Siết 'vòng kim cô' với nghệ sĩ lệch chuẩn
Mới đây, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã bị phản ứng kịch liệt khi mời một nữ ca sĩ về hát trong ngày hội chào mừng tân sinh viên. Không ít sinh viên bày tỏ sẽ không đến tham gia ngày hội vì họ không thích thưởng thức các tiết mục của một ca sĩ gắn với nhiều thị phi.
Đáng tiếc là những phản ứng mạnh như vậy của khán giả Việt chưa nhiều, còn nữ ca sĩ kia vẫn tiếp tục xuất hiện trước công chúng ở tình huống khác. Tương tự, nhiều cái tên trong showbiz Việt có lối sống, hành xử thiếu chuẩn mực cũng vẫn tiếp tục xuất hiện trước công chúng sau scandal như chưa có gì xảy ra. Điều này vô hình trung đã làm ô nhiễm “bầu không khí” nghệ thuật của nước ta.
Để làm sạch bầu không khí ấy, cách đây không lâu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, những quy tắc này chỉ mang tính hướng dẫn mà không bắt buộc phải tuân theo. Để mạnh tay hơn với những nghệ sĩ dính bê bối, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng quy trình xử lý để người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm pháp luật sẽ bị cấm sóng, cấm biểu diễn, cấm mạng, khóa kênh...
Cách làm mạnh tay với nghệ sĩ như vậy đã được áp dụng khá hiệu quả ở một số quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc... Vì thế, thông tin này được dư luận trong nước hết sức ủng hộ. Từ nay sẽ không còn chỗ dành cho hành động sai trái của các nghệ sĩ. Nếu muốn theo đuổi sự nghiệp biểu diễn, nghệ sĩ buộc phải tuân thủ pháp luật và sống, ứng xử có đạo đức. Chỉ cần một hành vi vi phạm, con đường nghệ thuật của họ coi như kết thúc. Với nghệ sĩ, sự tẩy chay của công chúng, khán giả mới là "đòn trừng phạt" mang tính răn đe nghiêm khắc nhất, là “chiếc vòng kim cô” thít lại nếu họ thiếu chuẩn mực. Điều này buộc các nghệ sĩ phải sống có trách nhiệm hơn. Trước khi làm bất cứ việc gì, họ phải ý thức rõ hơn về đạo đức nghề nghiệp, xây dựng niềm tin với khán giả, suy nghĩ kỹ càng để tránh xa thị phi.
Làm trong sạch môi trường hoạt động nghệ thuật cũng chính là lời khẳng định rằng không có “ông hoàng”, “bà chúa” nào đó trong giới giải trí mà chỉ có nghệ thuật chân chính. Càng được hưởng lợi từ công chúng, nghệ sĩ càng phải có ý thức rõ ràng về việc mang lại giá trị tốt đẹp cho xã hội. Là người của công chúng, nghệ sĩ phải là tấm gương đạo đức, lối sống cho công chúng, có trách nhiệm truyền bá năng lượng tích cực cho cộng đồng.
Việc cấm sóng cũng là “đòn chí mạng” với những quan điểm, nhìn nhận sai lầm về giá trị sống bấy lâu nay khi những vấn đề tiêu cực của nghệ sĩ không chỉ trở thành chủ đề bàn tán râm ran của dư luận mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị sống của xã hội. Khi cái xấu vô tình được tôn vinh, người trẻ vì thế cũng trở nên lệch lạc khi nhìn nhận về thế giới và nghệ thuật. Họ có xu hướng cho rằng chỉ cần bê bối là nổi tiếng.
Vì thế, chúng ta phải kiên quyết tẩy chay, không tha thứ cho những “nghệ sĩ bẩn” hay “rác nghệ thuật” xuất hiện trên truyền thông. Dù là nghệ sĩ lớn hay nghệ sĩ nhỏ, khi có hành vi lệch chuẩn thì đều cần phải uốn nắn, điều chỉnh. Sự mạnh tay đến đâu có thể tùy thuộc vào mức độ vi phạm. Tuy nhiên, cấm sóng cần được thực hiện kịp thời, nghiêm túc và công minh. Công chúng chính là “chiếc gương soi” chuẩn mực nhất cho sự công minh ấy.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/siet-vong-kim-co-voi-nghe-si-lech-chuan-714728