Siết nhập cư vì khủng hoảng nhà ở
Canada có kế hoạch giảm lượng cư dân tạm trú và lần đầu tiên đặt ra giới hạn nhập cư tạm thời
Trong những năm gần đây, Canada đã chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của sinh viên quốc tế, lao động nước ngoài và cư dân tạm trú đến Canada bằng thị thực có thời hạn. Đây cũng là khoảng thời gian chính phủ Thủ tướng Justin Trudeau dựa vào người nhập cư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động.
Tuy nhiên, chính sách nhập cư này đang bị chỉ trích là làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhà ở. Ngoài ra, theo hãng tin Reuters, một số dịch vụ như giáo dục và y tế không theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số.
Bộ trưởng Di trú Canada Marc Miller hôm 21-3 cho biết chính phủ muốn giảm tỉ lệ tạm trú nhân xuống mức 5% tổng dân số trong 3 năm tới, so với mức 6,5% năm 2023. Con số giảm tương đương 20% trong số 2,5 triệu tạm trú nhân trong năm ngoái.
Ông Miller sẽ triệu tập cuộc họp với các quan chức cấp tỉnh và vùng lãnh thổ vào tháng 5 để hoàn thiện kế hoạch này. Bộ trưởng Di trú Canada cũng nhấn mạnh cần bảo đảm số lượng tạm trú nhân vào nước này ở mức bền vững và kế hoạch sẽ được thực thi vào mùa thu tới.
Hồi tháng 1, Canada công bố biện pháp hạn chế tiếp nhận sinh viên quốc tế trong hai năm và cho biết sẽ ngừng cấp giấy phép làm việc cho một số sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Tại Úc, tình trạng dân nhập cư cao cũng khiến giá nhà tăng vọt. Do nhu cầu nhà ở tăng mạnh, Brisbane - thủ phủ bang Queensland - hồi tháng trước đã vượt qua Melbourne trở thành thành phố đắt đỏ thứ 3 của Úc, chỉ sau Canberra và Sydney.
Để đối phó, chính phủ Úc tuyên bố áp dụng biện pháp hạn chế người nhập cư, trong đó có siết chặt quy định cấp thị thực cho du học sinh nước ngoài từ ngày 23-3.
Trong khi đó, chính quyền bang Queensland hôm 21-3 tuyên bố cấm tất cả hình thức đấu thầu tiền thuê nhà với lập luận người thuê thường đẩy giá lên cao nhằm bảo đảm chỗ ở, dẫn đến cạnh tranh dữ dội.
Tương tự, theo nghiên cứu vừa công bố của Công ty JPMorgan (Mỹ), trong các năm 2023 và 2024, Mỹ mỗi năm dự kiến đón thêm 3,3 triệu người nhập cư, cao gấp 3 lần mức trung bình của thập kỷ qua.
Theo trang Business Insider, xu hướng này gây ra thách thức lớn đối với những người muốn mua nhà, đặc biệt là trong bối cảnh lãi suất thế chấp tăng cao khiến chủ sở hữu khó bán nhà.
Lãi suất tăng mạnh khiến các nhà phát triển bất động sản gặp khó khăn, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt nhà ở vốn đã tồi tệ trong nhiều năm. Điều này đồng nghĩa giá nhà vẫn ở mức đắt đỏ mặc dù lãi suất thế chấp cao khiến doanh số bán nhà giảm mạnh.
"Tôi gần như không thể tưởng tượng được viễn cảnh giá nhà giảm" - Giám đốc điều hành Glenn Kelman của Công ty Redfin (Mỹ) khẳng định với báo The New York Times hôm 21-3.
Vì người nhập cư mới đến thường thuê nhà nên nhu cầu về nhà cho thuê dự kiến cũng tăng cao, đặc biệt với những ngôi nhà chứa được nhiều thế hệ và có nhiều phòng ngủ.
Tại Anh, Thủ tướng Rishi Sunak đối mặt sức ép gia tăng về việc thắt chặt biên giới khi số liệu mới cho thấy quốc gia này phải xây thêm 156.000 nhà ở mỗi năm để đáp ứng nhu cầu của người nhập cư.
Báo The Times dẫn số liệu của Văn phòng Thống kê Quốc gia (ONS) cho biết "di cư ròng" sẽ bổ sung 6,1 triệu người vào dân số Anh đến năm 2036. Theo Trung tâm Nghiên cứu chính sách (Anh), điều này đồng nghĩa phải xây thêm 5,7 triệu căn nhà trong giai đoạn 2021-2036, với khoảng 41% số này (tương đương 2,3 triệu căn) là để phục vụ người nhập cư.
"Điều này sẽ chỉ làm sâu sắc thêm cuộc khủng hoảng nhà ở" - cựu Bộ trưởng Nhập cư Anh Robert Jenrick cảnh báo.
Thị trường bất động sản New Zealand cũng tăng nhiệt trong bối cảnh quốc gia này chào đón người nhập cư, bao gồm 36.000 người theo dạng thị thực lao động vào 2 tháng đầu năm nay. Dữ liệu mới nhất của Công ty CoreLogic (Mỹ) cho biết giá nhà bình quân tại xứ sở kiwi tăng lên mức 930.495 USD/căn vào tháng 2, tăng 2,8% so với tháng 9-2023.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/siet-nhap-cu-vi-khung-hoang-nha-o-196240322221136178.htm