'Siết' lại quy định về cấp giấy phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Chiều 22-10, tiếp tục chương trình làm việc, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), việc cấp giấy phép đối với hoạt động này là nội dung nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu.

Nhấn mạnh việc cấp giấy phép là một điều kiện bắt buộc, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu thực tế, thời gian qua, không ít doanh nghiệp hoạt động “chui”, tuyển lao động bất hợp pháp, có doanh nghiệp đã bị rút giấy phép mà vẫn tuyển được lao động; chưa kể tình trạng “cò” lao động, lừa đảo..., dẫn đến tuyển tràn lan, nhiều người dân muốn được tuyển không ngại bỏ ra chi phí rất cao, sau khi được tuyển rồi thì lại “ra đi không hẹn ngày trở lại”, dẫn đến lao động bỏ trốn, bị các nước sở tại gây khó khăn cho công việc tuyển chọn lao động hợp pháp...

“Tôi đề nghị nên rạch ròi việc doanh nghiệp tuyển lao động có trách nhiệm với nhà nước về lao động mình được tuyển và đó cũng là điều kiện để cấp phép. Có như thế mới hạn chế người lao động bất hợp pháp”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Rơ Châm Long (Kon Tum) cho rằng, những người đi lao động ở nước ngoài chủ yếu là người ở vùng nông thôn, có đời sống khó khăn, thu nhập thấp, thiếu việc làm, họ đi làm việc ở nước ngoài để thay đổi cuộc sống; tuy nhiên, khi ra nước ngoài, có người lại thay đổi hợp đồng của mình. Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đồng thời, nên quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể nhằm nâng cao vai trò giám sát cũng như làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật đối với việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, cần quy định rõ quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cùng với đó là xúc tiến mô hình liên kết giữa các doanh nghiệp, địa phương để có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn.

 Toàn cảnh phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Ảnh: VPQH.

Toàn cảnh phiên thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Ảnh: VPQH.

Đáng chú ý, điều kiện cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong dự luật có quy định một trong những điều kiện là doanh nghiệp phải có vốn chủ sở hữu từ 5 tỷ đồng trở lên.

Theo giải trình của Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh, với mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho người lao động, các điều kiện bảo đảm hoạt động và năng lực tài chính của doanh nghiệp rất quan trọng nhằm dự phòng các tình huống phát sinh, rủi ro và mức vốn 5 tỷ đồng như hiện hành là mức tối thiểu có thể bảo đảm yêu cầu về quản lý, giải quyết các vấn đề phát sinh đối với lao động làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) lại cho rằng, “đây là một thách thức trong quản lý”, sẽ làm phát sinh nhiều thủ tục phiền phức cho doanh nghiệp. Theo đại biểu, quy định cấp giấy phép dựa trên một yếu tố biến động thường xuyên là vốn chủ sở hữu – là vốn còn lại trong các chu kỳ kinh doanh, sẽ tăng khi doanh nghiệp có lãi và giảm nếu doanh nghiệp lỗ - cần phải được xem xét kỹ. “Nếu thật sự cần ràng buộc trách nhiệm của các doanh nghiệp thì không nhất thiết phải sử dụng công cụ phức tạp như vậy; có thể quy định đặt cọc 3 – 5 tỷ đồng thì việc ràng buộc trách nhiệm sẽ hiệu quả và rõ ràng hơn. Trong khi đó, hiện nay, dự thảo luật đã quy định doanh nghiệp có thể đặt cọc để được cấp giấy phép nhưng chưa quy định mức cụ thể”, đại biểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, tại phiên họp, chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Điều 4 và Điều 65) cũng là nội dung được các đại biểu quan tâm, thảo luận. Một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cần có chính sách đối với lao động là người dân tộc thiểu số; có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với người thu nhập thấp hoặc khó khăn về chi phí khi đi lao động ở nước ngoài.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đề nghị Chính phủ có quy định chi tiết về bảo đảm bình đẳng giới; đồng thời, có các biện pháp hỗ trợ lao động nữ lao động những công việc nhạy cảm, có khả năng bị xâm hại. Theo đại biểu, việc hỗ trợ tạo việc làm, khởi nghiệp sau khi hết hợp đồng lao động về nước là cần thiết, vì đây là lực lượng đã được đào tạo, có tay nghề.

“Thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện rất tốt, tuy nhiên có địa phương có sự quan tâm rất hạn chế, dẫn đến có bộ phận không nhỏ lao động khi về nước không có công ăn việc làm, “ăn không ngồi rồi”. Do đó, nhà nước có kế hoạch tạo việc làm cho lao động hết hạn về nước là cần thiết”, đại biểu nêu quan điểm.

Ở góc độ khác, đồng tình với quy định về hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp song đại biểu Vương Văn Sáng (Lào Cai) bày tỏ quan điểm, chỉ nên hỗ trợ khi lao động đi và ở nước ngoài. Còn với những lao động sau khi về nước, trừ những trường hợp phá hợp đồng lao động do tình huống bất khả kháng thì không thực hiện việc hỗ trợ, bởi lẽ mục đích đi lao động ở nước ngoài là để cải thiện thu nhập. Do đó, đại biểu đề nghị bỏ nội dung hỗ trợ người lao động của địa phương sau khi về nước. Đồng thời, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hồ sơ hỗ trợ, tạo việc làm và khởi nghiệp hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để các địa phương có cơ sở cụ thể hóa các chính sách, bảo đảm tính khả thi cũng như chống lãng phí ngân sách.

PHƯƠNG HẰNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc-su-kien/siet-lai-quy-dinh-ve-cap-giay-phep-dua-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-641800