Siết chặt xây dựng chung cư mini

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng chung cư mini là loại hình phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở song cần có biện pháp quản lý chặt chẽ

Chiều 26-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Một số nội dung nhận được nhiều sự quan tâm gồm: quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) để cho thuê; quy định xây dựng nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ của cá nhân (chung cư mini)...

Bịt "kẽ hở" quản lý chung cư mini

Ủy ban Thường vụ QH cho hay nhiều ý kiến đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn về việc phát triển, quản lý, sử dụng loại hình chung cư mini. Cụ thể, có yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng, phòng cháy chữa cháy (PCCC); không cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho từng căn hộ; chỉ cho phép cho thuê; chủ nhà phải chịu trách nhiệm về quản lý, vận hành...

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị chỉnh lý lại một số nội dung trong dự luật. Theo đó, chung cư mini từ 2 tầng trở lên và có quy mô dưới 20 căn hộ để cho thuê phải đáp ứng yêu cầu về quy chuẩn xây dựng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng; phải được thiết kế, thẩm duyệt PCCC và thực hiện các biện pháp quản lý về an toàn PCCC theo quy định. Trường hợp cá nhân xây dựng chung cư mini từ 2 tầng trở lên để bán, cho thuê mua căn hộ hoặc xây dựng chung cư mini quy mô từ 20 căn hộ trở lên để cho thuê đều phải lập dự án đầu tư, phải đáp ứng điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.

Cho rằng chung cư mini phù hợp với đối tượng thu nhập thấp, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở của người dân song đại biểu (ĐB) Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) lưu ý cần xem xét kỹ lưỡng hệ lụy của loại hình này. Theo ông Thanh, cần thiết kế các quy định về đáp ứng an toàn PCCC, bảo đảm quy hoạch và bảo đảm an toàn cho người dân là trên hết.

ĐB Nguyễn Duy Thanh cũng lưu ý khi đưa nội dung về chung cư mini vào dự luật có thể dẫn đến tình trạng loại hình nhà ở này phát triển rầm rộ, từ đó gây áp lực cho hạ tầng giao thông, trường học, y tế... Ông đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn kỹ thuật, điều kiện hình thành... đáp ứng quy hoạch dân cư, giao thông, trường học trên địa bàn. Đồng thời, cơ quan quản lý, chính quyền địa phương cần thanh tra, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng của chung cư mini trên địa bàn để bảo đảm đời sống cho người dân.

ĐB Nguyễn Quốc Luận (Yên Bái) ủng hộ việc hoàn thiện chính sách để phát triển chung cư mini bởi loại hình này vừa huy động được các nguồn lực xã hội - nhất là của người dân - vừa tạo điều kiện để một bộ phận công nhân, lao động, người nghèo, người thu nhập thấp có thêm cơ hội tiếp cận nhà ở với chi phí hợp lý và các điều kiện đơn giản, linh hoạt.

Góp ý thêm, ĐB Luận đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định tại dự luật theo hướng nhà nước tập trung quản lý; đơn giản hóa các điều kiện, thủ tục hành chính để cá nhân có quyền sử dụng đất, có tiềm lực tài chính có thể dễ dàng tham gia phát triển loại hình nhà ở này.

"Trường hợp dự thảo luật chưa thể nghiên cứu, bổ sung đầy đủ quy định, có thể đưa ra các quy định cơ bản mang tính nguyên tắc, giao Chính phủ quy định chi tiết thi hành, nhất là vấn đề liên quan việc bán, cho thuê mua, cấp giấy chứng nhận quản lý, sử dụng" - ông Luận đề xuất.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng việc trao quyền cho Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội có ý nghĩa rất nhân vănẢnh: PHẠM THẮNG

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng việc trao quyền cho Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư nhà ở xã hội có ý nghĩa rất nhân vănẢnh: PHẠM THẮNG

Mở rộng phạm vi cho thuê nhà ở xã hội

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ QH tán thành phương án Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê.

Theo ĐB Trần Kim Yến (TP HCM), việc giao Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng NƠXH để cho thuê vừa thể hiện trách nhiệm của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên vừa tạo điều kiện cho công nhân thụ hưởng những phúc lợi từ tổ chức này. Qua đó, công nhân sẽ gắn bó hơn với doanh nghiệp, tạo nên mối quan hệ tương tác. Tuy nhiên, ĐB Trần Kim Yến không đồng tình với quy định xây nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp vì lo ngại môi trường sống của họ và gia đình sẽ bị ảnh hưởng.

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Trong ảnh: Một dự án nhà ở xã hội ở TP HCMẢnh: TẤN THẠNH

Đa số ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành phương án Tổng LĐLĐ Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê. Trong ảnh: Một dự án nhà ở xã hội ở TP HCMẢnh: TẤN THẠNH

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng Công đoàn là một tổ chức có vị trí, vai trò đặc biệt trong hệ thống chính trị. Đáng chú ý, Công đoàn đang đứng trước sức ép rất lớn nên cần thiết phải để cho tổ chức này có điều kiện, có cơ sở pháp lý để chăm lo cho các thành viên của mình.

Nhấn mạnh nguồn tài chính để đầu tư NƠXH là nguồn tài chính của Công đoàn, nằm ngoài ngân sách nhà nước, ĐB Nghĩa nhìn nhận: "Đây không phải hoạt động kinh doanh đơn thuần mà là hoạt động thể hiện nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn đối với thành viên của mình".

ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nhận xét việc trao quyền cho Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ đầu tư NƠXH có ý nghĩa rất nhân văn, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong phát triển NƠXH hiện nay như: chưa thu hút được chủ đầu tư, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

ĐB Nga đề nghị mở rộng phạm vi được thuê nhà do Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư xây dựng. Bởi lẽ, khi dự án đã hoàn thành, đi vào giai đoạn vận hành mà chỉ cho phép công nhân, người lao động thuê thì rất dễ dẫn đến tình trạng thừa nguồn cung trong khi nhiều đối tượng khác có nhu cầu lại không thể thuê.

Theo bà Nga, chỉ nên quy định các dự án NƠXH do Tổng LĐLĐ Việt Nam làm chủ đầu tư khi hoàn thành, đi vào vận hành sẽ "ưu tiên cho đối tượng là công nhân, người lao động thuê". Bên cạnh đó, cần quy định các dự án đầu tư phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và có dự báo nhu cầu của công nhân, người lao động tại địa bàn có dự án để bảo đảm đầu tư có hiệu quả.

Hôm nay (27-10), QH thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; thảo luận ở tổ về Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án thu hồi đất sân bay Long Thành

Sáng cùng ngày, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày tờ trình về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành.

Chính phủ đề nghị giảm tổng mức đầu tư dự án này từ 22.938 tỉ đồng xuống 19.207 tỉ đồng; giảm diện tích đất thu hồi từ 5.400 ha xuống hơn 5.300 ha... Để có cơ sở triển khai thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho dự án, Chính phủ kiến nghị QH xem xét, thông qua việc kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2024. Chính phủ cũng kiến nghị kéo dài thời gian giải ngân đối với hơn 966 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và hơn 1.543 tỉ đồng thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đến hết năm 2024 để tiếp tục bố trí vốn thực hiện, hoàn thành dự án.

VĂN DUẨN - HUY THANH

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/siet-chat-xay-dung-chung-cu-mini-20231026220329534.htm