Siêu sét dài 768km trên bầu trời Mỹ được ghi nhận kỷ lục thế giới
Cơ quan Khí tượng Thế giới (WMO) hôm 31.1 chính thức xác nhận 2 kỷ lục là tia sét đơn dài nhất ở Bắc Mỹ và tia chớp tồn tại lâu nhất ở Nam Mỹ.
Theo CNN, tia sét kéo dài khoảng 768km từ Texas tới Louisiana của Mỹ từng xuất hiện trên bầu trời Bắc Mỹ ngày 29.4.2020 đã được tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chính thức công nhận "siêu sét" với kỷ lục dài nhất.
Tia sét này đã trải dài qua các bang Mississippi, Louisiana và Texas, vượt 60km so với kỷ lục thiết lập trước đó ở phía nam Brazil vào tháng 10.2018.
Randall Cerveny, một chuyên gia về các hiện tượng thời tiết cực đoan của WMO, cho biết: “Đây là kỷ lục phi thường của tia sét đơn. Sét trong các cơn bão đa phần chỉ dài vài km. Còn “siêu sét” có thể dài tới hàng trăm km”.
Bức ảnh cho thấy chiều dài của siêu sét trải dài qua nhiều bang của Mỹ - Ảnh: CNN
Cũng theo báo cáo từ WMO thì chiều dài tia sét ấn tượng trên tương đương khoảng cách giữa thành phố New York và Columbus, hoặc giữa thủ đô London của Anh với thành phố Hamburg của Đức.
Mặc dù phá kỷ lục về chiều dài nhưng tia sét trên lại có "tuổi thọ" không cao. Một kỷ lục khác được WMO công nhận cùng ngày là tia sét tồn tại lâu nhất thế giới cũng ở Nam Mỹ. Tia sét này xuất hiện vào ngày 31.10.2018 trong một cơn bão ở Uruguay và phía bắc Paraguay với thời gian tồn tại trong 17,102 giây, vượt xa kỷ lục trước đó là 0,37 giây.
WMO cảnh báo những cơn sét xảy ra trong những năm gần đây ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ ngày càng nguy hiểm - Ảnh: CNN
WMO cũng cảnh báo các kỷ lục về tia sét mới xảy ra ở khu vực Đại Bình nguyên Bắc Mỹ và vùng trũng La Plata tại Nam Mỹ. Đây là những điểm nóng về giông bão thường xuất hiện những tia sét siêu lớn. WMO cảnh báo các tia sét lập kỷ lục không phải sự kiện riêng lẻ mà diễn ra trong những cơn giông quy mô lớn và gây nguy hiểm cho con người.