Siết chặt quảng cáo với người nổi tiếng: Liệu sẽ gỡ được bất cập?

Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đang được lấy ý kiến, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đề xuất bổ sung quy định về hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng.

Cụ thể, hoạt động này phải tuân thủ quy định pháp luật về quảng cáo và quy định về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ. Người quảng cáo phải có hợp đồng bằng văn bản với tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và phải được tổ chức, cá nhân đó đồng ý, xác nhận vào nội dung quảng cáo trước khi thực hiện. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về việc sử dụng hàng hóa, dịch vụ trên mạng xã hội, người quảng cáo phải "có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm".

Theo cơ quan soạn thảo, nhiều người dùng mạng xã hội, đặc biệt là các nghệ sĩ nổi tiếng đã giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, gây bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.

Tuy nhiên, Luật Quảng cáo hiện hành không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung vào trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Xung quanh nội dung mới này của Dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi, phóng viên VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh.

PV: Thưa ông, dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi có 2 quy định mới nổi bật: Thứ nhất, người có tầm ảnh hưởng được định nghĩa là chuyên gia, người có uy tín, người được xã hội chú ý trong lĩnh vực, ngành, nghề cụ thể theo quy định của Chính phủ; hoặc sở hữu tài khoản mạng xã hội trên nền tảng xuyên biên giới có số lượng người theo dõi, đăng ký từ 500.000. Thứ hai, người quảng cáo phải có hợp đồng văn bản thực hiện quảng cáo, khi đánh giá sản phẩm, cần có bằng chứng cụ thể về việc trực tiếp sử dụng sản phẩm. Ông đánh giá thế nào về hai điểm mới này?

Ông Lê Quốc Vinh: Trước hết, phải nói rằng dự thảo quy định đó vừa chặt lại vừa lỏng. Chặt là đưa ra quy định rất cụ thể, nhưng lỏng là không giải quyết được vấn đề gặp phải.

Thứ nhất, người ảnh hưởng không chỉ là những người có từ 500.000 người theo dõi, đăng ký trở lên. Dưới 500.000 thì vẫn có thể gây ảnh hưởng lớn được. Thứ hai, để có bằng chứng đã từng trải nghiệm, sử dụng sản phẩm thì cũng không có gì khó khăn cả. Điều đấy cũng không chắc chắn đảm bảo là họ sẽ đăng các quảng cáo thực sự hữu ích và không độc hại.

Hàng loạt người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các nhãn hàng trên mạng xã hội (Ảnh minh họa: VietnamNet)

Hàng loạt người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các nhãn hàng trên mạng xã hội (Ảnh minh họa: VietnamNet)

PV: Vậy theo ông, các quy định cần sửa đổi như thế nào để đạt được hiệu quả trước những quảng cáo tràn lan không đảm bảo chất lượng sản phẩm từ những người nổi tiếng?

Ông Lê Quốc Vinh: Câu chuyện ở đây cần hiểu thế này: Chúng ta đã từng có những quy định cụ thể với các đơn vị xuất bản, như cơ quan báo chí. Người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản. Thì ở đây, các KOL, Influencer, người nổi tiếng thì cũng chính là các Publisher (nhà phát hành), họ phải chịu trách nhiệm với nội dung đăng tải lên, cũng giống người đứng đầu cơ quan báo chí hay website.

Vậy thôi, nếu chúng ta quy định đơn giản như thế thì người nổi tiếng sẽ phải làm tròn trách nhiệm, để đảm bảo những sản phẩm họ nhận quảng cáo có đủ giấy tờ pháp lý về sự hợp tác, được kiểm chứng về chất lượng sản phẩm, giống hệt các nhà xuất bản, phát hành khác.

Nếu họ muốn quảng cáo đưa lên mà không vi phạm và bị xử phạt bởi luật pháp Việt Nam thì họ sẽ có động thái bảo vệ vị thế, vai trò của họ. Ví dụ như hợp đồng, cẩn thận hơn trong việc yêu cầu các công ty cung cấp kết quả trải nghiệm thực sự, để chắc chắn quảng cáo phát lên là hợp pháp.

Chúng ta quy định như vậy thì sẽ chặt chẽ và bao trùm. Còn nếu đi sâu quá, quy định cụ thể quá về việc phải làm gì, tôi e rằng, họ sẽ cố gắng lách luật, từ đó tạo ra lỗ hổng luật pháp.

PV: Vậy còn các giải pháp để giúp người tiêu dùng, khán thính giả cũng như chính người nổi tiếng được bảo vệ khỏi những sản phẩm quảng cáo không đúng với công bố?

Ông Lê Quốc Vinh: Thứ nhất, phải đẩy mạnh công tác hậu kiểm. Khi cơ quan quản lý nhà nước phát hiện ra những sản phẩm đó có sự sai lệch trong quá trình quảng cáo, không đúng thông tin người nổi tiếng đăng tải, cần xử lý quyết liệt, mạnh mẽ, cần thiết có chế tài, biện pháp công bố để công chúng tỉnh táo hơn, xem xét có nghe theo hay bị ảnh hưởng bởi những sản phẩm đó. Người nổi tiếng cũng theo đó mà thận trọng hơn trong việc lựa chọn sản phẩm, bảo vệ vị thế của họ.

Tôi từng đề nghị những người nổi tiếng, để bảo vệ chính họ cần có bộ máy đảm bảo pháp lý trước khi đặt bút ký hợp đồng quảng cáo. Khi đó, chúng ta sẽ có hệ thống chủ động, minh bạch, không còn phải lệ thuộc vào cái gọi là tư cách đạo đức của các bên có liên quan.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Việc cơ quan quản lý nhà nước hướng tới việc siết chặt thêm hoạt động quảng cáo của những người nổi tiếng, thay vì chỉ siết chặt các tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ như trước, được coi là một động thái tiến bộ, bắt kịp với thực tiễn.

Mặc dù vậy, cách tiếp cận và quy định cụ thể cần được xem xét cẩn thận, lấy ý kiến rộng rãi từ cộng đồng và các chuyên gia trong lĩnh vực marketing, truyền thông mạng xã hội để đạt được hiệu quả như mong muốn từ ban soạn thảo.

Chu Đức/VOV Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/siet-chat-quang-cao-voi-nguoi-noi-tieng-lieu-se-go-duoc-bat-cap-post1082063.vov