Siêu trí tuệ có phải là một sản phẩm để giải trí?
Giữa bối cảnh game show đang gây nhàm chán cho khán giả vì những chương trình quanh quẩn múa hát và tấu hài, thì 'Siêu trí tuệ Việt Nam' xuất hiện như một làn gió mới...
Không chỉ tạo chú ý cho công chúng trên màn ảnh nhỏ HTV2 - Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh mà "Siêu trí tuệ Việt Nam" khi được phát lại trên Youtue đã có sức lan tỏa mạnh mẽ với hàng triệu lượt người xem. Nhìn một cách khách quan, "Siêu trí tuệ Việt Nam" có khả năng phô diễn sự thông minh và sức sáng tạo của người Việt, hay đơn thuần cũng chỉ nhằm mục đích giải trí?
Nếu game show "Siêu trí tuệ Việt Nam" là sản phẩm do những nhà truyền hình nước ta tự nghĩ ra, thì đúng là… trí tuệ Việt Nam. Thế nhưng, game show "Siêu trí tuệ Việt Nam" cũng chỉ mô phỏng phiên bản nước ngoài, hay nói cụ thể hơn là mua lại bản quyền của nước ngoài để sản xuất. Với bản gốc là "Super Brain" từng làm mưa làm gió nhiều năm trước ở châu Âu, game show "Siêu trí tuệ Việt Nam" được Công ty DID Tivi mua bản quyền từ EndermolShine Group của Đức, rồi bắt tay với HTV2 - Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh để sản xuất phiên bản Việt.
Tuy nhiên "Super Brain" (bộ óc siêu phàm) bùng lên thành hiện tượng toàn cầu khi được thực hiện tại Trung Quốc với tên gọi "Tối cường đại não" (bộ não xuất chúng). Với dân số hơn 1,4 tỷ người thì việc những người làm chương trình "Tối cường đại não" tìm kiếm những người có khả năng ghi nhớ sự kiện hoặc con số một cách phi thường, cũng không quá khó khăn.
Khi nhập khẩu vào nước ta, "Super Brain" được lấy cái tên khá ngạo nghễ là "Siêu trí tuệ Việt Nam". Một game show mà lạm dụng ngôn ngữ khua chiêng gióng trống của quảng cáo, như một sân chơi dành cho những nhân vật đẳng cấp siêu phàm.
Chương trình "Siêu trí tuệ Việt Nam" được phát sóng từ ngày 26/10 và hứa hẹn sẽ đạt tỷ suất khán giả ngất ngưởng những tháng cuối năm 2019. Thành phần ban giám khảo của "Siêu trí tuệ Việt Nam" bao gồm: Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, nhà báo Lại Văn Sâm, ca sĩ Tóc Tiên và khách mời thay đổi hàng tuần. Vẫn phong cách đặc trưng đã phô diễn ở các chương trình nhí nhố, MC Trấn Thành dẫn dắt game show "Siêu trí tuệ Việt Nam".
Ở thời đại nhà nhà khoe giàu, người người khoe sang, thì một chương trình truyền hình treo biển "Siêu trí tuệ Việt Nam" chẳng làm ai phải bận tâm. Thế nhưng, những kỹ năng nhớ nhanh và thuộc mau có phải là… siêu trí tuệ hay không, lại là chuyện khác. Những người thực hiện "Siêu trí tuệ Việt Nam" hé lộ, chương trình quy tụ 24 ứng viên sở hữu năng lực, trí tuệ khác biệt để có thể chinh phục những thử thách đa dạng ở các lĩnh vực: trí nhớ, toán học, rubik, quan sát... Gameshow được phát 13 tuần, với 3 vòng đấu.
Thứ nhất, vòng Tuyên chiến, các ứng viên với vai trò là người khiêu chiến sẽ phải chinh phục thử thách do chương trình đưa ra hoặc do thí sinh đề nghị. Các giám khảo sẽ cho điểm dựa trên độ khó của thử thách theo thang điểm từ 1 đến 5. Kết thúc phần thử thách, giám khảo khoa học sẽ là người chấm điểm (theo thang điểm 10), nếu các số điểm nhân lại với nhau trên 80 điểm thì sẽ được đứng ở vị trí "Khán đài danh dự" và được vào thẳng Đội tuyển Siêu trí tuệ Việt Nam (còn gọi là được tiến cấp). Số điểm tối đa mà 1 thí sinh có thể đạt được là 150 điểm.
Thứ hai, vòng thách đấu, các ứng viên được tiến cấp ở vòng 1 sẽ đối đầu với nhau hoặc nhận lời khiêu chiến từ những ứng viên mới để sau đó tìm ra 6 gương mặt xuất sắc đại diện Việt Nam thi đấu quốc tế. Thứ ba, vòng Đại chiến thế giới, 6 ứng viên xuất sắc của Biệt đội Siêu trí tuệ Việt Nam sẽ chia làm hai đội để thi đấu với các đối thủ đến từ các quốc gia trên thế giới.
Thử điểm qua vài gương mặt tiêu biểu đã xuất hiện trong chương trình "Siêu trí tuệ Việt Nam" với những khả năng mà họ được thử thách qua sự dàn dựng hấp dẫn của những đạo diễn game show truyền hình. Đầu tiên là ứng viên Lê Nguyễn Phước Vinh với "Ma Trận sử học".
Trên sân khấu chính sẽ xuất hiện 1000 mốc sự kiện lịch sử ngẫu nhiên của Việt Nam và thế giới được chọn lọc, mỗi mốc lịch sử sẽ bao gồm thời gian và nội dung sự kiện. Tổng các mốc sự kiện ước chừng khoảng 5000 con số với rất nhiều dữ liệu khác nhau được liên kết hoặc tồn tại độc lập. Người khiêu chiến sẽ có thời gian 20 phút để hệ thống 1000 mốc sự kiện này. Khách mời chuyên môn sẽ chọn ra các mốc sự kiện bất kỳ và nối tất cả thời gian xảy ra sự kiện thành 1 dãy số thống nhất, tổng cộng trên 100 con số. Người khiêu chiến có thêm 5 phút để ghi nhớ và sau đó sẽ bóc tách các sự kiện dựa trên dãy số vừa đọc để hoàn thành thử thách.
Tiếp theo là ứng viên Huỳnh Diệu Linh với "Đại chiến không ảnh". Ban khoa học sẽ lựa chọn ngẫu nhiên 100 bức ảnh sân bay chụp từ vệ tinh trong số 44000 sân bay trên toàn thế giới, được đánh số thứ tự từ 1 đến 100. Người khiêu chiến sẽ có 30 phút để ghi nhớ, sau đó giám khảo sẽ chọn 1 ảnh sân bay bất kỳ, nhiệm vụ người khiêu chiến là sẽ phải nhớ và ghi ra được số thứ tự tương ứng với sân bay đó, chính xác 2 trên 3 lần, thử thách thành công.
Và không thể không kể đến ứng viên Mai Tường Vân với "Bưu kiện thần tốc". 100 khán giả ngẫu nhiên tại trường quay lần lượt viết số điện thoại và tên viết tắt của mình vào giấy chuyển fax có mã vạch, mỗi thông tin trên giấy đều có 3 bản giống nhau: tờ 1 khán giả dùng để đối chiếu thông tin, tờ 2 để dán vào kiện hàng và tờ 3 dành cho người khiêu chiến thực hiện việc ghi nhớ. Người khiêu chiến có 2 giờ để ghi nhớ đồng thời 3 dữ kiện: mã vạch, số điện thoại và tên viết tắt.
Ban giám khảo sẽ chọn ngẫu nhiên 1 kiện hàng, từ mã vạch trên kiện hàng, người khiêu chiến sẽ phải nhớ lại số điện thoại và dùng điện thoại của ban tổ chức gọi vào đầu số đó, nếu điện thoại đổ chuông 2 trên 3 lần thì thử thách thành công.
Nhà báo Lại Văn Sâm ngồi ghế giám khảo không ít lần trầm trồ về các ứng viên, và cho rằng: "Tôi xem các chương trình siêu trí tuệ của thế giới thấy rất ngưỡng mộ, giờ đây, trước mắt tôi là những bạn trẻ Việt Nam. Họ bứt phá mọi rào cản để không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn sẽ đại diện xứng đáng cho Việt Nam trên đấu trường quốc tế. Khán giả sẽ kinh ngạc khi xem họ thể hiện".
Còn một ca sĩ như Tóc Tiên đã quen nhún nhảy trên sân khấu thì tiếp cận "siêu trí tuệ" để làm gì? Ca sĩ Tóc Tiên nửa đùa nửa thật: "Tôi chủ yếu hứng gạch đá dùm các thí sinh! Từng theo dõi Siêu Trí Tuệ các phiên bản quốc tế, nên tôi cũng muốn đến đây để tìm ra lời đáp cho câu hỏi duy nhất: Ở Việt Nam, những nhân tài trí tuệ có thật sự đang hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta?".
Đã gọi là siêu trí tuệ thì phải có thành quả sáng tạo gì đó, chứ siêu trí tuệ không thể là thứ tài vặt mang tính giải trí. Dường như hơi hưng phấn nên người ta nhầm lẫn "siêu trí tuệ" và "siêu trí nhớ" chăng? Trong vài năm gần đây, kỹ năng rèn luyện trí nhớ được khai mở bởi rất nhiều lớp học.
Và kết quả là có một cuộc thi mang tên "Siêu trí nhớ Việt Nam lần thứ nhất - 2019" (Vietnam Memory Championships 2019) cũng đã được tổ chức do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (Vietkings) phối hợp Tổ chức Trí nhớ Việt Nam (Vietnam Memory Organization) và Trung tâm Đào tạo Tâm Trí Lực thực hiện. Chung kết "Siêu trí nhớ Việt Nam" vừa diễn ra tại TPHCM, giải Vàng thuộc về em Đặng Ngọc Phương Trinh (với tiền thưởng 300 triệu đồng), giải Bạc thuộc về em Võ Thanh Liêm (với tiền thưởng 200 triệu đồng); giải Đồng thuộc về em Đặng Thị Thu Hiền (với tiền thưởng 100 triệu đồng). Liệu những thí sinh đoạt giải cao của cuộc thi "Siêu trí nhớ Việt Nam" cũng sẽ là ứng viên game show "Siêu trí tuệ Việt Nam" chăng?.
Vậy nên chăng các nhà khoa học, những người làm chương trình và ngay cả khán giả nữa, mọi người có nên xem lại tên của chương trình "Siêu trí tuệ Việt Nam" một cách chính xác hơn, sát với thực tế hơn.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/sieu-tri-tue-co-phai-la-mot-san-pham-de-giai-tri-570831/