Siết kỷ luật ban hành văn bản hướng dẫn

Việc ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh còn rất chậm. Kết quả giám sát năm 2022 cho thấy có đến 21% tổng số văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa được ban hành hoặc chậm ban hành. Có những văn bản chậm hơn 3 năm 10 tháng chưa được ban hành kể từ khi luật có hiệu lực thi hành. Như vậy, công tác xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật chưa nghiêm. Thực tế này được Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chỉ ra tại hội nghị triển khai Nghị quyết hướng dẫn hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật mới đây.

Chậm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã trở thành căn bệnh “trầm kha”. Tình trạng luật chờ nghị định, nghị định chờ thông tư đã làm cho luật dù đã được ban hành nhưng chậm đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp, đây cũng chính là rào cản để phát triển kinh tế, xã hội.

Không chỉ chậm ban hành văn bản hướng dẫn, một tồn tại đáng nói là có những nội dung luật không quy định nhưng trong nghị định, thông tư lại có, chưa kể là việc quy định sai hoặc không đúng với quy định của luật. Thống kê từ tháng 10.2020 đến tháng 7.2021, Bộ Tư pháp đã kiểm tra theo thẩm quyền 3.393 văn bản, phát hiện và có kết luận, kiến nghị xử lý đối với 69 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền, nội dung, 5 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

Dù không nhiều nhưng vẫn xảy ra tình trạng thông tư của các bộ nhưng lại đặt ra những nội dung ngoài quy định của luật đẻ ra các thủ tục hành chính, một số thông tư của ngành làm khó cho các ngành khác. Một số văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng lại điều chỉnh như văn bản quy phạm pháp luật.

Nếu như việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn đã làm cho luật chậm đi vào cuộc sống, thì việc ban hành văn bản sai thẩm quyền, hướng dẫn những quy định vượt khỏi “khung khổ” của luật sẽ gây nguy hại hơn rất nhiều. Bởi lẽ, việc này vô hình trung tạo nên mảnh đất màu mỡ cho việc cài cắm lợi ích của bộ, ngành. Đây cũng có thể coi là một dạng “tham nhũng chính sách”. Nếu không được giám sát chặt tình trạng này rất sẽ dẫn đến những quy định méo mó. Chính sự thiếu liêm chính trong việc ban hành những văn bản hướng dẫn này sẽ tạo ra những văn bản "khuyết tật”, tạo ra hành lang pháp lý để mang lại lợi ích cho một nhóm người chứ không phải là mang lại lợi ích chung cho người dân, doanh nghiệp và phát triển chung của đất nước.

Để có được hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất và hoàn chỉnh, ngoài việc nâng cao chất lượng xây dựng văn bản hướng dẫn, cần có sự giám sát chặt chẽ văn bản quy phạm pháp luật của. Do đó, việc lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng nhằm tiến tới khắc phục được căn bệnh “trầm kha” này.

Giám sát ở đây không phải là việc “bới lông tìm vết”. Mục đích của giám sát văn bản quy phạm pháp luật gắn với việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật và tăng cường hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật. Qua giám sát phát hiện những nội dung trái với Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên hoặc không còn phù hợp để kịp thời đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ văn bản. Đồng thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân đã ban hành văn bản trái pháp luật. Ngoài ra, việc phát hiện việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết các nội dung được giao trong luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được ban hành để kịp thời đôn đốc, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền được giao ban hành văn bản quy định chi tiết thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm của mình theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.

Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có, để không còn xảy ra tình trạng quy định luật bị “treo”, bảo đảm chất lượng của văn bản hướng dẫn, trong quá trình giám sát, với vai trò là cơ quan giám sát, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội thẳng thắn chỉ rõ được địa chỉ chịu trách nhiệm, các biện pháp khắc phục khi xảy ra sai sót, vi phạm. Đặc biệt, nêu rõ thời hạn khắc phục, kiến nghị việc xử lý trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, nhất là người đứng đầu và người trực tiếp liên quan đến vi phạm của văn bản quy phạm pháp luật. Chỉ khi địa chỉ trách nhiệm được chỉ rõ đối với từng tập thể, cá nhân, trên cơ sở đó có biện pháp xử lý thì tình trạng luật chờ thông tư, thông tư chờ nghị định, hay ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết vượt quy định của luật mới không tái diễn.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/siet-ky-luat-ban-hanh-van-ban-huong-dan-i313011/