Siêu máy bay của Hải quân Mỹ suýt bị 'hạ gục' bởi… một con chim
Có biệt danh 'Ngày tận thế' (Doomsday), thế nhưng chiếc siêu máy bay E-6B Mercury của Hải quân Mỹ suýt bị 'hạ gục' khi động cơ bị phá hủy do… hút phải một con chim.
Chiếc phi cơ E-6B Mercury đã buộc phải hạ cánh sau khi một con chim bị hút vào đường nạp khí cho động cơ và phá hủy nó. Được biết, E-6B Mercury được thiết kế để hoạt động như một trạm liên lạc trong chiến tranh hạt nhân, đảm bảo rằng Tổng thống Mỹ có thể gửi lệnh cho bộ ba hạt nhân, bao gồm cả các lệnh phóng.
Tuy vụ việc xảy ra từ đầu tháng 10 tại Trạm Không quân Hải quân Patuxent River ở Virginia thế nhưng đến nay thông tin này mới được tiết lộ.
Theo Navy Times, chiếc E-6B Mercury thực hiện nhiệm vụ liên lạc trên không và đang hạ cánh thì 1 trong 4 động cơ của nó “nuốt chửng” một con chim và bị phá hủy. Chiếc siêu máy bay cùng toàn bộ phi hành đoàn sau đó đã hạ cánh khẩn cấp an toàn xuống trạm không quân.
Vụ “tai nạn” này được xếp loại là sự cố mức A, mà Hải quân Mỹ định nghĩa là một sự cố gây thiệt hại từ 2 triệu đô la trở lên hoặc một chiếc máy bay bị phá hủy. Nó cũng được định nghĩa là một sự cố liên quan đến tử vong hoặc thương tật vĩnh viễn. Trong trường hợp này, tai nạn được xếp loại ở mức A do do chi phí sửa chữa và chi phí cho động cơ thay thế.
Mẫu E-6B Mercury được chỉ định là trạm liên lạc trong Hệ thống kiểm soát phóng trên không, hỗ trợ lực lượng hạt nhân của Mỹ trên toàn cầu. Dựa trên mẫu máy bay dân dụng Boeing 707, E-6B được thiết kế để phục vụ như một kênh liên lạc dự phòng giữa Bộ Chỉ huy tối cao (Tổng thống Mỹ hoặc người kế nhiệm) và máy bay ném bom của lực lượng Không quân, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa hạt nhân chiến lược từ các tàu ngầm của Hải quân Mỹ.
Biệt danh của E-6B là TACAMO, có nhiệm vụ tối quan trọng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân. Trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, chiếc E-6B Mercury sẽ cất cánh và bay vòng vòng, các anten trên máy bay sẽ phát một loạt sóng tần số thấp trong phạm vi hàng trăm dặm. Máy bay có thể nhận tín hiệu từ NCA và chuyển tiếp nó tới các lực lượng hạt nhân hay các máy bay chiến đấu.
Khả năng vượt qua các tên hạt nhân của E-6B Mercury đã khiến nó trở thành chiếc máy bay nguy hiểm nhất trên bầu trời, mặc dù không có vũ khí. Chiếc máy bay này thường bay với một phi hành đoàn hỗn hợp gồm 13-18 nhân viên của Hải quân và Không quân.
Hồi tháng 2, một chiếc E-6B khác đã bị hỏng khi va vào nhà chứa máy bay. Vụ tai nạn đó cũng được xếp vào mức A. Còn hồi tháng 3, một chiếc E-6B khác đã phải hạ cánh khẩn cấp sau một vụ hỏa hoạn. Hải quân Mỹ hiện đã bắt đầu đặt nền móng để thay thế mẫu máy bay này bằng một máy bay phản lực mới bắt đầu từ năm 2038.