Siết chặt việc quản lý, sử dụng nhà đất công
Hàng loạt cơ sở nhà đất công được nhiều cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập ở TP Hải Phòng cho thuê, sử dụng... không đúng mục đích, gây lãng phí
Theo Sở Tài chính TP Hải Phòng, 200 cơ sở nhà đất công với diện tích 42,5 ha do 23 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương quản lý có dấu hiệu sử dụng không đúng mục đích, không hiệu quả hoặc không sử dụng.
Rạp hát thành nhà dân
Trong đó, 147 cơ sở nhà đất với diện tích xây dựng 63.000 m2 trên 19,5 ha không sử dụng; 5 cơ sở nhà đất với diện tích xây dựng 2.600 m2 trên 1,3 ha sử dụng kém hiệu quả. 48 cơ sở nhà đất còn lại với diện tích xây dựng 84.000 m2 trên 22,7 ha được xác định sử dụng không đúng mục đích.
Sở Tài chính TP Hải Phòng cho biết nhiều nhà hát, rạp chiếu phim không sử dụng có các hộ dân sinh sống; nhiều trụ sở công cho thuê kinh doanh dịch vụ. Thậm chí, một số trường hợp còn bố trí làm nhà ở ngay trong khuôn viên trụ sở.
Trong lĩnh vực văn hóa, ngành văn hóa Hải Phòng được giao quản lý, sử dụng hàng loạt công trình vốn là rạp chiếu phim, nhà hát, nhà văn hóa. Song, hầu hết công trình và diện tích đất liên quan đều bị chiếm dụng.
Trong đó, rạp chiếu phim Lê Văn Tám (23 Mê Linh, quận Lê Chân) được Trung tâm Thông tin Triển lãm và Điện ảnh quản lý không còn hoạt động, phần diện tích mặt đường khoảng 40 m2 đang được 1 hộ dân sử dụng làm nhà ở. Nhà hát Sông Cấm - cũng là trụ sở Đoàn Nghệ thuật Múa rối Hải Phòng (274 Lê Lợi, quận Ngô Quyền) - có 2 hộ dân sử dụng hơn 100 m2 làm nơi sinh sống. Tại trụ sở Đoàn Ca múa Hải Phòng (80 Phan Bội Châu), Nhà hát Tháng Tám (117 Đinh Tiên Hoàng) và Trung tâm Văn hóa (18 Đinh Tiên Hoàng, cùng quận Hồng Bàng), khoảng 15 hộ dân chiếm dụng hàng ngàn mét vuông nhà đất để sinh hoạt.

Tại Nhà hát Tháng Tám ở TP Hải Phòng, 7 hộ dân đang sinh sống
Tại huyện Tiên Lãng, một số cơ sở nhà đất thuộc quyền quản lý của Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao huyện bị sử dụng sai mục đích nhiều năm nay. Chẳng hạn, tòa nhà 2 tầng có sàn xây dựng hơn 300 m2 trên 1.128 m2 đất của Đài Phát thanh (cũ) đã cho doanh nghiệp viễn thông cùng các hộ kinh doanh thuê mặt bằng mở dịch vụ ăn uống. Trung tâm này còn cắt khoảng 700 m2 trong tổng số hơn 11.000 m2 đất sân vận động để xây 20 ki-ốt cho thuê dịch vụ ăn uống. Nhà Thi đấu đa năng huyện Tiên Lãng được cho thuê mở dãy quán karaoke...
Đáng chú ý, khu "đất vàng" 6,9 ha trên đường Lạch Tray, quận Ngô Quyền được giao cho Thành Đoàn Hải Phòng xây dựng công trình công cộng đã xảy ra nhiều vi phạm về quản lý, sử dụng. Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên quản lý hơn 4.500 m2 nhà trên diện tích hơn 2,2 ha đất tại số 45 Lạch Tray đã cho Hội Doanh nhân trẻ sử dụng một phần mở quán cà phê. Cung Văn hóa Thiếu nhi được giao quản lý 14.240 m2 nhà trên diện tích 4,18 ha đất tại số 55 Lạch Tray đã cho một đơn vị sử dụng cả hội trường lớn để kinh doanh văn phòng phẩm...

Nhà A - Cung Văn hóa Thiếu nhi Hải Phòng thành điểm kinh doanh
Khẩn trương xử lý, giải quyết
Không chỉ ngành văn hóa - thể thao với 20 cơ sở nhà đất công không sử dụng, sử dụng không hiệu quả hoặc không đúng mục đích, theo Sở Tài chính TP Hải Phòng, lĩnh vực y tế cũng có 17 cơ sở nhà đất công bỏ hoang không sử dụng, dẫn đến tình trạng xuống cấp, lãng phí.
Cụ thể, cơ sở nhà đất 51 - 53 Tôn Đản thuộc Trạm Y tế Phạm Hồng Thái - 17 Lê Đại Hành, cùng quận Hồng Bàng - thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hải Phòng; khu nhà 3 tầng với hơn 2.100 m2 xây dựng trên 2.667 m2 đất nguyên là Trung tâm Y tế quận Dương Kinh (đường Mạc Đăng Doanh, quận Dương Kinh) bị bỏ không từ lâu. Lý do là các đơn vị y tế này đã có trụ sở mới.
Tại khu vực ven đô và nông thôn, tình trạng nhà đất công bị bỏ không gây lãng phí cũng diễn ra ở nhiều nơi. Trong đó, tòa nhà 2 tầng 200 m2 xây dựng trên khu đất hơn 1.000 m2 vốn là cơ sở điều trị 2 của Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Bảo (xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo); tòa nhà 390 m2 xây dựng trên 1.585 m2 đất thuộc cơ sở 2 Trạm Y tế xã Vinh Quang, huyện Vĩnh Bảo... không được sử dụng nhiều năm nay.
Trước thực trạng nhà đất công có dấu hiệu sử dụng kém hiệu quả, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đã có văn bản yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) rà soát, quản lý, theo dõi. Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp, phân loại nguyên nhân trụ sở, công sở không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích để đề xuất UBND TP Hải Phòng phương án xử lý, giải quyết.
UBND TP Hải Phòng cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương vào cuộc tháo gỡ, giải quyết. Trong đó, Thành Đoàn Hải Phòng yêu cầu ngay Cung Văn hóa Thể thao Thanh niên, Cung Văn hóa Thiếu nhi chấm dứt việc sử dụng nhà đất công không đúng mục đích; các sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Y tế… cùng một số địa phương lập đề án khai thác tài sản công, cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.
UBND TP Hải Phòng nhấn mạnh những công sản sử dụng sai mục đích, đơn vị được giao quản lý, sử dụng phải chấm dứt việc cho thuê. Với những trụ sở, công sở, nhà đất không sử dụng, các đơn vị phải có phương án sắp xếp, xử lý theo đúng quy định của Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật Đất đai.
Chỉ thu hồi được 3 cơ sở
Theo thống kê, trong khoảng 200 cơ sở nhà đất công không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, đến năm 2025, TP Hải Phòng mới thu hồi được 3 cơ sở trên khu đất có diện tích 7.534 m2 , giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý để thực hiện chỉnh trang đô thị.
Lãnh đạo Sở Tài chính TP Hải Phòng cho biết đối với những cơ sở nhà đất, tài sản công có hộ dân sử dụng hoặc đang được các đơn vị cho thuê sai mục đích, việc sắp xếp, xử lý gặp không ít khó khăn.
Sở Tài chính đã báo cáo UBND TP Hải Phòng, kiến nghị chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục rà soát, phân loại để có biện pháp xử lý dứt điểm. Những đơn vị được giao quản lý phải có phương án nâng cao hiệu quả việc sử dụng tài sản công.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/siet-chat-viec-quan-ly-su-dung-nha-dat-cong-196250403203223979.htm