Siêu Trăng xanh xuất hiện đúng rằm tháng 7 có gì đặc biệt?
Siêu Trăng xanh năm nay sẽ rơi đúng vào rằm tháng 7 Âm lịch ở Việt Nam (đêm ngày 18, sáng ngày 19/8). Theo đó, Mặt Trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái Đất và được chiếu sáng hoàn toàn bởi Mặt Trời.
Trăng xanh đúng vào Rằm tháng 7 có gì đặc biệt?
Theo Hội Thiên văn Hà Nội (HAS), siêu Trăng xanh năm nay sẽ rơi đúng vào rằm tháng 7 Âm lịch ở Việt Nam (đêm ngày 18, sáng ngày 19/8). Theo đó, Mặt Trăng sẽ nằm ở phía đối diện của Trái Đất và được chiếu sáng hoàn toàn bởi Mặt Trời. Pha này xảy ra lúc 01:27 (giờ Việt Nam) ngày 19/8.
Lần trăng tròn này được các bộ lạc người Mỹ bản địa đầu tiên gọi là Trăng cá tầm vì cá tầm lớn ở Ngũ Hồ và các hồ lớn khác dễ bị đánh bắt hơn vào thời điểm này trong năm. Mặt trăng này còn được gọi là Trăng Ngô Xanh và Trăng Ngũ cốc. Bởi vì đây là lần trăng tròn thứ ba trong số bốn lần trăng tròn trong mùa này nên nó được gọi là Trăng xanh.
Có hai loại Trăng xanh: Trăng xanh hàng tháng (kỳ trăng tròn thứ hai) và Trăng xanh theo mùa (Trăng tròn thứ ba trong bốn trăng tròn trong cùng một mùa thiên văn). Kể từ ngày hạ chí vào ngày 20/6, đã có trăng tròn vào ngày 22/6 và ngày 21/7. Trăng Sturgeon vào ngày 19/8 và trăng tròn tiếp theo, "Trăng thu hoạch", vào ngày 18/9.
Trăng xanh của cả hai loại này diễn ra hai đến ba năm một lần. Trăng xanh theo mùa gần đây nhất là vào tháng 10/2020 và tháng 8/2021, và Trăng xanh theo mùa tiếp theo sẽ xảy ra vào tháng 5/2027. Không cần ống nhòm ngắm sao và kính thiên văn để ngắm trăng tròn, nhưng nếu có thì sẽ giúp nhìn thấy các chi tiết trên bề mặt Mặt Trăng mà mắt thường không nhìn thấy được.
Theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA), Trăng xanh là một vấn đề thuần túy mang tính văn hóa của nhiều quốc gia phương Tây trước kia. Theo đó, "Trăng xanh của mùa" là cách hiểu khởi điểm của thuật ngữ "Blue Moon". Chúng ta biết rằng mỗi năm có 12 tháng, mỗi tháng có 30 hoặc 31 ngày (trừ tháng 2 chỉ có 28 hoặc 29 ngày). Trong âm lịch mà Việt Nam cùng nhiều nước phương Đông sử dụng thì tính theo chu kỳ trăng, mỗi năm có 12 tuần trăng.
Tuy nhiên, độ dài của tuần trăng chỉ có 29,53 ngày nên tháng âm lịch chỉ dài 29 hoặc 30 ngày. Như vậy 12 tuần trăng thực ra chưa đủ 12 tháng dương lịch. Trong dương lịch, chúng ta biết rằng 4 mùa được chia tương đối đều, mỗi mùa có độ dài 3 tháng và được định mốc bởi 2 lần phân hoặc chí (chẳng hạn từ xuân phân đến hạ chí, từ hạ chí đến thu phân…).
"Vì 3 tháng này dài hơn 3 tuần trăng nên nếu một lần trăng tròn rơi vào một trong vài ngày đầu tiên của một mùa thì một trong số vài ngày cuối cùng của mùa đó có thể là lần trăng tròn thứ 4 (trong khi lẽ ra một mùa chỉ có thể có 3 lần trăng tròn). Trong trường hợp đó, lần trăng tròn thứ 3 trong số 4 lần trăng tròn của một mùa được gọi là Trăng xanh. Theo cách tính này, cứ khoảng 3 năm thì có một lần Trăng xanh của mùa.
Trăng xanh của tháng dùng để chỉ lần trăng tròn thứ hai trong tháng dương lịch. Vì chu kì tuần trăng là 29,53 ngày, trong khi mỗi tháng có 30 hoặc 31 ngày. Vậy nên nếu thời điểm trăng tròn rơi vào ngày mùng 1 của một tháng thì ngày 30 hoặc 31 của tháng đó cũng sẽ lặp lại pha này của Mặt Trăng. Lần trăng tròn thứ 2 của một tháng này được gọi là Trăng xanh. Trăng xanh của tháng như vậy dễ xảy ra hơn, khoảng 2 năm đến dưới 3 năm một lần.
Trăng xanh có hiếm không?
Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam lý giải khi kết hợp cả 2 định nghĩa trên, thì cứ hơn 1 năm là có một lần trăng tròn được tính là Trăng xanh, nên nó không hề hiếm.
Nhà nghiên cứu khẳng định Trăng xanh không phải là "hiện tượng thiên văn". Theo đó, ta đã thấy có 2 cách định nghĩa được sử dụng song song ngày nay. Tuy nhiên theo cả 2 cách, về bản chất mặt trăng vẫn chỉ tròn như bao lần nó đi tới điểm đối xứng với mặt trời, như tất cả những đêm 15, 16 âm lịch mà chúng ta có thể quan sát.
Đôi khi, tại một số khu vực không khí ô nhiễm do khí thải hay các vụ phun trào núi lửa, mặt trăng (dù không phải pha tròn) cũng có thể có ánh xanh, nhưng đó chỉ là do khúc xạ ánh sáng trong khí quyển. Mặt Trăng sẽ không hề chuyển thành màu xanh, cũng không gây ra bất cứ hiện tượng vật lý nào, càng không phải bất cứ điềm báo nào cả.
Như vậy, năm nay sẽ có 4 lần xuất hiện siêu trăng. Lần đầu tiên là vào ngày 19/8, Mặt trăng sẽ cách Trái đất khoảng 361.970 km. Các lần xuất hiện siêu trăng tiếp theo sẽ diễn ra lần lượt trong 3 tháng tới. Để ngắm nhìn siêu trăng, bạn không cần thiết bị đặc biệt nào, chỉ cần tìm một nơi thoáng đãng để có thể quan sát rõ ràng.