Siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi bắt nhịp lợi thế trong mùa dịch

Theo khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, hiện nay, có hơn 1/3 số hộ gia đình Việt Nam chọn mua hàng tại các siêu thị nhỏ và cửa hàng tiện lợi. Còn theo đánh giá của hãng Nielsen, tốc độ phát triển của hình thức kinh doanh cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini tại Việt Nam hiện đã tăng 200% mỗi năm. Bắt nhịp xu thế chung, hệ thống siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi tại Thanh Hóa cũng tăng tốc phát triển trong những năm gần đây. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, hệ thống cửa hàng này đã tận dụng những lợi thế để phát triển bền vững.

Nhân viên Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hiền Nhuần chuẩn bị thực phẩm giao online cho khách hàng.

Trong năm 2021, Công ty TNHH MTV Thực phẩm Saigon Co.op đã phối hợp với Siêu thị Co.opmart Thanh Hóa khai trương cửa hàng thực phẩm tiện lợi Co.op Food thứ tư trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Với định hướng tận dụng những lợi thế linh hoạt về diện tích và vị trí kinh doanh, các cửa hàng Co.op Food đều được đặt tại các cụm dân cư để đưa hàng bình ổn đến với người tiêu dùng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH MTV Thực phẩm Saigon Co.op, cho biết: Nhận định thị trường Thanh Hóa với tiềm năng tiêu thụ hàng hóa lớn; trong khi đó, bối cảnh dịch bệnh khiến người dân hạn chế di chuyển và tiếp xúc nơi đông người như chợ dân sinh hay các siêu thị lớn. Do đó, đơn vị đã mạnh dạn phát triển thêm các cửa hàng tiện lợi. Đây là giải pháp cung cấp thực phẩm an toàn, tươi ngon, mang phong cách dịch vụ hiện đại, phục vụ nhu cầu thực phẩm hàng ngày của người dân. Tại các cửa hàng tiện lợi Co.op Food cung cấp khoảng 4.000 mặt hàng tiêu dùng, thuộc nhiều ngành hàng khác nhau như thực phẩm tươi sống, đồ đông lạnh, thực phẩm công nghệ, hóa mỹ phẩm, các sản phẩm đồ dùng thiết yếu cho gia đình cùng nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của địa phương.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 400 cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini; trong đó, chỉ tính riêng tại TP Thanh Hóa đã có tới hơn 100 cửa hàng. Ngoài hệ thống các cửa hàng tiện lợi có thương hiệu, phát triển theo chuỗi, như: WinMart, WinMart+, Co.op Food, ATC Food... dọc nhiều tuyến phố chính, tại các khu vực đông dân cư trong các ngõ nhỏ cũng xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng tiện ích. Bên cạnh lương thực, thực phẩm, tại đây cung cấp khá đầy đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân hàng ngày. Chị Nguyễn Thị Giang, sinh sống tại phường Đông Hương, TP Thanh Hóa, chia sẻ: Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, do lo ngại tiếp xúc đông người tại các chợ và siêu thị lớn nên chị đã chuyển hướng mua sắm thực phẩm, đồ dùng thiết yếu tại cửa hàng WinMart+ gần nhà. Thực phẩm tại đây được vận chuyển về hàng ngày nên khá đầy đủ và tươi ngon, không cần phải tích trữ nhiều trong tủ lạnh. Đặc biệt, cửa hàng còn có dịch vụ đi chợ hộ nên những thời điểm dịch bệnh phức tạp, ngồi ở nhà cũng được cung cấp kịp thời thực phẩm một cách đầy đủ để chế biến bữa ăn cho gia đình.

Theo đánh giá của Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, với diện tích linh hoạt chỉ từ 50m2 - 400m2, việc đầu tư cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini là khá phù hợp và thuận lợi trong bối cảnh hiện nay. Ngoài lợi thế gần các khu dân cư, hệ thống hạ tầng, nhân lực dễ tích hợp và triển khai các hình thức bán hàng, thanh toán hiện đại thì hàng hóa, thực phẩm tại các cửa hàng, siêu thị tiện lợi còn có nhãn mác, nguồn gốc đầy đủ, có độ tin cậy cao trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm nên ngày càng chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Trong bối cảnh dư địa của thị trường còn lớn, hệ thống cửa hàng này có khả năng phát triển nhanh hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng phục vụ của các siêu thị mini, cửa hàng tiện ích, Nhà nước cần sớm hoàn thiện, ban hành các quy chuẩn, hành lang pháp lý để quản lý loại hình kinh doanh này, tạo thuận lợi cho công tác giám sát, quản lý của các đơn vị thực thi nhiệm vụ.

Bài và ảnh: Bách Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/sieu-thi-mini-cua-hang-tien-loi-bat-nhip-loi-the-trong-mua-dich/146858.htm