Siêu dự án điện mặt trời 3,5 GW ở Indonesia để sản xuất hydro xanh

Các công ty năng lượng quốc tế chuẩn bị tiến hành nghiên cứu tính khả thi của siêu dự án điện mặt trời ở Indonesia, cung cấp năng lượng cho dự án sản xuất hydro xanh và phát triển công nghiệp sạch địa phương.

 Cơ sở năng lượng mặt trời 100 MW, được đề xuất để cung cấp năng lượng cho nhà máy hydro xanh tiềm năng. Ảnh PV-Magazine

Cơ sở năng lượng mặt trời 100 MW, được đề xuất để cung cấp năng lượng cho nhà máy hydro xanh tiềm năng. Ảnh PV-Magazine

Công ty Úc ReNu Energy và công ty thành viên Countrywide Hydrogen ReNu Energy sở hữu 100% ký một biên bản ghi nhớ (MoU) với Anantara Energy, một đối tác trung gian của nhà sản xuất điện độc lập Singapore Quantum Power Asia và nhà phát triển quang điện ib vogt của Đức để điều nghiên tính khả thi dự án phát triển một nhà máy sản xuất hydro xanh quy mô lớn ở Indonesia.

Kế hoạch bao gồm xây dựng một máy điện phân 10 MW được cung cấp năng lượng 100 MW điện mặt trời từ siêu dự án PV 3,5 GW.

Theo những điều khoản của thỏa thuận không ràng buộc, Countrywide và Anantara sẽ đồng nghiên cứu tính khả thi của dự án xây dựng một nhà máy sản xuất hydro xanh chạy bằng năng lượng mặt trời trên quần đảo Riau của Indonesia, phía nam Singapore.

Giám đốc Anantara Simon Bell cho biết, ông hy vọng hydro xanh và amoniac được sản xuất từ năng lượng tái tạo sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế không phát thải trong tương lai của Indonesia và khu vực nói chung. Ông tin rằng, hydro xanh sẽ được cung cấp cho châu Âu, thị trường xuất khẩu năng lượng chính của Indonesia.

Ông nói: “Chúng tôi đã đồng ý hợp tác với Countrywide Hydrogen để cùng tiến hành và tài trợ cho một nghiên cứu ý tưởng và một nghiên cứu chi tiết tính khả thi về kỹ thuật – kinh tế trong dự án xây dựng một cơ sở sản xuất hydro xanh và khả năng đầu tư vào việc phát triển những thỏa thuận thương mại hydro sạch ở Indonesia”.

Những nghiên cứu về ý tưởng và tính khả thi theo kế hoạch sẽ khám phá khả năng xây dựng một máy điện phân 10 MW, có năng lực sản xuất khoảng 1.650 tấn hydro xanh mỗi năm. Nếu nghiên cứu tiền khả thi phù hợp về kinh tế và kỹ thuật, Anantara sẽ phát triển, tài trợ và vận hành một trạm điện mặt trời 100 MW để cung cấp năng lượng sạch cho cơ sở.

Giám đốc điều hành ReNu Geoffrey Drucker (phải) ký Biên bản ghi nhớ cùng với Giám đốc điều hành sân bay Launceston Shane O'Hare ở Úc. Ảnh pv-magazine.

Giám đốc điều hành ReNu Geoffrey Drucker (phải) ký Biên bản ghi nhớ cùng với Giám đốc điều hành sân bay Launceston Shane O'Hare ở Úc. Ảnh pv-magazine.

Giám đốc điều hành ReNu và là giám đốc điều hành tại Indonesia Geoffrey Drucker cho biết dự kiến cơ sở năng lượng mặt trời sẽ cung cấp hydro xanh cho nhu cầu sử dụng của các công ty ở Indonesia. Khi nhu cầu trong nước được đáp ứng, nguồn cung sau đó có thể được chuyển hướng xuất khẩu sang các nước khác ở châu Á và có thể là châu Âu.

Ông Drucker cho biết: “Hydro xanh sẽ đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế không phát thải trong tương lai của Indonesia và châu Á nói chung, tạo ra nguồn điện sạch, được sử dụng trong các hoạt động vận chuyển khai thác mỏ và các quy trình công nghiệp. Chúng tôi có kế hoạch đáp ứng nhu cầu của một thị trường cạnh tranh cao, cơ sở sản xuất này có thể tiếp tục mở rộng để tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn hơn thông qua kế hoạch xuất khẩu năng lượng đã được thống nhất.

Tùy thuộc vào kết quả tích cực của các nghiên cứu, dự kiến kế hoạch đầu tư tài chính và xây dựng cơ sở sản xuất hydro xanh sẽ hoàn tất vào năm 2024, hoạt động sản xuất hydro xanh bắt đầu vào năm 2025.

Anantara cam kết đầu tư gần 6 tỷ USD để phát triển một cơ sở lưu trữ năng lượng mặt trời 3,5 GW ở Riau. Liên doanh đã xin được hơn 600 ha đất cho trang trại điện mặt trời, cung cấp cam kết tài chính và đang trong quá trình xin cấp phép phát triển nhà máy năng lượng mặt trời 3,5 GW với công suất lưu trữ năng lượng đến 12 GWh.

Nhà máy PV dự kiến sẽ tạo ra khoảng 4 TWh năng lượng sạch hàng năm nhằm mục đích cung cấp năng lượng sạch tái tạo cơ bản cho người dân và ngành công nghiệp địa phương. Anantara cũng có ý định xuất khẩu năng lượng sạch sang Singapore thông qua một tuyến cáp quang biển.

Thỏa thuận với Anantara được đưa ra sau khi vào tuần trước, Countrywide đã ký một thỏa thuận các điều khoản với quỹ lương hưu Úc HESTA cho khoản đầu tư lên tới 67,1 triệu USD vào những dự án hydro xanh của công ty và chỉ vài giờ sau khi công ty tuyên bố sẽ làm việc với Ban điều hành Sân bay Launceston ở Tasmania, Úc, nghiên cứu tính khả thi phát triển một dự án sản xuất hydro xanh chạy bằng năng lượng mặt trời đa mục đích tại sân bay.

Theo PV-Magazine

Thái Bằng

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/sieu-du-an-dien-mat-troi-35-gw-o-indonesia-de-san-xuat-hydro-xanh-post161968.html