Siêu bom nặng 13,6 tấn của Mỹ không thể xuyên thủng cơ sở hạt nhân ngầm của Iran?
Siêu bom phá boong ke mạnh nhất thế giới của quân đội Mỹ có thể không xuyên thủng được cơ sở hạt nhân ngầm kiên cố ở miền trung Iran, kết quả phân tích hình ảnh vệ tinh mới cho biết, theo báo Mỹ The Drive.
Thế giới - Siêu bom nặng 13,6 tấn của Mỹ không thể xuyên thủng cơ sở hạt nhân ngầm của Iran?" src="http://media1.nguoiduatin.vn/m24/upload/2-2023/images/2023-05-24/Sieu-bom-nang-136-tan-cua-My-khong-the-xuyen-thung-co-so-hat-nhan-ngam-cua-Iran-hat-nhan-1-1684915075-589-width740height416.jpg?v=1684935002" />
Ảnh vệ tinh chụp mạng lưới cơ sở hạt nhân Natanz của Iran.
Hôm 23/5, AP trích dẫn các bức ảnh vệ tinh do công ty Planet Labs mới chụp được ở mạng lưới cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Cơ sở hạt nhân Natanz nằm cách thủ đô Tehran khoảng 225km.
Theo AP, Iran dường như đang đạt được bước tiến trong việc xây dựng nhiều đường hầm dưới lòng đất ở dãy núi Zagros, phía nam cơ sở Natanz. Cơ sở dưới lòng đất có thể được Iran sử dụng để làm giàu uranium, dựa vào ngọn núi để tạo ra lớp bảo vệ tự nhiên, AP phân tích.
Tháng 9/2020, Iran tuyên bố sẽ thay thế Trung tâm lắp ráp máy ly tâm (ICAC) - một nhà máy trên mặt đất tại cơ sở Natanz, bằng một cơ sở mới nằm ở ngọn núi lân cận. ICAC đã bị hủy hoại do hỏa hoạn vào tháng 6 năm đó và Iran cáo buộc Israel đứng sau.
Kể từ đó, các nhà quan sát đã đặc biệt chú ý đến tiến độ xây dựng cơ sở ngầm trong lòng núi, lo ngại rằng, điều này có thể thúc đẩy Iran phát triển vũ khí hạt nhân.
Iran luôn khẳng định cơ sở mới chỉ nhằm thay thế ICAC. AP dẫn lời các chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, cho biết cơ sở mới của Iran được xây dựng ở độ sâu 80 - 100 mét bên trong lòng núi.
Độ sâu như vậy vượt quá khả năng xuyên phá của siêu bom GBU-57/Bnặng 13,6 tấn. Quân đội Mỹ từng cho biết, siêu bom GBU-57/B có khả năng xuyên sâu tối đa 60 mét bê tông cốt thép. Các cơ sở quan trọng dưới lòng đất thường được gia cố bằng hàng chục mét bê tông cốt thép, theo The Drive.
"Cơ sở nằm bên trong lòng núi này có thể được coi là mối lo ngại", Steven De La Fuente, nhà nghiên cứu tại Trung tâm James Martin, nói với AP. “Sẽ khó có thể phá hủy cơ sở này nếu sử dụng vũ khí thông thường, chẳng hạn như bom xuyên phá boong ke".
Dựa vào các bức ảnh vệ tinh, các chuyên gia tại Trung tâm James Martin nhận thấy có bốn lối vào được đào ở sườn núi. Hai trong số đó nằm ở phía đông, trong khi hai lối vào khác nằm ở phía tây. Các lối vào rộng khoảng 6 mét và cao 8 mét.
Kelsey Davenport, giám đốc chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Hiệp hội kiểm soát vũ khí có trụ sở tại Washington, nói trên AP rằng, việc Iran hoàn thành cơ sở hạt nhân bên trong núi có nguy cơ châm ngòi cho một vòng xoáy leo thang mới".
Theo nhận định của The Drive, quân đội Mỹ có thể phải sử dụng nhiều quả bom xuyên boong ke nếu muốn phá hủy cơ sở Iran mới xây dựng. Nhờ hệ thống định vị GPS, nhiều quả bom có thể tấn công chính xác vào cùng một địa điểm cụ thể. Mỗi quả bom xuyên phá được thả tiếp sau đó sẽ có thể xuyên sâu hơn vào mục tiêu, xuyên qua các lớp bê tông cốt thép.
Một vấn đề khác đối với Mỹ là các cơ sở ngầm của Iran luôn có lớp cửa dày ngăn cháy nổ, để nếu có một khu vực bị phá hủy thì không ảnh hưởng đến các khu vực khác trong mạng lưới cơ sở hạt nhân, theo The Drive.
Cuối cùng, The Drive cho rằng, siêu bom phá boong ke có thể xuyên sâu hơn mức 60 mét mà Mỹ công bố do các thông số kỹ thuật cụ thể luôn được quân đội Mỹ giữ kín.