 tấn/năm) đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, các địa phương cũng đã xây dựng 32 cánh đồng sản xuất rau an toàn với trên 338ha. Hiện có 2 cơ sở ứng dụng công nghệ trong sản xuất rau thủy canh, với tổng sản lượng gần 60 tấn/năm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trên địa bàn tỉnh hiện nay, sản xuất thực phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic quy mô còn nhỏ, chủng loại ít và sản lượng thấp. Chưa có dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Các mặt hàng thực phẩm sạch, có dán nhãn đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic bày bán trên địa bàn tỉnh chủ yếu có nguồn gốc từ các tỉnh, thành phố trong nước, hoặc nhập từ nước ngoài.

Bà Trần Thị Hiền, ở phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) cho biết, tôi thường mua các loại thực phẩm, nông sản có dán nhãn VietGAP, GlobalGAP, Organic với giá cao gấp 2 - 4 lần so với những mặt hàng cùng chủng loại không gắn nhãn mác. Tuy nhiên, tôi chưa thật sự yên tâm về chất lượng của sản phẩm, liệu có đúng là sản phẩm sạch, hay chỉ là gắn nhãn mác "sạch" trên sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ do chi phí đầu tư lớn (ảnh minh họa). Ảnh: THANH PHONG

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chưa có dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ do chi phí đầu tư lớn (ảnh minh họa). Ảnh: THANH PHONG

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Phạm Bá cho biết, thực tế thì người dân rất khó, thậm chí không thể phân biệt được các tiêu chuẩn phổ biến của sản phẩm VietGAP, GlobalGAP, Organic... mà chỉ có thể biết qua hình thức bên ngoài, các chỉ số ghi trên bao bì và niềm tin từ người bán. Hiện nay, bên cạnh các siêu thị, cửa hàng, đơn vị cung cấp các loại thực phẩm, nông sản sạch, sản phẩm hữu cơ đạt các tiêu chí của Bộ NN&PTNT, vẫn tồn tại các cửa hàng kinh doanh thực phẩm chưa đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, mập mờ về nguồn gốc xuất xứ.

Đảm bảo truy xuất nguồn gốc

Theo kế hoạch, đến năm 2030, toàn tỉnh phát triển 1.500ha rau sản xuất an toàn, tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc (sản lượng trên 24 nghìn héc ta). Trong đó, có trên 90% diện tích rau được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, cam kết sản xuất an toàn; từ 10% diện tích và 10% diện tích rau tham gia liên kết sản xuất.

Các mặt hàng thực phẩm sạch có quy trình sản xuất nghiêm ngặt, đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic phải được các cơ quan, đơn vị chuyên môn thường xuyên giám sát, định kỳ đánh giá và kiểm nghiệm các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm, kể cả nguồn nước và đất tại khu vực sản xuất. Cụ thể, VietGAP có 4 tiêu chí; GlobalGAP có 252 tiêu chí, trong đó có 36 tiêu chí phải tuân thủ bắt buộc 100%; Organic yêu cầu nghiêm ngặt quy trình và tiêu chuẩn về khu vực sản xuất, thu hoạch... Sản xuất thực phẩm, nông sản sạch có năng suất không cao, tốn nhiều chi phí, nhất là khó khăn trong việc thực hiện và duy trì chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic. Trong khi đó, việc quản lý, giám sát của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, vì số lượng mặt hàng và chủng loại lớn, chi phí xét nghiệm cao (500 nghìn đồng/chỉ tiêu)...

Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc xây dựng chuỗi sản xuất, cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn bền vững. Qua đó, vừa tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc kiểm tra xuất xứ, chất lượng hàng hóa; vừa giúp người tiêu dùng dễ dàng kiểm tra nguồn gốc, các thông tin liên quan đến chất lượng nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ trên địa bàn tỉnh.

THANH PHONG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/nong-nghiep/202407/siet-chat-quan-ly-thuc-pham-8741203/