Bài học kinh nghệm từ Singapore: Chống lãng phí từ gốc
Singapore được coi là trung tâm tài chính hàng đầu châu Á và là nguồn cảm hứng để nhiều nước đặt mục tiêu phát triển các trung tâm tài chính hiệu quả.
Có được như vậy là do Singapore hội đủ các yếu tố then chốt để thành công và quan trọng hơn cả là đảm bảo một nền tảng vững chắc tạo ra cũng như phát huy được động lực để phát triển. Đó là chống lãng phí từ gốc. Khi rung hồi chuông cảnh báo về chống lãng phí, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm đã chỉ đạo phải tạo đột phá trong vấn đề này. Và Singapore có thể là một điểm tham chiếu phù hợp, ở góc độ nào đó.
* Chống lãng phí từ chiến lược…
*…đến quyết sách
Nổi bật là tranh cãi về chính sách dự trữ và ngân sách quốc gia của Singapore. Tại cuộc họp Quốc hội hồi đầu năm, các đảng đối lập đã đề nghị chính phủ "xem xét lại các chính sách tích lũy dự trữ và ngân sách hiện tại" để phân bổ nhiều lợi nhuận đầu tư ròng hơn vào ngân sách hằng năm, giảm gánh nặng tài chính cho người dân, đồng thời tiết kiệm cho các thế hệ tương lai.
Tuy nhiên, đảng Hành động Nhân dân (PAP) cầm quyền đã thông qua đề xuất sửa đổi kêu gọi chính phủ "đảm bảo các chính sách tích lũy ngân sách và dự trữ của mình luôn có trách nhiệm về mặt tài chính và bền vững" và thay thế "tiết kiệm" cho các thế hệ tương lai bằng "lập kế hoạch và cung cấp". Thủ tướng Lý Hiển Long khi đó đã nhắc lại rằng lo ngại dự trữ có thể bị phung phí bởi một chính phủ hoang phí. Thủ tướng sáng lập Lý Quang Diệu đã đề xuất nguyên tắc rằng chính phủ phải huy động tiền- thông qua thuế hoặc đầu tư- nếu muốn chi tiêu, thay vì rút tiền từ khoản dự trữ. Toàn bộ hệ thống được thiết kế để bảo vệ dự trữ, với tổng thống đóng vai trò giám sát. Và trong khi Singapore từng chi 100% thu nhập đầu tư ròng của mình, thì điều này đã được xem xét lại, dẫn đến khuôn khổ hiện tại. Đó là chính phủ chỉ có thể chi tối đa 50% lợi nhuận đầu tư ròng. Phần còn lại sẽ quay trở lại dự trữ. Ông kết luận: "Xem xét dự trữ trong dài hạn, cân bằng phù hợp giữa nhu cầu hiện tại và tương lai - đây là trách nhiệm quan trọng của bất kỳ chính phủ Singapore nào".
Ngay cả khi là một nền kinh tế phát triển, Singapore vẫn phải theo đuổi tăng trưởng và nâng cấp. Đó là lý do tại sao chính phủ đang đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cũng như các công nghệ mới như robot và trí tuệ nhân tạo. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn đang được triển khai, ví dụ như Nhà ga 5 của Sân bay Changi và Cảng Tuas, để nâng cao lợi thế cạnh tranh như một trung tâm logistics toàn cầu.
Nhiều thương hiệu toàn cầu trong nhiều ngành công nghiệp khác nhau, như Pfizer, Hyundai, GlobalFoundries và Maersk, đã mở các cơ sở mới tại Singapore. Điều đó sẽ giúp Singapore tạo thêm được nhiều việc làm, đồng thời nâng cao trình độ của người lao động. Chính phủ Singapore đang nỗ lực giúp người lao động tiếp thu các kỹ năng mới hoặc trau dồi các kỹ năng hiện có thông qua sáng kiến SkillsFuture. Chính phủ cũng hợp tác chặt chẽ với các tổ chức lao động và các nhà tuyển dụng để “trang bị lực lượng lao động” cho nền kinh tế tương lai. Đây chính là chống lãng phí cơ hội.
Trước những lo ngại đang diễn ra về nhu cầu nhà ở và khả năng mua/thuê nhà ở, Chính phủ Singapore đã áp dụng các biện pháp hạ nhiệt bổ sung và tăng nguồn cung căn hộ HDB mới, giúp ổn định thị trường bất động sản. Vào tháng 10 vừa qua, lô căn hộ đầu tiên theo khuôn khổ Standard, Plus or Prime mới của HDB đã được ra mắt. Một trong những quy định mới là người mua nhận được trợ cấp lớn hơn sẽ phải trả lại số tiền này cho HDB khi các căn hộ được bán lại sau này. Thời gian sở hữu nhà tối thiểu trước khi bán cũng được tăng từ 5 năm lên 10 năm, đối tượng mua nhà cũng được thắt chặt.
Chính phủ cho rằng những đổi mới trong chính sách nhà ở phản ánh cam kết của Singapore luôn là một quốc gia của những người sở hữu nhà. Chính phủ quyết tâm duy trì nhà ở công cộng tại Singapore dễ tiếp cận, giá cả phải chăng và công bằng cho tất cả mọi người. Chống đầu cơ bất động sản cũng là cách để chống lãng phí.
Để hỗ trợ tầm nhìn dài hạn của đất nước đối với nền kinh tế, nhà chức trách Singapore nhận định phải tiếp tục có tầm nhìn dài hạn về quy hoạch đất đai và quản lý cẩn thận quỹ đất và không gian hạn chế của mình để tối đa hóa các cơ hội tăng trưởng kinh tế bền vững, đồng thời đáp ứng các mục đích sử dụng khác để tạo ra môi trường sống chất lượng cho người dân Singapore. Chính quyền cũng đang xem xét việc tinh chỉnh các chính sách và kế hoạch để tích hợp nhiều mục đích sử dụng hơn, chẳng hạn như không gian dân cư và giải trí trong các khu phát triển công nghiệp và thương mại, nhằm tạo ra nhiều khu vực sử dụng hỗn hợp hơn. Đây là điểm nhấn lâu nay của Singapore khi các khu phức hợp thường có nhiều công năng sử dụng, trong bối cảnh Singapore là một trung tâm tổ chức các sự kiện quốc tế.
Như Thủ tướng Lawrence Wong nhấn mạnh, Singapore không còn xây dựng một quốc gia từ con số 0 nữa, nhưng không thể cứ thế mà đi và chỉ dựa vào những công thức hiện có. Sáng tạo, đổi mới là cần thiết và điều kiện đủ là luôn đảm bảo một nền tảng quan trọng nhất, đó là chống lãng phí, ở mọi lĩnh vực./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/singapore-chong-lang-phi-tu-goc/353767.html