Siêu mẫu triệu đô và tuyên ngôn về quyền kiểm soát cơ thể

'Thân em' nhắc nhở những người phụ nữ về quyền tự do định đoạt cơ thể, kêu gọi chúng ta cùng nhau chấm dứt tư tưởng phân biệt và kỳ thị phụ nữ vẫn còn tồn tại ngày nay.

 Siêu mẫu Emily Ratajkowski. Nguồn: saostar.

Siêu mẫu Emily Ratajkowski. Nguồn: saostar.

Emily Ratajkowski là siêu mẫu nổi tiếng người Mỹ. Cô bước chân vào giới giải trí từ năm 14 tuổi và sớm khẳng định mình là một tài năng đa diện khi gặt hái nhiều thành công trên các lĩnh vực người mẫu, phim ảnh và kinh doanh.

Cô hiện sở hữu hơn 30 triệu người theo dõi trên Instagram cá nhân và thường xuyên xuất hiện trên trang bìa nhiều tạp chí. Cô cũng đại diện cho nhiều hãng thời trang cao cấp như Versace, Marc Jacobs, Dolce and Gabbana... và tham gia vào những dự án phim ảnh nổi danh như Cô gái mất tích (Gone Girl).

Một cuộc thảo luận về việc phụ nữ kinh doanh hình ảnh cơ thể mình

Không chỉ là siêu mẫu thành công, nổi tiếng, nhiều đặc quyền, Emily còn nhận thức được giá trị của bản thân và có những quan điểm rất rõ ràng về giới, về quyền tự chủ và quyền quyết định đối với cơ thể và hình ảnh của mình.

Trong cuốn My body, bản dịch tiếng Việt tên là Thân em (Lan Võ dịch), Emily Ratajkowski đã đưa ra lời tuyên bố táo bạo, thẳng thắn gửi tới những nhân tố biến phụ nữ thành thứ hàng hóa tầm thường và khẳng định lại rằng: “Giá trị của phụ nữ phải do chính họ định đoạt”.

Cô đã lấy chính nghề nghiệp người mẫu, diễn viên của mình làm tiền đề cho cuộc thảo luận về việc phụ nữ kinh doanh hình ảnh cơ thể mình. Cô dẫn người đọc tiến vào quan sát cái thế giới chỉ xem cô là một vật thể để nhìn ngắm, vốn được định đoạt bởi “nhãn quan nam giới” theo cách gọi của lí thuyết gia nữ quyền Laura Mulvey.

Xuyên suốt 12 chương sách, Ratajkowski trải lòng về những trải nghiệm đã khiến cô mất hết quyền tự chủ và quyền quyết định đối với cơ thể, cũng như hình ảnh của mình hết lần này đến lần khác.

Lần đầu tiên nữ người mẫu công bố chi tiết chuyện cô bị quấy rối trong buổi quay video âm nhạc Blurred Lines với hơn 800 triệu lượt xem, chuyện cô bị hai người bạn trai tuổi teen lợi dụng cơ thể và phỉ báng, sau đó là các giao dịch ngầm với những người đàn ông quyền lực của giới người mẫu.

Cô cũng cho biết cơ thể của cô từng bị biến thành tài sản công cộng/thành hàng hóa với hàng nghìn sản phẩm, bị người ta tự ý mang ảnh đóng thành sách bán. Bản thân cô phải bỏ ra mấy chục nghìn đô mua lại bức ảnh của mình...

Từ những trải nghiệm này, Ratajkowski đặt ra một loạt câu hỏi có tính bản chất như: Liệu việc một người phụ nữ sử dụng vẻ đẹp cơ thể của mình để kiếm tiền là tốt hay xấu? Cô đang trao quyền cho bản thân, hay cũng đang tham gia vào công cuộc hạ thấp, vật hóa và tình dục hóa cơ thể phụ nữ? Khi bán hình ảnh cơ thể, cô là một nữ doanh nhân hay là nạn nhân của chính chế độ đang nuôi sống cô?

 Sách Thân em. Ảnh: SH.

Sách Thân em. Ảnh: SH.

"Giá trị của phụ nữ phải do chính họ định đoạt"

Trong cuốn sách, Ratajkowski còn đưa ra cái nhìn của mình về khuynh hướng nội hóa những định kiến của xã hội gia trưởng trong chính giới nữ ở những giai đoạn, thế hệ khác nhau. Chẳng hạn như cách người mẹ dạy đứa con của mình về sắc đẹp theo nhãn quan nam giới (trường hợp của mẹ cô, người “giáo viên” đầu tiên dạy cô về những chuẩn mực giới và sắc đẹp theo nhãn quan nam giới). Hay cách phụ nữ so kè sức hút, vẻ đẹp với nhau, cách nhìn nhận, đánh giá và đối xử với cơ thể mình và với những người khác...

Từ cái nhìn này, Ratajkowski cho rằng chính phụ nữ cũng bị những định kiến của xã hội gia trưởng ăn sâu và vô thức trao quyền định nghĩa vẻ đẹp, giá trị của mình cho phái nam. Vì thế, họ vừa là nạn nhân, cũng vừa là đồng phạm cho sự áp bức của chính mình và những người phụ nữ khác.

Và cũng từ đây, Ratajkowski chất vấn một loạt các vấn đề có tính xã hội như: Ai là người nắm quyền? Ai định nghĩa về cái đẹp? Ai quyết định việc liệu một người phụ nữ có đang trao quyền cho bản thân hay không khi cô ấy chụp ảnh khỏa thân? Ánh mắt, cái nhìn, góc nhìn của ai là quan trọng trong việc nắm giữ quyền quyết định rằng một người phụ nữ đang được trao quyền, hay cô chỉ là một công cụ của chế độ tư bản gia trưởng?

Và có lẽ quan trọng nhất, phải làm gì để cùng nhau chấm dứt vòng lặp vô hình của tư tưởng phân biệt giới và kỳ thị phụ nữ vốn bị chủ nghĩa gia trưởng tiêm nhiễm?

Bằng cách nhìn thẳng và phân tích vấn đề trên nhiều góc độ, cuốn Thân em của Ratajkowski nhắc nhở những người phụ nữ về quyền tự do định đoạt cơ thể và kêu gọi chúng ta cùng nhau chấm dứt tư tưởng phân biệt và kỳ thị phụ nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội ngày nay.

Cuốn sách đã lọt vào danh sách New York Times Bestseller ngay khi vừa ra mắt và được cho là cáo trạng táo bạo, thẳng thắn gửi tới những nhân tố biến phụ nữ thành thứ hàng hóa tầm thường và khẳng định lại rằng: “Giá trị của phụ nữ phải do chính họ định đoạt”.

Thân em là cuốn sách không thể bỏ qua cho những ai quan tâm đến nữ quyền, bình đẳng giới và yêu thích thể loại hồi ký chân thực.

Minh Châu

Nguồn Znews: https://znews.vn/sieu-mau-trieu-do-va-tuyen-ngon-ve-quyen-kiem-soat-co-the-post1493606.html