Siêu chiến binh - không còn là câu chuyện viễn tưởng
Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe ngày 4-12 cho biết, Trung Quốc đang thử nghiệm tạo ra siêu chiến binh qua chỉnh sửa gene. Chuyện tưởng như chỉ có trong lĩnh vực khoa học viễn tưởng nhưng các quốc gia lớn trên thế giới đang chạy đua để trở thành nước đầu tiên tạo ra những siêu chiến binh thực sự.
Mỹ lo ngại về công nghệ chỉnh sửa gene của Trung Quốc
Trong một bài phân tích đăng trên tờ Wall Street Journal, Giám đốc Tình báo quốc gia Mỹ John Ratcliffe khẳng định, Trung Quốc là mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia Mỹ. “Thông tin tình báo rõ ràng: Bắc Kinh có ý định thống trị Mỹ và phần còn lại của hành tinh về mặt kinh tế, quân sự và công nghệ”, ông John Ratcliffe viết. Đáng chú ý, quan chức tình báo cấp cao Mỹ còn khẳng định Trung Quốc đã “tiến hành thử nghiệm trên người” đối với các thành viên của quân đội, với hy vọng tạo ra được những người lính có khả năng tăng cường về mặt sinh học.
Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc đang ngày càng coi trọng công nghệ sinh học trong chiến lược quân sự của mình. Tuy nhiên, một siêu chiến binh “có khả năng tăng cường về mặt sinh học” mới được một quan chức tình báo Mỹ lần đầu tiên nhắc tới. Năm 2019, hai học giả người Mỹ đã đề cập đến tham vọng của Trung Quốc đối với công nghệ sinh học trên chiến trường. Chuyên gia Elsa Kania tại Trung tâm An ninh Mỹ mới và ông Wilson VornDick - một cựu sĩ quan Hải quân Mỹ cho rằng, có dấu hiệu những nhà nghiên cứu Trung Quốc đang sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR.
“Các nhà khoa học và chiến lược gia quân đội Trung Quốc từng nhấn mạnh rằng công nghệ sinh học có thể trở thành tầm cao chiến lược mới của cách mạng quân sự trong tương lai”, bài viết của 2 học giả trích bài đăng năm 2015 trên một tạp chí quân sự Trung Quốc đánh giá.
“Công nghệ biến đổi gene đã được chứng minh với thực vật, nó hoàn toàn có thể được áp dụng cho con người. Trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy, họ tìm cách trở thành đội quân đầu tiên có những siêu chiến binh biến đổi gene để vượt lên trước kẻ thù. Mối đe dọa này là hiển nhiên và có thật”, Giáo sư John Louth, chuyên gia của tổ chức tư vấn quốc phòng Rusi nhận định.
Cuộc chạy đua “siêu chiến binh” trên thế giới
Không chỉ Trung Quốc, Mỹ cũng đã thực hiện một số dự án nghiên cứu về siêu chiến binh. Tiểu thuyết gia Simon Conway, người được phép truy cập hậu trường tại cơ quan bí mật của Lầu Năm Góc đã tiết lộ một loạt chương trình siêu chiến binh đang được thực hiện thời điểm đó - năm 2012. Ông tuyên bố các nhà khoa học đang nghiên cứu việc chỉnh sửa gene cho phép cơ thể các binh sĩ chuyển hóa chất béo thành năng lượng hiệu quả hơn, giúp họ có thể sống cả ngày mà không cần ăn.
“Tất cả để nhằm nâng cao hiệu quả tạo ra năng lượng trong cơ thể. Những người lính sẽ có thể chạy với tốc độ của vận động viên Olympic, thân hình vạm vỡ nhưng không cần thức ăn”, ông Conway nói với Sunday Express.
Mỹ còn nghiên cứu về khả năng tái tạo, cho phép những người lính bị thương nặng bị mất tứ chi hoặc bị bỏng diện rộng có thể tự chữa lành. Ý tưởng này xuất phát từ hiện tượng tự nhiên như thằn lằn có thể mọc lại đuôi bị cắt cụt và kỳ nhông có thể phục hồi toàn bộ các chi bị đứt lìa.
“Chúng tôi muốn có được khả năng phục hồi, chống nhiễm trùng và có sức bền càng nhiều càng tốt”, Trung tá David Saunders, Giám đốc bộ phận thuộc Dự án phát triển vật liệu y tế của quân đội Mỹ cho biết. Gần đây nhất vào tháng 1-2020, quân đội Mỹ đã tiết lộ những tiến bộ đáng kinh ngạc trong lĩnh vực di truyền học trong quân sự. Các nhà nghiên cứu quân đội nước này đã phát triển một liệu pháp gene cho phép chuột tạo ra protein giúp cơ thể chống lại vũ khí hóa học chết người tấn công hệ thần kinh. Về mặt lý thuyết, liệu pháp gene có thể giúp bảo vệ người lính khi đi vào môi trường nguy hiểm.
Nhưng đó không phải là điều trong tương lai gần, bởi Nga đã đưa di truyền vào chiến lược quân sự của mình. Hãng tin Forbes đưa tin, năm 2019, ông Alexander Sergeyev, người đứng đầu Viện Hàn lâm Khoa học của Nga tiết lộ, các lực lượng vũ trang đang nghiên cứu “hộ chiếu di truyền”. Hộ chiếu sẽ dự đoán “khả năng về mặt thể chất và tinh thần của một người lính trong điều kiện căng thẳng”. Ông Sergeyev nói thêm rằng điều đó có thể được sử dụng để bố trí lực lượng. Từ những nắm bắt về mức độ di truyền, quân đội sẽ biết ai có xu hướng phục vụ tốt hơn khi phục vụ trong hải quân, lính dù hoặc lính tăng…
Và điều đặc biệt khác, Tổng thống Nga Vladimir Putin rất quan tâm đến việc chỉnh sửa gene. Đó là bởi vì con gái lớn của ông, Maria Vorontsova, là một nhà khoa học chuyên về kỹ thuật di truyền và đóng vai trò là cố vấn của ông về vấn đề này. Vào năm 2018, trước khi nhà khoa học Trung Quốc Hạ Kiến Khuê tiết lộ về những đứa trẻ miễn nhiễm HIV, ông Putin đã phân bổ 2 tỷ USD cho nghiên cứu di truyền, Bloomberg đưa tin.
Chỉnh sửa gene bao gồm việc chèn, xóa, sửa đổi hoặc thay thế ADN của một sinh vật sống, giúp con người chống chọi bệnh tật hay có khả năng siêu phàm về khứu giác, nhìn xuyên đêm… Tuy nhiên, chỉnh sửa ADN đang là chủ đề gây tranh cãi bởi đây là một ngành khoa học mới và đầy rủi ro, có thể gây ra những hậu quả mà con người không thể lường trước.