Siết chặt thanh tra, kiểm tra góp phần giảm tai nạn lao động

Thanh tra, kiểm tra là một trong những công cụ chấn chỉnh việc chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động. Song, để kéo giảm số vụ tai nạn lao động, công tác này phải được làm thực chất, hiệu quả hơn nữa.

Thanh kiểm tra sẽ góp phần giảm các vụ tai nạn lao động.

Thanh kiểm tra sẽ góp phần giảm các vụ tai nạn lao động.

Theo Cục Việc làm (Bộ Nội vụ), công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động vẫn đứng trước những thách thức lớn như: số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp, sự cố nghiêm trọng có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân là nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động…

Chính vì vậy, trước khi người lao động vào làm một công việc mới thì phải được chủ sử dụng lao động huấn luyện, cung cấp đầy đủ thông tin về các nguy cơ mất an toàn lao động. Nếu chủ sử dụng lao động có bộ phận chuyên môn, chuyên gia thì có thể tự tổ chức huấn luyện cho người lao động. Nếu không có chuyên gia, không đủ năng lực thì có thể thuê bên ngoài. Mục tiêu của công tác huấn luyện là nâng cao nhận thức, kỹ năng, đặc biệt là thái độ làm việc của người lao động, người quản lý, chủ doanh nghiệp đối với công tác an toàn, bảo vệ sức khỏe người lao động.

Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành huấn luyện an toàn lao động, tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn lao động còn có điểm bất cập, chưa sát thực tế. Vì vậy, có đơn vị, doanh nghiệp vi phạm nhưng chưa bị phát hiện và xử lý kịp thời.

Bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Việc làm (Bộ Nội vụ) cho biết, 50% số vụ tai nạn có nguyên nhân bắt nguồn từ người sử dụng lao động, đã cho thấy trách nhiệm người sử dụng lao động là rất lớn. Đặc biệt, thời gian gần đây ở nhiều doanh nghiệp xảy ra tình trạng sử dụng máy móc thiết bị cũ, công tác huấn luyện thông tin giảm, nhiều nơi chỉ làm chống đối. Điều này một phần do công tác thanh tra chấp hành các quy định về an toàn, vệ sinh lao động hiện nay thường thành lập đoàn. Doanh nghiệp bị thanh tra được lên kế hoạch, được báo trước, sau đó đoàn thanh tra sẽ vào xem xét nghiên cứu hồ sơ xem còn gì vướng mắc.

“Thực tế, việc này chỉ là để xem xét hồ sơ có bảo đảm đúng quy định của pháp luật hay không, giúp doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ cho đầy đủ. Trong khi đó, điều quan trọng nhất của công tác thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động là làm rõ quá trình sản xuất, điều kiện làm việc có bảo đảm an toàn không”, bà Hạnh chỉ ra.

Nhằm tăng cường việc tuân thủ pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, kéo giảm các vụ tai nạn lao động, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn số 907/BNV-CVL gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tập đoàn, tổng công ty về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.

Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tiếp tục cụ thể hóa các giải pháp thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới. Trong đó, cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp thực hiện với tinh thần “năm rõ” (rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian và rõ kết quả).

Đồng thời, Bộ Nội vụ cũng giao Cục Việc làm tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tổ chức, cá nhân vi phạm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về an toàn, vệ sinh lao động (nếu có); tổng hợp các kiến nghị, rà soát, đề xuất cấp thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động bảo đảm phù hợp và khả thi trong thực tiễn.

Trong năm 2024, Bình Dương là một trong những địa phương có số vụ tai nạn lao động cao nhất cả nước. Do đó, để kéo giảm tai nạn lao động trên địa bàn, ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Dương cho biết, Sở Nội vụ tiếp tục phối hợp với các đơn vị và địa phương tập trung rà soát các cơ sở gia công, chế biến gỗ có sử dụng lò hơi. Tổ chức các đoàn thanh tra về an toàn vệ sinh lao động trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất; kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy các cơ sở tiềm ẩn về cháy, nổ.

Cùng với đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc, phòng ngừa tai nạn lao động... Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động nâng cao ý thức, nhận thức, hành động để bảo đảm an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, chuỗi cung ứng, chú trọng các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ.

Nguyệt Hà

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/siet-chat-thanh-tra-kiem-tra-gop-phan-giam-tai-nan-lao-dong.html