Siêu dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp hơn 2.000 tỷ đồng ở Bắc Giang chậm tiến độ
Dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hợp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF hơn 2.000 nghìn tỷ của Công ty Cổ phần Thiên Lâm Đạt triển khai tại xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thi công kiểu cầm chừng có nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ đề ra.
Phát hiện nhiều hạn chế sau giám sát của HĐND tỉnh
Dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hợp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF do Công ty Cổ phần Thiên Lâm Đạt làm chủ đầu tư nằm trên địa bàn thôn Xuân An, xã Mỹ An (Lục Ngạn). Dự án được UBND tỉnh Bắc Giang cấp Giấy chứng nhận đầu tư tại Quyết định số 441/QĐ-UBND ngày 29/5/2015, với diện tích đất 20,6ha.
Sau đó, dự án đã được UBND tỉnh Bắc Giang 2 lần đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 332/QĐ-UBND ngày 10/6/2016 và Quyết định số 643/QĐ-UBND ngày 21/7/2020, với mục tiêu là xây dựng nhà máy MDF, cảng hàng hóa tổng hợp, sản xuất cơ khí mỏ, tổng vốn đầu tư của dự án là 2.240 tỷ đồng (trong đó: Vốn của nhà đầu tư 645 tỷ đồng; vốn vay 1.595 tỷ đồng), thời hạn hoạt động của dự án (lần cuối) đến tháng 7/2022.
Đến ngày 22/3/2023, UBND tỉnh Bắc Giang cho phép kéo dài thời gian sử dụng đất cho Công ty Thiên Lâm Đạt, với tiến độ gia hạn 20 tháng từ ngày ban hành Quyết định số 277/QĐ-UBND.
Ngày 02/6/2023, Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Bắc Giang do bà Lâm Thị Hương Thành - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn đã tổ chức giám sát việc chấp hành pháp luật trong thực hiện Dự án Cụm cảng hàng hóa tổng hợp, chế biến than, khu liên hiệp chế tạo thiết bị cơ khí, sản xuất gỗ MDF tại huyện Lục Ngạn.
Theo kết quả giám sát, sau khi được UBND tỉnh Bắc Giang chấp thuận chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đã phối hợp với UBND huyện Lục Ngạn hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, làm thủ tục thuê đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 10/12/2015 với diện tích 20,6ha.
Đến thời điểm giám sát, Công ty Thiên Lâm Đạt đã thực hiện xong 5 hạng mục gồm: Nhà văn phòng điều hành; khối nhà ăn và nhà ở; nhà xưởng cơ khí; nhà điều hành bốc dỡ cảng; các hạng mục phụ trợ; tổng giá trị khối lượng thực hiện của dự án trên 600 tỷ đồng.
Về mục tiêu quy mô dự án, Công ty Thiên Lâm Đạt đã hoàn thành 2/3 mục tiêu của dự án gồm: Đầu tư xây dựng một khu nhà máy sản xuất thiết bị cơ khí mỏ; cảng nội địa liên hợp, tập kết kinh doanh khoáng sản, lâm sản.
Tuy nhiên, dự án này đã bộc lộ rất nhiều thiếu sót, hạn chế trong quá trình triển khai, cụ thể: Về công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB), UBND huyện Lục Ngạn thu hồi đất chưa bảo đảm quy định của Luật Đất đai năm 2013. Thành phần hồ sơ thu hồi đất thiếu trích lục bản đồ quy hoạch sử dụng đất theo quy định. UBND huyện Lục Ngạn phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ còn sai sót.
Bên cạnh đó, Công ty Thiên Lâm Đạt đã đưa nhà máy cơ khí vào hoạt động khi chưa được UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; chưa hợp đồng với đơn vị chức năng thu gom, xử lý chất thải…
Liên quan tới lĩnh vực xây dựng, một số hạng mục công trình không có giấy phép xây dựng theo quy định. Cụ thể, nhà đầu tư đã thực hiện xong 5 hạng mục công trình nhưng chỉ có 1 hạng mục có giấy phép xây dựng, các hạng mục còn lại không có phép. Đặc biệt, dự án thực hiện chậm tiến độ, phải gia hạn nhiều lần…
Lại tiếp tục lỡ hẹn
Là một dự án có tổng mức đầu tư lớn, đặc biệt là việc xây dựng nhà máy chế biến gỗ MDF đem đến cho người dân xã Mỹ An nhiều hy vọng. Tuy nhiên, việc dự án triển khai ỳ ạch đã khiến chính quyền và người dân đều tỏ ra hoang mang và đặt dấu hỏi về năng lực của chủ đầu tư.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV, ông Nguyễn Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết, chính quyền xã Mỹ An và người dân nơi đây rất mong mỏi dự án xây dựng nhà máy MDF sớm đi vào hoạt động.
“Đây là một dự án lớn, đặc biệt đối với xã còn nhiều khó khăn như xã Mỹ An, do đó chúng tôi rất mong muốn Công ty Thiên Lâm Đạt sớm triển khai và đưa dự án vào hoạt động. Nếu đi vào hoạt động, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ”- ông Thái nói.
Theo đại diện Công ty Thiên Lâm Đạt, dự án có vốn đầu tư liên doanh với Đức nên thời điểm đại dịch Covid-19 việc đi lại và đàm phán gặp nhiều khó khăn, dẫn đến dự án chậm tiến độ.
“Hiện Công ty Thiên Lâm Đạt đã đặt các dây chuyền công nghệ sản xuất từ bên Đức. Về vùng nguyên liệu, công ty cũng đã chuẩn bị sẵn sàng do trước đó đã tham gia làm thành viên của Công ty Lâm nghiệp Lục Ngạn và Yên Thế. Mặt bằng cũng đã giải phóng xong từ năm 2016 – 2017 nên cũng đã sẵn sàng để có thể đầu tư thực hiện dự án. Về thời gian tiếp tục triển khai dự án, đại diện công ty cho biết, trong quý IV/2023 dự án sẽ tiếp tục triển khai”- vị đại diện thông tin thêm.