Singapore bảo vệ thế hệ trẻ trên môi trường thông tin trực tuyến
Tại Singapore, học sinh được dạy cách phân biệt thông tin trực tuyến đúng - sai, có lợi - có hại trong phần giáo dục Sức khỏe Mạng thuộc chương trình Giáo dục Nhân cách và Công dân, do Bộ Giáo dục nước này phát triển.
Hành trang cần thiết cho công dân tương lai
Bộ Giáo dục Singapore luôn đánh giá cao tầm quan trọng của việc xác định mức độ tin cậy của thông tin trực tuyến, giữ quan điểm rằng hiểu biết về phương tiện truyền thông phải là một yếu tố cần thiết trong các chương trình giảng dạy tại trường học.
Ở cấp tiểu học, học sinh được dạy cách xác minh độ tin cậy của các nguồn thông tin trực tuyến để tự bảo vệ mình trên không gian mạng. Ở cấp trung học và dự bị đại học, học sinh được giới thiệu để hiểu sâu hơn về cách thức hoạt động của tin tức giả, tin lừa đảo và các hình thức lừa đảo qua mạng cùng hậu quả của chúng. Thông qua các cuộc thảo luận trên lớp về các tình huống thực tế, giáo viên củng cố tầm quan trọng của việc kiểm tra thông tin trực tuyến.
Ngoài chương trình giảng dạy tại trường học, Bộ Giáo dục nước này còn cung cấp cho các trường học nguồn tư liệu về các vấn đề và xu hướng mạng mới nhất, bao gồm các nghiên cứu điển hình thực tế và bí quyết nâng cao nhận thức về thông tin sai lệch trực tuyến. Các trường học cũng sẽ thu hút phụ huynh, đối tác quan trọng trong việc hướng dẫn học sinh trở thành người dùng sáng suốt của không gian kỹ thuật số.
Theo Bộ Giáo dục Singapore, hiểu biết về phương tiện truyền thông có thể hữu ích để học tiếng Anh, lịch sử và nghiên cứu xã hội. Ở cấp tiểu học và trung học phổ thông, học sinh được dạy các kỹ năng đọc và tư duy phản biện, giúp cải thiện khả năng phân biệt thực tế về quan điểm, ngữ cảnh, mục đích và xác minh độ tin cậy của thông tin. Học sinh kiểm tra chéo thông tin và quan điểm được trình bày với các nguồn khác để xác định độ tin cậy. Các em cũng được học cách xác định các dấu hiệu của thông tin không đầy đủ và sai lệch.
Tiên phong trong áp dụng công nghệ giáo dục
Singapore là quốc gia đi đầu thế giới trong việc áp dụng công nghệ giáo dục kể từ khi Bộ Giáo dục nước này công bố Kế hoạch tổng thể về công nghệ thông tin - truyền thông trong Giáo dục giai đoạn 1 vào năm 1997. Kế hoạch này cung cấp cơ sở hạ tầng nền tảng và trang bị cho giáo viên năng lực kỹ thuật số cơ bản, dẫn đến công nghệ được chấp nhận rộng rãi để sử dụng trong giáo dục.
Năm 2003, Kế hoạch giai đoạn 2 được đưa ra. Nó được thiết kế để đảm bảo tất cả các trường đạt được mức độ sử dụng công nghệ thông tin - truyền thông cơ bản và hỗ trợ các trường muốn đạt được mức độ sử dụng cao hơn. Kế hoạch cũng cố gắng tích hợp công nghệ thông tin - truyền thông nhiều hơn trong chương trình giảng dạy và đánh giá. Năm 2009, Bộ Giáo dục Singapore giới thiệu Kế hoạch giai đoạn 3, mục tiêu làm phong phú và biến đổi môi trường học tập. Nó tập trung vào học tập tự định hướng, năng lực học tập hợp tác và sử dụng công nghệ thông tin có trách nhiệm.
Năm 2015, quốc gia này đã công bố Kế hoạch tổng thể về công nghệ thông tin - truyền thông trong giáo dục lần thứ tư và là giai đoạn cuối cùng. Mục đích của Kế hoạch lần này là nâng cao chất lượng học tập, tập trung vào việc bồi dưỡng các công dân kỹ thuật số có trách nhiệm. Kế hoạch hợp nhất công nghệ và giáo dục, hướng đến một môi trường học được làm giàu bằng công nghệ. Bộ Giáo dục tuyên bố, công nghệ giáo dục của nước này có cách tiếp cận và cấu trúc nhạy bén, giúp chính phủ thích ứng với những thay đổi về công nghệ và đảm bảo sử dụng hiệu quả công nghệ cho việc dạy và học có chất lượng. Trong vòng 5 đến 10 năm tới, kế hoạch này sẽ làm cho giáo dục trở nên tự định hướng, cá nhân hóa, kết nối và lấy con người làm trung tâm.
Có thể lấy ví dụ, vào tháng 8-2021, cổng thông tin học tập của các trường tiểu học và THPT ở Singapore triển khai một hệ thống đánh dấu mới sử dụng trí thông minh nhân tạo. Đây được ví như một trợ lý phản hồi kết quả làm bài tập của học sinh, chỉ ra lỗi sai về chính tả và ngữ pháp. Hệ thống tự động có thể khuyến khích các em tự định hướng hơn trong học tập và khắc phục các lỗi viết cơ bản của mình. Do đó, hệ thống sẽ cung cấp cho giáo viên một công cụ bổ sung để họ có thời gian hơn tập trung vào việc hướng dẫn học sinh về các kỹ năng khó như diễn đạt sáng tạo, thuyết phục và giọng điệu…
Trước đó 2 năm, Phó Thủ tướng Heng Swee Keat đã vạch ra cách thức chiến lược trong sử dụng trí tuệ nhân tạo của Singapore là tập trung vào 5 lĩnh vực chính, bao gồm giáo dục, an ninh biên giới, hậu cần, chăm sóc sức khỏe và quản lý bất động sản. Hiện Bộ Giáo dục chỉ mới bắt đầu sử dụng công nghệ mới này trong môn tiếng Anh, và có thể áp dụng cho các môn học khác ở giai đoạn sau.
Singapore là quốc gia đi đầu thế giới trong việc áp dụng công nghệ giáo dục kể từ khi Bộ Giáo dục nước này công bố Kế hoạch tổng thể về công nghệ thông tin - truyền thông trong Giáo dục giai đoạn 1 vào năm 1997. Kế hoạch này cung cấp cơ sở hạ tầng nền tảng và trang bị cho giáo viên năng lực kỹ thuật số cơ bản, dẫn đến công nghệ được chấp nhận rộng rãi để sử dụng trong giáo dục.