Siết trái phiếu doanh nghiệp: Sức khỏe doanh nghiệp bất động sản vẫn tương đối an toàn
Động thái siết chặt thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) của cơ quan quản lý đang là mối quan tâm của dự luận, đặc biệt là khối doanh nghiệp bất động sản.
Huy động vốn qua kênh cổ phiếu sẽ tăng mạnh, trái phiếu sẽ giảm lượng nhưng tăng chất
Theo FiinRatings, các sự kiện đang diễn ra trên thị trường trái phiếu có thể sẽ làm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm đáng kể về quy mô phát hành vào năm 2022. FiinRatings nhận định kênh trái phiếu doanh nghiệp trong nửa cuối 2022 và năm 2023 sẽ có 3 sự thay đổi chính.
Thứ nhất, các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, không phải là các công ty được lập ra để huy động vốn, nhất là các công ty niêm yết vốn có sự minh bạch tốt hơn vẫn sẽ đẩy mạnh các hoạt động phát hành trái phiếu.
Thứ hai, huy động vốn qua thị trường cổ phiếu thông qua việc phát hành thu hút vốn cổ phần mới có khả năng sôi động hơn mặc dù thị trường chứng khoán vẫn trong giai đoạn chưa rõ xu hướng và có phần kém sôi động.
Kênh trái phiếu được kỳ vọng vẫn là kênh huy động vốn hiệu quả trong bối cảnh lãi suất mặc dù có dấu hiệu tạo đáy nhưng vẫn ở mức rất thấp trong nhiều năm qua.
Mặt khác, thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi kênh tín dụng bất động sản từ ngân hàng bị hạn chế tăng trưởng, kể cả trước khi Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước đi vào hiệu lực nhằm hạn chế tín dụng bất động sản thông qua hình thức mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, hoạt động này chỉ phù hợp với các tổ chức phát hành là công ty đại chúng có sự minh bạch về thông tin theo các quy định hiện hành áp dụng cho công ty đại chúng và bài toán pha loãng sở hữu của cổ đông không phải là vấn đề lớn của các chủ doanh nghiệp.
Thứ ba, sự thay đổi về chất của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Thể hiện ở việc phát hành đại chúng sẽ tăng trưởng mạnh về quy mô, nhất là từ các doanh nghiệp có hồ sơ kinh doanh tốt và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng của họ trên thị trường.
Ngoài ra, phát hành riêng lẻ vẫn sẽ được thực hiện mặc dù có thể kém sôi động hơn các năm qua và hướng đến cơ sở nhà đầu tư rộng rãi hơn, bao gồm nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp, các định chế tài chính như bảo hiểm, quỹ trái phiếu, quỹ hưu trí... thay vì tập trung phần lớn vào ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán như thời gian vừa qua.
Tín dụng ngân hàng ít bị ảnh hưởng
Cùng với các công ty chứng khoán, các ngân hàng thương mại là bên mua TPDN lớn nhất trên thị trường sơ cấp. Tuy nhiên, lượng mua TPDN của khối ngân hàng đang giảm dần sau Thông tư 16 của NHNN.
Thông tư 16 của Ngân hàng Nhà nước không chỉ giúp kiểm soát chất lượng nợ xấu nhất là với các ngân hàng có chất lượng tài sản yếu, kiểm soát quy mô tín dụng bất động sản, mà quan trọng hơn là kiểm soát các hoạt động luân chuyển tín dụng giữa hai kênh trái phiếu và tín dụng cho vay của ngân hàng thông qua các nghiệp vụ tái tài trợ, tái cấu trúc vốn hoặc hay có thể là “đảo nợ” giữa hai kênh này.
Chính vì vậy, FiinRatings cho rằng, các sự kiện hiện nay có khả năng sẽ không có tác động quá lớn đến vấn đề chất lượng tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại.
Dù vậy, FiinRatings cũng lưu ý, yếu tố này sẽ là một rủi ro thấp nếu như những vấn đề liên quan đến các tổ chức phát hành hiện đang được xử lý hiện nay được khư trú và tổ chức phát hành cũng như các bên liên quan như đơn vị bảo lãnh nghĩa vụ trả nợ nỗ lực thực hiện các cam kết về nghĩa vụ trả nợ với một lộ trình rõ ràng nhằm đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Điều này trở nên quan trọng bởi tính đại chúng của kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp đã không chỉ lớn về quy mô mà còn có sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và cá nhân nhỏ lẻ thông qua hoạt động phân phối lại trái phiếu được phát hành dưới hình thức phát hành riêng lẻ từ các tổ chức liên quan như tư vấn và phân phối trên thị trường trong thời gian qua.
Nhìn chung, ở góc độ chất lượng tín dụng ngân hàng, FiinRatings kỳ vọng quy mô này có thể được duy trì hoặc tiếp tục tăng nhưng có sự chọn lọc ở những ngân hàng có hạn mức tăng trưởng tín dụng cao, được hỗ trợ bởi chất lượng tài sản tốt hơn (nợ xấu dưới 3 theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước) và có mức độ tín dụng phân bổ cho ngành bất động sản vẫn ở mức thấp theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước nói chung và những yêu cầu cụ thể của Thông tư 16 đã đi vào hiệu lực gần đây từ 15/1/2022.
Sức khỏe doanh nghiệp bất động sản vẫn tương đối an toàn
FiinRatings cho rằng,sức khỏe tài chính các công ty bất động sản tổng thể vẫn ở mức tương đối an toàn ngoại trừ các công ty dự án được lập ra nhằm mục đích huy động vốn trái phiếu hoặc vay vốn tín dụng ngân hàng, ngành bất động sản nói chung và phân khúc bất động sản dân cư nói riêng vẫn cơ bản có mức độ đòn bẩy tài chính ở mức thấp tương đối so với giai đoạn năm trước.
Điều này thể hiện qua một số chỉ tiêu chủ chốt khi đánh giá năng lực tín dụng bao gồm: Hệ số Nợ vay/Vốn chủ sở hữu của các đơn vị bất động sản dân cư niêm yết hiện đang ở mức 0,7 lần; Hệ số đánh giá năng lực trả lãi EBITDA/Chi phí lãi vay ở mức 1,8 lần; và hệ số bao phủ nợ ngắn hạn ở mức 3,8 lần vào cuối 2021.
Điểm đáng lưu ý là tình hình sức khỏe tài chính được ghi nhận trong bối cảnh tổng số lượng căn hộ bán được tại thị trường khu vực Hà Nội và TP.HCM đã giảm chỉ còn chỉ còn chưa đến một nửa từ mức 29 nghìn căn/năm trong hai năm diễn ra Covid-19, so với mức 66 nghìn căn/năm trong giai đoạn năm trước đó từ 2015-2019.
Số dư nợ vay bằng ngoại tệ bao gồm trái phiếu của riêng các doanh nghiệp bất động sản niêm yết Việt Nam hiện ở mức khoảng 4 tỷ USD. Đây là một con số không lớn xét trên quy mô tín dụng của ngành bất động sản cũng như rủi ro an toàn tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, những tác động từ rủi ro tín dụng bất động sản có thể làm cho mức điểm xếp hạng quốc gia của Việt Nam trên thị trường vốn quốc tế và của tất cả các ngành còn lại sẽ có thể bị ảnh hưởng.
Vấn đề quan trọng theo FiinRatings là áp lực trả nợ trái phiếu đến hạn trong 2-3 năm tới đây. Bởi lẽ, quy mô dư nợ của ngành bất động sản khoảng 189 nghìn tỷ đồng vào cuối năm 2021 và 73% giá trị này sẽ có điểm rơi đáo hạn vào 3 năm tới đây (2022 – 2024).
"Điều này không chỉ tạo áp lực trả nợ lớn hơn của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh dần hồi phục sau Covid-19 và trước những thay đổi pháp lý và những sự kiện gần đây mà theo chúng tôi còn tác động đến rủi ro thanh khoản của các đại lý phân phối có cam kết mua lại trái phiếu, chính là các định chế tài chính như công ty chứng khoán và ngân hàng", FiinRatings nhìn nhận.
Ngoài ra, theo FiinRatings áp lực trả nợ này có thể tác động đến rủi ro của thị trường cổ phiếu do cổ phiếu được cầm cố để làm đảm bảo cho trái phiếu hoặc được cầm cố để lấy nguồn mua trái phiếu chất lượng thấp hoặc có vấn đề như các cơ quan quản lý đã chỉ ra.
Để tránh các rủi ro không đánh có, FiinRatings cho rằng, cơ quan quản lý phải giải quyết ổn thỏa quyền lợi của các nhà đầu tư trong các lô trái phiếu đang trong quá trình xử lý và có thể là ở cả một số tổ chức phát hành khác theo kết luận của cơ quan quản lý nhà nước được đảm bảo thu hồi một phần hoặc toàn bộ gốc và lãi hoặc có lộ trình rõ ràng được thông tin minh bạch đến trái chủ hiện đang sở hữu.
Với mô hình đã được chuẩn hóa, FiinRatings cho rằng, hiện có khoảng 35% các doanh nghiệp bất động sản niêm yết có mức điểm sơ bộ nằm trong khu vực “đầu tư” tức có năng lực Tương đối tốt để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính. Dù vậy, FiinRatings cho biết thêm, vẫn có 70% số doanh nghiệp bất động sản niêm yết có mức điểm sơ bộ ở mức “có tính đầu cơ” tức là từ BB+ trở xuống và tức là có khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính ở mức Vừa phải hoặc Yếu theo thang điểm xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings.