Singapore giành lại vị trí đầu bảng nền kinh tế cạnh tranh thế giới
Theo Bảng xếp hạng mức độ cạnh tranh kinh tế của Viện Phát triển Quản lý Quốc tế (IMD) công bố vào ngày 18/6, Singapore đã lấy lại vị trí dẫn đầu là nền kinh tế cạnh tranh nhất thế giới năm 2024, tăng từ thứ tư cách đây một năm.
Singapore đã giành lại vị trí thứ nhất trong Bảng xếp hạng mức độ cạnh tranh kinh tế, vượt qua các nền kinh tế khác như Thụy Sĩ và Đan Mạch.
Kết quả được IMD công bố dựa vào số liệu đánh giá 67 nền kinh tế toàn cầu trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 5/2024.
Singapore xếp hạng cao về thị trường lao động và cơ sở hạ tầng công nghệ, tuy nhiên lại kém cạnh tranh hơn về giá cả, y tế, môi trường, và khuôn khổ an sinh xã hội.
Quốc gia này đã chứng kiến sự cải thiện về hiệu quả hoạt động chính phủ, môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, "đảo quốc sư tử" còn ghi nhận sự cải thiện trong các tiêu chí như sức hút của khu vực tư nhân đối với nhân lực chất lượng cao, mức độ năng động của lực lượng lao động, cũng như hiệu quả của khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME).
Tuy nhiên, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế bình quân đầu người giảm, tổng nợ chính phủ giảm 4 bậc, tổng chi tiêu y tế và hệ số GINI của Singapore (đo lường bất bình đẳng kinh tế) có xu hướng giảm nhẹ.
Ngoài ra, vị thế của Singapore trên sàn chứng khoán toàn cầu đã giảm đáng kể từ vị trí thứ 28 xuống thứ 46. Kim ngạch xuất khẩu công nghệ cao chiếm tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa cao nhất của Singapore, đã giảm từ thứ hạng 3 xuống 13.
Quan sát của IMD cho thấy 10 nền kinh tế hàng đầu thế giới thuộc quy mô nhỏ nhưng có mức độ cạnh tranh cao - nhận định này phản ánh quy mô không tương quan với khả năng cạnh tranh kinh tế.
Trong nhóm 10 nền kinh tế hàng đầu, Hong Kong (Trung Quốc) tăng hai bậc, lên vị trí thứ năm, Thụy Điển cũng vươn lên vị trí thứ sáu. Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất tăng ba bậc, đứng thứ bảy. Đài Loan (Trung Quốc) giảm hai bậc, xuống vị trí thứ tám, trong khi Hà Lan xuống thứ chín. Na Uy leo bốn bậc trở lại top 10.
Trong khi đó, các thị trường mới nổi đang thu hẹp khoảng cách ở những lĩnh vực như số hóa và chuyển đổi số. IMD nhận thấy các nước láng giềng của Singapore như Malaysia và Thái Lan cũng đang ổn định và ghi nhận xu hướng cải thiện.
Trong số tất cả các yếu tố có tác động lớn đến hoạt động kinh doanh vào năm 2024, những người được khảo sát nhận định ba xu hướng hàng đầu là ứng dụng và phát triển của trí tuệ nhân tạo AI (55,1%), rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu (52%) và các cuộc xung đột địa chính trị (36,1%).
Báo cáo nhận thấy nhiều người lo ngại về tính hữu dụng của AI, nhất là trong việc ứng dụng công nghệ mới này vào môi trường thực tiễn. Một trong những thách thức then chốt đối với các công ty ngày nay là làm thế nào để triển khai các hệ thống AI cải thiện hiệu suất mà không gây gián đoạn cho hoạt động kinh doanh.
Một thách thức khác là đảm bảo độ chính xác của hệ thống AI mà họ chọn, vì các hệ thống không phù hợp dẫn đến hiệu quả thấp và năng suất giảm.
Báo cáo cho biết thêm, trong khi 27% giám đốc điều hành được khảo sát cho rằng quá trình chuyển đổi sang phát thải ròng bằng 0 là một xu hướng quan trọng trong tương lai gần, thì chỉ có 12,2% người nhấn mạnh tác hại của sự nóng lên toàn cầu.
"Chúng tôi tin rằng các nền kinh tế cạnh tranh nhất trong tương lai sẽ là những nền kinh tế có khả năng dự đoán và thích ứng nhanh với bối cảnh toàn cầu. Những nền kinh tế này sẽ không ngừng tạo ra thay đổi, đồng thời đem lại giá trị và những phúc lợi tốt cho người dân. Đây là yếu tố quan trọng đóng góp vào một nền kinh tế bền vững," ông Arturo Bris, Giám đốc IMD, cho biết.
Trong tương lai, nền kinh tế của thế giới sẽ cần đáp ứng theo xu hướng kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh. Báo cáo khuyến nghị các quốc gia nên theo dõi những thị trường mới nổi và sự phát triển của xu hướng mới trong quá trình toàn cầu chuyển đổi số.