'Siết' quản lý để bảo vệ môi trường không khí

Một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đang được Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 9 là việc Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đã đề xuất nhiều quy định 'siết' chặt quản lý đối với các nguồn thải khí bụi tác động xấu đến môi trường.

Đi cùng với sự phát triển về kinh tế, vấn đề ô nhiễm không khí cũng đã trở thành vấn đề nóng. Những số liệu công bố vượt chuẩn về mức độ ô nhiễm không khí, nhất là tại các thành phố lớn thời gian qua đã thực sự làm người dân cảm thấy lo lắng.

Thực tế, do khó xác định bằng cảm quan nên những nguy cơ về ô nhiễm không khí lâu nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức như nguy cơ về ô nhiễm nguồn nước, đất đai. Tuy nhiên, với hàng loạt cảnh báo về chất lượng ngày càng xấu hơn của môi trường không khí, việc siết chặt những quy định đối với các nguồn thải khí bụi nhằm kiểm soát, ngăn chặn các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí là yêu cầu cấp bách.

Theo đề xuất của Bộ TN-MT trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát tán bụi, khí thải phải kiểm soát và xử lý bụi, khí thải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Phương tiện giao thông, máy móc, thiết bị, công trình xây dựng phát tán bụi, khí thải phải có bộ phận lọc, giảm thiểu khí thải, thiết bị che chắn hoặc biện pháp khác để giảm thiểu bụi.

Đặc biệt, nguồn phát thải khí phải được xác định về lưu lượng, tính chất và đặc điểm của khí thải. Việc xem xét, quyết định đầu tư dự án và hoạt động có phát thải khí phải căn cứ vào sức chịu tải của môi trường không khí, bảo đảm không có tác động xấu đến con người và môi trường. “Trường hợp bụi, khí thải có yếu tố nguy hại vượt ngưỡng quy định phải được quản lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại”.

Cũng theo nội dung dự thảo, kế hoạch quản lý chất lượng không khí là cơ sở để UBND cấp tỉnh đánh giá công tác quản lý, chất lượng môi trường không khí và công khai thông tin trên địa bàn; trường hợp môi trường không khí bị ô nhiễm thì phải cảnh báo, xử lý kịp thời.

Nội dung của kế hoạch quản lý chất lượng không khí tập trung đánh giá chất lượng không khí; xác định quan điểm, mục tiêu quản lý chất lượng không khí; đánh giá hiện trạng quản lý chất lượng không khí bao gồm quan trắc chất lượng không khí, xác định và đánh giá các nguồn phát thải khí thải chính, kiểm kê phát thải, mô hình hóa chất lượng không khí, tổ chức nhân sự, nguồn lực, thanh tra, kiểm tra.

Ngoài ra, kế hoạch quản lý chất lượng không khí cũng sẽ góp phần đánh giá ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến sức khỏe cộng đồng; phân tích, nhận định các vấn đề còn tồn tại; xem xét, đánh giá, phân tích chi phí lợi ích của các giải pháp quản lý chất lượng không khí, từ đó xác định giải pháp ưu tiên thực hiện.

Đặc biệt, trong nội dung dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi, Bộ TN-MT cũng đề xuất quy định rất chặt chẽ về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân gây ảnh hưởng đến môi trường không khí. Theo đó, trong trường hợp tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm, suy thoái chất lượng môi trường không khí phải có trách nhiệm xử lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường.

Lê Văn

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202006/siet-quan-ly-de-bao-ve-moi-truong-khong-khi-3008862/