Siêu tiêm kích F-35 không thể bay với tốc độ siêu thanh

Các chuyên gia Mỹ đã phát hiện ra một lỗ hổng trong thiết kế máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning II khiến cho chúng không thể bay với tốc độ siêu thanh và phải đối mặt với nguy cơ bị phá hủy trên không trung.

Theo Sputik, vấn đề đã được phát hiện vào năm ngoái khi các máy bay F-35B và F-35C không thể bay ổn định ở chế độ siêu thanh. Khi bay ở tốc độ siêu thanh, bề mặt máy bay bắt đầu phồng lên và xuất hiện những bọt khí nhỏ. Do đó, máy bay đã bị mất khả năng tàng hình và dễ dàng bị radar phát hiện. Bay ở tốc độ siêu thanh có thể khiến vỏ ngoài và các bộ phận khác của khung máy bay bị phá hủy.

Khiếm khuyết cực kỳ nghiêm trọng này đòi hỏi nhà phát triển tốn rất nhiều chi phí để thử nghiệm vật liệu ốp bên ngoài mới và có thể sẽ phải thay toàn bộ khung sườn của các máy bay đã sản xuất.

Sau khi tính toán chi phí, các tướng lĩnh quân đội đã thay đổi chiến thuật sử dụng loại máy bay này bằng cách hạn chế tối đã thời gian bay ở tốc độ siêu thanh. Các phi công gần như bị cấm bay ở tốc độ này. Điều đó có nghĩa máy bay chiến đấu hiện đại nhất của Mỹ mất đi một trong những lợi thế chính - khả năng đánh chặn siêu thanh các mục tiêu trên không.

Siêu tiêm kích F-35 không thể bay ở tốc độ siêu thanh

Siêu tiêm kích F-35 không thể bay ở tốc độ siêu thanh

Vấn đề này đã dẫn đến nhiều luồng ý kiến trái chiều từ các chuyên gia quân sự. Theo Lầu Năm Góc cho rằng chế độ bay "siêu âm" không quá quan trọng với F-35.

Phi công về hưu Brian Clark, nhà phân tích từ Viện nghiên cứu chiến lược Hudson tin rằng việc giới hạn thời gian bay ở tốc độ cao, ngược lại, sẽ trở thành một lợi thế chiến thuật. Theo ông, khi bay quá nhanh máy bay mất đi khả năng tàng hình. Và khi giảm tốc độ, F-35 giữ được khả năng tiêu diệt đối thủ trước khi bị phát hiện. Ngoài ra, trong điều kiện giới hạn tốc độ, phạm vi bay sẽ tăng đáng kể, nhiên liệu tiêu thụ tiết kiệm hơn.

Tiêm kích F-35 có khả năng tàng hình.

Tiêm kích F-35 có khả năng tàng hình.

Nhưng cũng có ý kiến khác. Các chuyên gia từ Defense News tin chắc rằng sự hạn chế tốc độ gây ra mối nguy hiểm chết người cho các phi công F-35 trong cận chiến.

Phi công quân sự của Nga Vladimir Popov cho rằng: Khả năng duy trì chuyến bay ổn định ở tốc độ siêu âm là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của máy bay chiến đấu hiện đại. Không có điều này, chỉ đơn giản là không thể đánh chặn hiệu quả các mục tiêu trên không. Ngoài ra, bay siêu âm cho phép phi công nhanh chóng vượt qua vùng hoạt động của phòng không đối phương.

Ông nói thêm: "Nếu trong trận không chiến, khi toàn bộ số đạn dược được sử dụng hết, chiếc máy bay không còn là một phương tiện chiến đấu. Trong trường hợp này, nhiệm vụ chính của phi công là rời khỏi khu vực, thoát khỏi sự truy đuổi và hạ cánh an toàn tại sân bay. Nếu bay chế độ siêu âm, việc đó sẽ dễ dàng hơn nhiều".

Tính đến năm 2013, chương trình F-35 bị tìm ra có đến 363 lỗi có thể phát sinh 719 vấn đề. Ngày 11/10/2018, trung tâm kỹ thuật F-35 thông báo ngừng tất cả hoạt động của F-35 trên thế giới để kiểm tra kỹ thuật. Sau 4 ngày, 80% F-35 đã vượt qua bài kiểm tra cấp tốc và được phép bay trở lại. Số lỗi kỹ thuật được nhận diện tính đến tháng 11/2019 là 873 lỗi.

Mặc dù F-35 có nhiều thiếu sót, Mỹ đang tích cực chuyển giao máy bay cho các đồng minh của họ.

Theo chuyên gia, đã đến lúc người Mỹ cần thu hồi tất cả F-35 khỏi thị trường bởi các đặc điểm kỹ thuật được công bố hoàn toàn không đáp ứng được thực tế.

Tuy nhiên, chương trình F-35 được coi là một trong những dự án đắt nhất trong lịch sử chế tạo máy bay, khoảng 1,3 nghìn tỷ USD đã được chi ra để sản xuất loại máy bay này. Việc thu hồi tất cả F-35 được ví như một việc ‘bất khả thi’ bởi nó sẽ gây ra thiệt hại vô cùng lớn cho ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Thanh Huyền

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/sieu-tiem-kich-f35-khong-the-bay-voi-toc-do-sieu-thanh-1653785.tpo