Vụ trường ở Hà Nội tuyển sinh 'chui' hàng trăm chỉ tiêu: Luật sư phân tích dưới góc nhìn pháp lý

Liên quan đến sự việc trường THPT ở Hà Nội tuyển sinh 'chui' hàng trăm chỉ tiêu, Luật sư Nguyễn Thủy đã có những phân tích cụ thể dưới góc nhìn pháp lý.

Thời gian qua, một trường THPT ở Hà Nội tuyển sinh chui đã khiến dư luận xôn xao và lo ngại. Cụ thể, Trường THPT Tô Hiến Thành đã tuyển sinh chỉ tiêu 174 em trong năm học 2024-2025 nhưng không có tên trên hệ thống của Sở GD&ĐT Hà Nội dù năm học đã bắt đầu 3 tháng.

Lý do là Trường THPT Tô Hiến Thành không được giao chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2024-2025 do "chưa đủ điều kiện pháp lý về địa điểm hoạt động". Điều này khiến 174 em chưa có mã học sinh trên hệ thống của Sở GD&ĐT.

Nói về vấn đề trường học tuyển sinh chui, Luật sư Nguyễn Thủy - Công ty Luật hợp danh FDVN đã có những chia sẻ, phân tích sự việc dưới góc nhìn pháp lý như sau:

Liên quan đến việc các trường THPT tuyển sinh “chui” các em học sinh lớp 10 cho thấy nhu cầu học của các em học sinh ở cấp phổ thông rất lớn, nhưng các trường học đảm bảo điều kiện về đào tạo lại đang thiếu hụt khiến cho nhu cầu được phổ cập phổ thông của nhiều học sinh hiện nay trở nên bấp bênh. Về mặt pháp lý, việc “chưa đủ điều kiện pháp lý về địa điểm hoạt động” nhưng vẫn tuyển sinh, phụ huynh và học sinh rõ ràng không có điều kiện thẩm định đối với các trường do đó rất khó để biết được nơi mình đăng ký học không đủ điều kiện.

Học sinh Trường THPT Tô Hiến Thành (quận Hà Đông). Ảnh: Hà Nội mới

Học sinh Trường THPT Tô Hiến Thành (quận Hà Đông). Ảnh: Hà Nội mới

Hiện nay, theo quy định tại khoản 5, Điều 6 Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, việc tổ chức hoạt động giáo dục khi chưa được phép hoạt động, chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cơ sở giáo dục phổ thông. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục hoặc hủy bỏ quyết định trúng tuyển, trả lại kinh phí đã thu cho người học nếu không chuyển được.

Như vậy, đối với trường hợp thuận lợi thì có giải pháp là có thể chuyển các em tới trường khác có đủ điều kiện để tiếp tục chương trình giảng dạy đối với các em. Tuy nhiên, như đã nói hiện nay khối các trường THPT nhu cầu học rất nhiều, nhiều trường đã tuyển đủ thậm chí vượt chỉ tiêu, vậy khả năng không có trường đủ điều kiện để tiếp nhận thêm học sinh là hoàn toàn có thể xảy ra. Hoặc nếu chuyển đến các trường khác nhưng mức học phí cao rất nhiều lần, phụ huynh học sinh không kham nổi, hoặc địa điểm trường quá xa nơi học sinh đang sinh sống sẽ là vấn đề rất nan giải. Những hệ lụy đó rất đáng lo ngại vì không rõ số phận của các em học sinh này sẽ đi đến đâu, ngoài ra những thiệt hại về công sức, thời gian, tiền bạc của các phụ huynh cho các vấn đề sai phạm nêu trên là rất lớn, cơ chế để xử lý các thiệt hại đó như thế nào rõ ràng chưa được pháp luật làm rõ về mặt chế tài.

Luật sư Nguyễn Thủy - Công ty Luật hợp danh FDVN

Luật sư Nguyễn Thủy - Công ty Luật hợp danh FDVN

Sẽ có những khả năng là việc các trường tổ chức hoạt động giáo dục “chui” rồi chỉ bị phạt tiền với mức khá thấp, xong nhà nước phải can thiệp chuyển các em đến những nơi đủ điều kiện, phụ huynh phải chạy theo các yêu cầu về học phí, điều kiện địa lý trường học một cách bị động.

Với các quy định của pháp luật hiện hành cũng như tình hình thực tiễn, trước mắt để đảm bảo tối đa quyền lợi cho các em học sinh, cần sự khẩn trương phối hợp giữa Sở GD&ĐT TP Hà Nội cũng như các đơn vị liên quan để tìm phương án giải quyết tốt nhất, phù hợp nhất, đảm bảo các em có nơi học tập hợp pháp.

Liên quan đến việc công khai thông tin các trường đủ điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục, hàng năm Sở GD&ĐT các địa phương cần có thông tin công bố các trường nào tại địa phương đủ điều kiện đào tạo, đủ điều kiện tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh bao nhiêu, nếu các trường không nằm trong danh sách công bố thì được xem là không có đủ điều kiện đào tạo để phụ huynh học sinh có thể nắm được thông tin, tránh đăng ký vào các trường không đủ điều kiện.

Ngoài ra, quy định pháp luật cần xem xét trách nhiệm của các trường tuyển sinh “chui” trong việc xử lý hậu quả, theo đó nếu học sinh phải chuyển sang trường khác thì các chi phí phát sinh tăng thêm, các thiệt hại đối với phụ huynh học sinh họ phải chịu trách nhiệm, nếu làm được như thế sẽ đảm bảo tốt hơn cho quyền lợi của phụ huynh học sinh.

Minh Khuê

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/vu-truong-o-ha-noi-tuyen-sinh-chui-hang-tram-chi-tieu-luat-su-phan-tich-duoi-goc-nhin-phap-ly-6888.html