Siết kỷ cương, trách nhiệm người đứng đầu thi hành án
Tổng cục Thi hành án dân sự cần quan tâm năng lực của các chi cục trưởng, đặc biệt là trong việc tổ chức, kiểm soát công việc của chấp hành viên, công chức thi hành án.
15 giờ 30, tại trụ sở tiếp dân Bộ Tư pháp, ngay trung tâm quận Ba Đình, Hà Nội, đã hơn một tiếng đồng hồ, đại diện Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) vẫn chưa lập xong biên bản làm việc với bà Lê Thị Thỏa, đến từ Hòa Bình.
Bà lên bộ kêu cầu về một vụ tranh chấp dân sự, đã qua hai cấp xét xử ở địa phương, bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật từ năm 2017 mà bà có nghĩa vụ phải trả 34 triệu đồng.
Chuyện thường ngày ở trụ sở tiếp dân Bộ Tư pháp
“Tôi không biết. Tôi gửi đơn cho ông chánh án tối cao 40 lần rồi. Tôi đang gửi đơn lên ông Thủ tướng, lên chủ tịch Quốc hội. Tòa tuyên vậy là sai, tôi không chấp nhận. Sai thì không được THA. Thế thôi”. Bất chấp giải thích của cán bộ tiếp dân là cơ quan THADS không có thẩm quyền và cũng không thể đánh giá bản án của tòa, bà Thỏa khăng khăng.
Bà Thỏa đã ít nhất ba lần lên trụ sở tiếp dân này. Mọi giải thích theo pháp luật bà đều không nghe. Vì vậy, chuẩn bị cho cuộc làm việc, đại diện Cục THADS tỉnh Hòa Bình đã được mời lên phối hợp. Chấp hành viên Hòa Bình vốn thuộc lòng vụ việc thuyết phục: “Giờ nếu bên được THA giảm cho bà chỉ phải trả 15 triệu, bà có đồng ý không?”.
“Không. 5 triệu thì được. Ai đền cho tôi bao nhiêu công sức, tiền bạc theo đuổi khiếu nại mấy năm nay. Nhà đấy mà đi qua cổng, tôi mà gặp là chửi cho biết mặt” - bà Thỏa nhất quyết.
Đây chỉ là một trong rất nhiều việc liên quan đến THADS, vốn chiếm tới 90% đơn thư mà trụ sở tiếp dân Bộ Tư pháp phải tiếp xúc hằng ngày.
Những khó khăn, căng thẳng của chấp hành viên
Một ngày sau cuộc làm việc căng thẳng với bà Thỏa, sáng 29-11, Tổng cục THADS tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ 2020 tới hoàn hệ thống. Không phải để kể khổ nhưng nhiều khó khăn trong công tác THADS được nêu ra.
Đó là vụ cưỡng chế khu đất liên quan đến dòng họ Phùng ở Hoài Đức, Hà Nội. Chấp hành viên, lực lượng công an hỗ trợ, đại diện chính quyền địa phương vừa niêm phong được hôm trước, hôm sau đương sự lại tái chiếm. Rồi cưỡng chế tài sản THA là nhà mà người phải THA đưa ông bố 70 tuổi, bệnh tim, đang lên cơn cao huyết áp ra dọa “chết thì luôn tại đây, kiên quyết không giao nhà”. Anh ta từ chối cho bố lên xe cứu thương mà cán bộ THA chuẩn bị sẵn…
Rồi một kiểu khó khăn khác mà lỗi, trách nhiệm ở chính cơ quan tố tụng. Đấy là vụ án lừa đảo với giá trị phải THA tới 120 tỉ đồng ở Thái Nguyên, mấy năm nay ách tắc. Lý do: CQĐT đã cẩn thận kê biên tài sản, vậy nhưng VKS lại xóa kê biên. Đến khi bản án có hiệu lực, THA lần tìm các tài sản liên quan thì đã sang tên, đổi chủ gần hết…
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Mai Lương Khôi, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS, lý giải: “Tranh chấp tại tòa là mới trên giấy. Đương sự chưa thực sự cảm nhận hết thua thiệt, mất mát. Tới khi án có hiệu lực, phải thi hành, họ mới quyết liệt phản ứng, tìm mọi cách chống đối. Chấp hành viên chỉ sơ sẩy một câu, một chữ, một thủ tục là họ kiếm cớ khiếu nại, kiếm cớ trì hoãn THA”.
Vậy nên báo cáo tổng kết của Bộ Tư pháp yêu cầu năm 2020, hệ thống THADS phải cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật, nhất là trong thủ tục kê biên, thẩm định giá, đấu giá tài sản. Những việc rất nhỏ như tống đạt, thông báo cũng phải làm thật chặt chẽ…
Báo cáo cũng đưa ra một chỉ tiêu quan trọng là tỉ lệ THA xong trên số việc, giá trị về tiền có điều kiện thi hành được. Năm 2019, hệ thống đã vượt chỉ tiêu thì 2020 phải đạt kết quả “năm sau cao hơn năm trước”.
Tiếp tục siết kỷ cương, chọn lọc đầu vào
Chia sẻ kinh nghiệm, cũng là giải pháp mà nhờ đó Cục THADS tỉnh Thừa Thiên-Huế được chọn làm điển hình, biểu dương, Cục trưởng Ngô Thanh Cường cho biết: “Tôi nhận nhiệm vụ chưa lâu, về nghiệp vụ chưa có nhiều để chia sẻ nhưng từ đơn vị thì thấy cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương”.
Nhận vị trí cục trưởng một năm rưỡi, ông Cường cho biết đã phải kỷ luật hai chấp hành viên, tinh giản hai và cho thôi việc một do năng lực hạn chế. Cá nhân ông phải gương mẫu, trực tiếp xuống địa bàn cùng anh em thuyết phục, chắp mối bên phải THA - bên được THA thỏa thuận tự giải quyết với nhau để khỏi phải cưỡng chế.
Cùng quan điểm, Cục trưởng THADS tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Xuân Tùng đề nghị lãnh đạo bộ, tổng cục cần quan tâm năng lực của các chi cục trưởng, đặc biệt là trong việc tổ chức, kiểm soát công việc của chấp hành viên, công chức THA.
Nguyên là chánh văn phòng Tổng cục THADS, được điều động lên Thái Nguyên hồi đầu năm, ông Nguyễn Xuân Tùng nhận xét: “Sai sót nhiều nhất là ở cấp chi cục và đó cũng là nơi phải làm nhiều việc nhất, va chạm trực tiếp với dân. Vì vậy, tôi đề nghị thi tuyển công chức trong hệ thống THA chặt chẽ hơn. Thà trượt còn hơn buông lỏng, nhận vào mà không chất lượng, làm sai, phải bồi thường, rất mệt…”.
Một việc nữa phải làm, theo Tổng cục trưởng Mai Lương Khôi là nghiên cứu, rà soát các khó khăn, vướng mắc sau 5 năm thực thi Luật THADS. “Luật hiện hành theo tư duy cũ, nhiều bất cập. Cả người phải THA, được THA và chấp hành viên đối mặt với nhiều quy trình, thủ tục phức tạp, nhiều khi thiếu khoa học, rất rủi ro. Chúng tôi hy vọng sẽ có sửa đổi căn bản” - ông Khôi nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/siet-ky-cuong-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-thi-hanh-an-873850.html