Siết quản lý trường tư thục và có yếu tố nước ngoài

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội vừa ban hành quyết định thành lập Phòng Giáo dục tư thục và có yếu tố nước ngoài trực thuộc Sở. Điều này xuất phát từ đòi hỏi thực tế khi mạng lưới các trường này trên địa bàn thành phố phát triển nhanh, nhu cầu học tập của học sinh cũng ngày càng đa dạng.

Học sinh Hệ thống giáo dục Lômônôxốp (Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Học sinh Hệ thống giáo dục Lômônôxốp (Hà Nội). Ảnh: NTCC.

Siết quản lý nhằm nâng chất lượng

Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội triển khai thực hiện Nghị quyết số 35 ngày 4/6/2019 của Chính phủ, thành phố sẽ đẩy mạnh huy động các nguồn lực của xã hội, thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở giáo dục tư thục với mục tiêu đạt tỷ lệ 21% số cơ sở và từ 14 - 16% số học sinh vào năm 2025.

Trước đó, ngày 23/9, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục. Mục tiêu là số trường ngoài công lập chiếm 21% tổng số trường học và 14 - 16% số học sinh vào năm 2025. Với việc thành lập Phòng Giáo dục tư thục và có yếu tố nước ngoài trực thuộc Sở là một trong những bước đi đầu tiên của Hà Nội để đảm bảo thực hiện mục tiêu nâng số lượng trường ngoài công lập cũng như đảm bảo chất lượng giáo dục. Đây cũng là một trong số ít các địa phương đến thời điểm này có phòng quản lý các trường tư thục và trường có yếu tố nước ngoài.

Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia giáo dục, đây vẫn là một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh hiện nay. Thành phố khuyến khích học sinh theo học trường ngoài công lập về mặt chính sách là hoàn toàn hợp lý khi sự gia tăng số lượng học sinh mỗi năm đặt áp lực lớn lên hệ thống trường công lập, trong khi nhu cầu về chất lượng giáo dục ngày càng cao. Việc phân bổ một tỷ lệ lớn học sinh vào trường tư thục sẽ góp phần giảm tải cho các trường công và tạo ra nhiều lựa chọn đa dạng hơn cho phụ huynh và học sinh. Nhưng sẽ có bao nhiêu phần trăm học sinh theo học cơ sở giáo dục ngoài công lập lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như khả năng huy động xã hội, quy mô của trường công lập, tỷ lệ phân luồng vào trường nghề, vào trung tâm giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp… Đặc biệt, khả năng chi trả học phí của người học vào trường tư cũng phải xem xét, khi trường ngoài công lập có học phí cao hơn công lập rất nhiều.

Giải pháp đồng bộ

Theo ThS Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THPT M.V.Lômônôxốp (Hà Nội), những năm gần đây trường tuyển khoảng 400 học sinh mỗi khóa. Trong đó, có khoảng 100 học sinh cũ từ lớp 9 của trường lên, số học sinh còn lại nằm rải rác trong toàn thành phố. Có khoảng 200 học sinh đã xét tuyển vào trường từ cuối tháng 5 còn lại 100 em sử dụng điểm thi của Sở GDĐT Hà Nội để xét tuyển vào trường. Đáng chú ý, nhiều học sinh đỗ nguyện vọng 1 của trường công lập cũng đăng ký học tại trường thay vì nhất thiết phải học trường công.

Nhiều phụ huynh ngày nay đặt niềm tin và lựa chọn các trường tư thục, các trường có yếu tố nước ngoài không phải là chuyện hiếm. Tuy nhiên, trong một số trường hợp phụ huynh và học sinh lại gặp phải nỗi bức xúc “không biết tỏ cùng ai”. Như câu chuyện của 174 học sinh trong danh sách trúng tuyển vào lớp 10 năm nay của Trường THPT Tô Hiến Thành (quận Hà Đông, Hà Nội). Lý do là vì trường này đã tuyển sinh “chui” chỉ tiêu vào lớp 10 năm học 2024-2025 dù không được Sở GDĐT Hà Nội giao chỉ tiêu. Hiện sự việc đang được các cơ quan chức năng, đơn vị phối hợp giải quyết trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho học sinh vì các em và phụ huynh không có lỗi.

Trước đó, đầu năm 2024, đã xảy ra sự việc tại Trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) – TPHCM khi gần 1.400 học sinh phải nghỉ học do không có giáo viên. Nguyên nhân giáo viên không đến trường vì bị nợ lương, nợ bảo hiểm. Ngay sau đó, Bộ GDĐT có công văn gửi các Sở GDĐT về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về thực hiện chương trình tích hợp, liên kết với nước ngoài trong cơ sở giáo dục.

Qua những sự việc trên, các chuyên gia đề xuất cần tăng cường thanh kiểm tra, rà soát toàn bộ các cơ sở giáo dục tư thục, có yếu tố nước ngoài… bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật. Việc xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp vi phạm (nếu có). Ngoài ra, phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, học viên, lưu ý cha mẹ học sinh, học viên tìm hiểu kỹ lưỡng về những lợi ích khi tham gia góp vốn đầu tư, cũng như các hình thức đóng học phí và những rủi ro có thể xảy ra khi tham gia các cơ chế, hình thức đó.

Thu Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/siet-quan-ly-truong-tu-thuc-va-co-yeu-to-nuoc-ngoai-10293475.html