Siêu thị Sài Gòn lại báo 'cháy hàng' mỳ tôm, miến khô
'Tôi đi mua miến khô cả tuần nay đều không có', bà Bích Phượng (quận Bình Thạnh) nói khi vừa nhận được cái lắc đầu từ chủ tiệm tạp hóa.
Theo khảo sát của PV.VietNamNet, những ngày qua, mỳ tôm và miến khô đang là mặt hàng vắng bóng trên các kệ hàng của nhiều siêu thị.
Cụ thể, siêu thị Bách Hóa Xanh trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh) trong ngày 22/7 kệ đồ khô bỏ trống sản phẩm mỳ tôm và miến. Trước đó, ngày 20/7, nhân viên siêu thị này cho biết, bình thường chỉ hai ngày hàng đã về nhưng đến nay đã 4 ngày không thấy có mỳ tôm.
Cửa hàng thực phẩm Vissan (đường Bạch Đằng, quận Bình Thạnh) cũng trong tình cảnh thiếu hụt nguồn hàng đồ khô, mặc dù nhân viên cửa hàng cho biết đã liên tục đặt hàng từ phía nhà cung cấp.
Satra Foods hiện cũng hết mặt hàng miến khô.
Trong khi đó, nhân viên cửa hàng Vinmart gần khu vực chợ Bà Chiểu thông tin, ít nhất phải chờ đến tuần sau thì miến khô và mỳ tôm mới được bổ sung thêm trên các kệ hàng.
Tình trạng tương tự xảy ra với hệ thống của Family Mart, giống như nhiều hệ thống phân phối, các cửa hàng này chỉ còn mỳ tôm, mỳ trộn Hàn Quốc với mức giá khá cao, dao động từ 20.000-35.000 đồng/gói tùy loại. Mức giá các loại mỳ này được cho là không phù hợp trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu của người dân ở thời điểm hiện tại.
Không chỉ có hệ thống các đơn vị phân phối, cửa hàng tiện lợi rơi vào tình trạng trên, một số tiệm hóa lớn cũng cho biết miến khô và mỳ tôm chưa biết khi nào về, hoàn toàn phụ thuộc phía đơn vị cung cấp.
“Hảo hảo thì không mua được đâu. Còn nhà tôi đặt miến khô từ lâu mà cũng không thấy chuyển đến. Cứ chờ vậy thôi chứ biết làm sao ?”, bà Thu Hậu, chủ tiệm tạp hóa nằm trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), cho hay.
“Tôi đi mua miến khô cả tuần nay đều không có”, bà Bích Phượng (quận Gò Vấp) nói khi vừa nhận được cái lắc đầu từ chủ tiệm tạp hóa.
Trong khi các mặt hàng đô khô tích trữ đang có hiện tượng khan hiếm thì rau, thịt lại được lấp đầy các kệ hàng trong những ngày này. Khảo sát của phóng viên từ ngày 19-22/7 cho thấy, chủng loại rau đa dạng và dần được bổ sung đều hơn tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn thành phố.
Giá cả các mặt hàng rau xanh cũng dần hạ nhiệt, lượng người đổ đến các siêu thị giảm. Hiện có nhiều đơn vị đang chấp nhận làm nghề tay trái, cùng vào cuộc “chia lửa” trong việc phân phối thực phẩm tới người dân như Con Cưng, Guardian, VinShop.
Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử lớn như Lazada, Shopee, Tiki, Sen Đỏ, hệ thống các bưu cục tại thành phố cũng đã “xắn tay” vào cuộc.
Trái với hình ảnh các kênh mua sắm hiện đại lên ngôi những ngày này, tính đến ngày 21/7, trên địa bàn TP.HCM chỉ còn 32 chợ truyền thống đang hoạt động trên tổng số 237 chợ. Trong đó, 205 chợ hiện tạm ngưng hoạt động do liên quan đến các ca nhiễm, ca nghi nhiễm hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch nên phải tạm ngưng hoạt động (gồm 202 chợ truyền thống và 3 chợ đầu mối).