Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 4/9 vừa công bố việc họ thử thành công tên lửa phòng không tầm xa SM-6, khai hỏa từ bệ phóng thẳng đứng dạng module trên tàu mặt nước không người lái Ranger.
"Hãy chứng kiến khái niệm tác chiến liên quân chủng, đa mặt trận và có khả năng thay đổi cuộc chơi mà Mỹ đang gấp rút phát triển. Những đổi mới này đang thúc đẩy tương lai của tác chiến liên quân", Lầu Năm Góc cho hay.
Trong hình ảnh được công bố cho thấy, USV Ranger ra biển với bệ phóng tương tự thùng container chở hàng thông thường. Trong thùng này chứa 4 ống phóng tên lửa SM-6 khi tàu di chuyển vào vị trí bắn.
Khi chuẩn bị khai hỏa, nắp thùng container mở ra và tên lửa được dựng lên trước khi phóng.
Giới chuyên gia quân sự cho rằng triển khai tên lửa trong bệ phóng dạng container là bước đi tiếp theo trong tác chiến hải quân, giúp phân tán lực lượng ra khu vực rộng lớn để hạn chế khả năng tập kích của đối phương.
Tuy vậy vẫn đảm bạo việc tập trung hỏa lực khi chúng cùng tấn công mục tiêu từ nhiều hướng. Điều này sẽ cho phép Mỹ xây dựng "lưới tiêu diệt" để đối phó với nhiều loại mục tiêu khác nhau trên diện tích hàng nghìn km.
Đạn tên lửa đánh chặn SM-6 mới được Mỹ phát triển, có tầm bắn 240 km, độ cao diệt mục tiêu 33 km và tốc độ hành trình trên 4.000 km/h. Đây được coi là một trong số những tên lửa đánh chặn nguy hiểm nhất hiện nay.
Tên lửa SM-6 được thiết kế để đánh chặn tên lửa đối phương ở kỳ cuối của đường bay.
Ở cuối giai đoạn bay, các tên lửa đạn đạo thường bay với tốc độ cực đại và đường bay lắt léo để tránh các hệ thống phòng thủ, nhưng nhờ được trang bị dầu dò cực nhạy nên SM-6 vẫn có thể dễ dàng đón bắt mục tiêu.
SM-6 được phát triển theo chương trình nâng cao tầm bắn của tên lửa đánh chặn trên chiến hạm bắt đầu từ năm 2004 và mới chỉ chính thức đi vào trang bị vào năm nay.
SM-6 được thiết kế với mục đích phòng không tầm xa cấp chiến thuật dành cho các tàu chiến của Mỹ để bảo vệ và mở rộng phạm vi chống lại tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái và máy bay chiến đấu của đối phương.
Điểm mạnh của tên lửa đánh chặn SM-6 so với các phiên bản tiền nhiệm là đạn tên lửa nhỏ hơn và có thể ngăn chặn các mục tiêu bay sát mặt nước.
Hải quân Mỹ từng thử nghiệm SM-6 thành công khi loại tên lửa này có thể dễ dàng phá hủy các loại tàu mặt nước cỡ nhỏ có tốc độ cao.
SM-6 được trang bị hệ thống xử lý tín hiệu và hệ thống dẫn hướng mới được phát triển dựa trên hệ thống tự dẫn chủ động của tên lửa không đối không tầm trung hiện đại AIM-120D AMRAAM.
Tên lửa đánh chặn SM-6 cũng được thiết kế để tương thích với các bệ phóng thẳng đứng tiêu chuẩn Mark 41.
Trong khi đó, thiết kế bệ phóng của các USV Ranger có thể trang bị hệ thống phóng Mark 41.
Điều này có nghĩa là USV Ranger có thể trang bị nhiều loại tên lửa khác nhau trong đó có cả tên lửa hành trình GBM-109 Tomahawk, từ đó mang đến khả năng tác chiến linh hoạt và có thể triển khai làm nhiệm vụ ở mọi nơi.
USV Ranger được thử nghiệm nằm trong chương trình Ghost Fleet Overlord, mệnh danh là những "con tàu ma" không người lái của hải quân Mỹ.
Dự án này nhằm định hình năng lực tác chiến và khái niệm vận hành cho lực lượng USV của Mỹ trong tương lai.
Việt Hùng