Siết chặt vốn tín dụng đầu tư vào lĩnh vực bất động sản
Trong vòng 3 năm trở lại đây, giá bất động sản (BĐS) tăng đột biến đã khiến cho nhiều người có nhu cầu mua đất, mua nhà để ở gặp không ít khó khăn. Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng đầu tư, kinh doanh BĐS, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm từng bước góp phần phát triển lành mạnh thị trường BĐS.
Trong vòng 3 năm trở lại đây, giá bất động sản (BĐS) tăng đột biến đã khiến cho nhiều người có nhu cầu mua đất, mua nhà để ở gặp không ít khó khăn. Trước tình trạng này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) tăng cường kiểm soát các khoản cấp tín dụng đối với khách hàng đầu tư, kinh doanh BĐS, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ, nhằm từng bước góp phần phát triển lành mạnh thị trường BĐS.
So với 3 năm trước, hiện giá BĐS trên địa bàn TP Phủ Lý có nhiều vị trí tăng gấp 2 – 3 lần. Giá đất tăng theo từng tuần khiến cho nhiều người có nhu cầu thực tế cần mua đất, mua nhà ở gặp không ít khó khăn.
Anh Nguyễn Trọng Hải, thường trú ở Tổ 2, Phường Lương Khánh Thiện (TP Phủ Lý) cho biết: Thu nhập của vợ chồng tôi mỗi tháng được hơn 20 triệu đồng, trừ tiền thuê nhà, sinh hoạt phí thường tiết kiệm được 8-10 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình tôi phải tiết kiệm khoảng 20 năm mới đủ để mua một mảnh đất trong ngõ ở TP Phủ Lý. Gần đây nghe thông tin ngân hàng siết chặt cho vay vốn đầu tư BĐS tôi cũng lo lắng. Bởi nếu không có sự hỗ trợ tài chính của ngân hàng thì vợ chồng tôi sẽ khó có thể xoay xở thêm để mua nhà.
Cũng như anh Hải, hiện nay rất nhiều hộ gia đình có nhu cầu gặp khó khăn khi giá BĐS tăng đột biến. Theo lý giải của các NHTM, việc siết chặt cho vay đầu tư BĐS là một trong những động thái làm giảm cầu về nhà, đất có tác dụng tốt để hạ nhiệt sức nóng của thị trường hiện nay. Tỷ lệ tăng trưởng cho vay đầu tư BĐS đối với khách hàng cá nhân đã nhiều nên các ngân hàng không muốn cho vay lĩnh vực này nữa, mà tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh khác. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào lĩnh vực kinh doanh BĐS.
Ông Trần Duy Vinh, Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương (Viettinbank), Chi nhánh Hà Nam cho biết: Dự nợ tín dụng của chi nhánh hiện nay đạt khoảng hơn 14 nghìn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đầu tư lĩnh vực BĐS rất thấp, chỉ chiếm khoảng gần 100 tỷ đồng. Thực hiện chỉ đạo của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh không đầu tư cho vay BĐS, hướng mạnh vào đầu tư cho vay sản xuất, kinh doanh và cho vay tiêu dùng.
Còn ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ngân hàng HTX Việt Nam, Chi nhánh tỉnh Hà Nam cho biết: Trong năm 2022, chi nhánh phấn đấu tăng trưởng tín dụng khoảng 30% so với cuối năm 2021. Thị trường mà chi nhánh hướng tới là đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, ưu tiên phục hồi sản xuất sau đại dịch. Đối với các hộ mua đất để xây dựng nhà ở, đơn vị vẫn nghiên cứu cho vay nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, khi siết chặt tín dụng BĐS có mặt tích cực là góp phần kiểm soát lượng cung tiền trên thị trường một cách thận trọng hơn trước. Động thái này sẽ từng bước hạ nhiệt phần nào “bong bóng” giá nhà đất vốn đã quá cao trong thời gian qua. Với các nhà đầu tư mua BĐS bằng tiền nhàn rỗi, hoặc doanh nghiệp có khả năng bán hàng tốt sẽ ít bị tác động khi ngân hàng siết chặt tín dụng cho vay BĐS. Còn đối với khách hàng cá nhân, nếu họ không được ngân hàng cho vay mua nhà sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống và cơ hội mua nhà để ở của người dân càng khó khăn hơn.
Gần đây, các ngân hàng như Techcombank, Sacombank và một số ngân hàng khác thông báo dừng cho vay BĐS và hạn chế cho vay BĐS. Các tổ chức tín dụng yêu cầu giám đốc khu vực, giám đốc chi nhánh và trưởng phòng giao dịch không cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS, ngoại trừ cho vay cán bộ, công nhân viên và người mua, xây, sửa nhà, mua BĐS để ở.
Có thể nói, việc các NHTM siết chặt tín dụng BĐS sẽ tác động đến hành vi vay vốn mua đất đầu tư, phân lô bán nền, gom đất nông nghiệp mua bán sang tay ngắn và trung hạn. Qua đó, thị trường đầu tư đất nền sẽ lành mạnh và ổn định hơn. Khi việc siết tín dụng được tiến hành chặt hơn, những nhà đầu tư đất nền bắt buộc phải sử dụng tiền nhàn rỗi và đầu tư trung - dài hạn (3-10 năm) chứ không thể mua bán ngắn hạn, đẩy giá lên liên tục như thời gian qua. Tuy nhiên, các ngân hàng cũng cần nghiên cứu phải có cơ chế để người dân thực sự có nhu cầu về nhà ở vẫn có thể tiếp cận được nguồn vốn.