Singapore, Malaysia, Indonesia 'bơm' tiền mặt giúp dân vượt 'bão' lạm phát

Theo giới phân tích, việc tung ra các gói hỗ trợ mới vào lúc này sẽ gây ra rủi ro cho tình hình tài chính quốc gia của các nước khi mà họ vốn đã chịu áp lực sau thời gian ứng phó với đại dịch Covid-19...

Giá cả thực phẩm tại nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Singapore, đang tăng cao - Ảnh: Nikkei Asia

Chính phủ một số nước châu Á như Singapore, Malaysia và Indonesia đã bắt đầu triển khai các gói cứu trợ kinh tế mới nhằm giúp người dân trụ vững trong thời kỳ kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, khác với thời kỳ Covid-19, mục tiêu lần này là nhằm giảm tác động của lạm phát tới cuộc sống của người dân.

"BƠM" TIỀN XOA DỊU NGƯỜI DÂN

Theo Nikkei Asia, trên khắp châu Á, người dân đang phải vật lộn trang trải cuộc sống hàng ngày trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine cũng như gián đoạn chuỗi cung ứng đã khiến giá cả nhiều mặt hàng tăng cao. Tại những quốc gia đang chuẩn bị tổ chức bầu cử trong vòng 18 tháng tới, giới chức đang có động thái phân bổ tiền mặt để xoa dịu cử tri.

Singapore đã công bố một gói kích thích trị giá 1,5 tỷ Đôla Singapore (tương đương 1,07 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ. Những cá nhân có thu nhập năm dưới 34.000 Đôla Singapore sẽ được hỗ trợ tối đa 300 Đôla Singapore vào tháng 8 tới. Tài xế taxi và người giao hàng đang gặp khó khăn với giá nhiên liệu cao sẽ nhận được khoản hỗ trợ từ 150-300 Đôla Singapore.

Ngoài ra, tất cả các hộ gia đình sẽ nhận được một khoản tín dụng tiện ích trị giá 100 Đôla Singapore. Chính phủ cũng sẽ trợ cấp tài chính cho các nhà sản xuất và bán lẻ thực phẩm vừa và nhỏ đang sử dụng thiết bị tiết kiệm nhiên liệu.

Còn tại Malaysia, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho biết các hộ gia đình thuộc nhóm 40% có thu nhập thấp nhất sẽ nhận được khoản hỗ trợ 100 Ringgit (tương đương 22,65 USD). Các cá nhân nằm trong nhóm thu nhập tương tự cũng nhận được 50 Ringgit. Tổng số tiền hỗ trợ của Chính phủ Malaysia là 630 triệu Ringgit với khoảng 8,6 triệu người được thụ hưởng. Chính phủ Malaysia cũng đã ngừng tăng phí điện và nước vào ngày 24/6.

Các biện pháp hỗ trợ trong chương trình mới này thiên về hỗ trợ các nhóm người thu nhập thấp và dễ bị tổn tương tại Singapore, bởi vì họ là những người đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi lạm phát.

ÔNG LAWRENCE WONG, BỘ TRƯỞNG TÀI CHÍNH, PHÓ THỦ TƯỚNG SINGAPORE

Cũng ở Đông Nam Á, Chính phủ Thái Lan đã gia hạn thêm 3 tháng cho các biện pháp hỗ trợ hiện tại, theo đó sẽ kéo dài tới tháng 9. Một trong các biện pháp hỗ trợ là trợ giá khí đốt cho người thu nhập thấp.

Ở Indonesia, các khoản thanh toán bằng tiền mặt đang được chuyển đến khoảng 20 triệu hộ gia đình và 2,5 triệu người bán đồ ăn đường phố để ứng phó với tình trạng giá dầu ăn tăng cao.

Những biện pháp này được thực hiện trong bối cảnh lạm phát ở châu Á đang ở mức cao kỷ lục. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của Thái Lan tăng 7,66% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất 14 năm. Trong khi đó, CPI tháng 5 của Singapore tăng 5,6% - mức tăng mạnh nhất trong hơn 10 năm.

“Các biện pháp hỗ trợ trong chương trình mới này thiên về hỗ trợ các nhóm người thu nhập thấp và dễ bị tổn tương tại Singapore, bởi vì họ là những người đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi lạm phát”, Bộ trưởng Bộ Tài chính kiêm Phó Thủ tướng Singapore, ông Lawrence Wong, cho biết khi thông báo về gói hỗ trợ vào tháng trước.

ÁP LỰC LỚN TỚI TÀI CHÍNH QUỐC GIA

Tại một số quốc gia như Thái Lan, Malaysia, quyết định hỗ trợ lúc này cũng mang yếu tố chính trị. Cả hai nước này đều tổ chức bầu cử vào cuối năm 2023.

Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri tháng trước cho biết trần giá thịt gà hết hạn vào tháng 7 sẽ được giữ nguyên nhằm "bảo vệ lợi ích" của người dân Malaysia.

Ở Singapore, ông Wong đã được chọn trở thành người kế nhiệm Thủ tướng đương nhiệm Lý Hiển Long. Do đó, ông Wong sẽ là người chỉ đạo các biện pháp hỗ trợ thời gian tới.

“Nếu tình hình xấu đi đáng kể, chúng tôi sẽ sẵn sàng làm nhiều việc hơn, đặc biệt là đưa ra hỗ trợ có mục tiêu đối với các nhóm người thu nhập thấp”, ông Wong phát biểu trước các nhà là luật Singapore đầu tuần này.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc tung ra các gói hỗ trợ mới vào lúc này sẽ gây ra rủi ro cho tình hình tài chính quốc gia của các nước khi mà họ vốn đã chịu áp lực sau thời gian ứng phó với đại dịch Covid-19.

Năm ngoái, Thái Lan đã nâng trần nợ công từ mức 60 lên 70% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cùng năm, Malaysia cũng nâng trần nợ công từ 60 lên 65% GDP.

Đồng Baht Thái đã sụt giá xuống mức thấp nhất trong 5,5 năm so với đồng USD. Mối lo về trì trệ kinh tế do lạm phát cũng như các điều kiện tài khóa xấu đi có thể khiến đồng tiền này giảm giá thêm nữa và đẩy nhanh dòng vốn chảy ra khỏi Thái Lan.

Để có nguồn tiền thực hiện gói hỗ trợ kinh tế mới, Singapore dự định dùng doanh thu từ thuế giá trị gia tăng với kế hoạch tăng thuế trong năm 2023 và 2024, bất chấp áp lực lạm phát.

Về phía người dân, những người ít có khả năng vượt qua những khó khăn hiện tại càng trở nên thiếu kiên nhẫn, đặc biệt trong bối cảnh xung đột kéo dài giữa Nga và Ukraine có thể dẫn đến giá thực phẩm và năng lượng cao trong thời gian dài,.

“Chỉ một khoản thanh toán bằng tiền mặt sẽ không giúp tôi giải quyết các khó khăn của mình”, một công nhân dọn vệ sinh ở Singapore, nhận xét về gói hỗ trợ mới của Chính phủ.

Hoài Thu -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/singapore-malaysia-indonesia-bom-tien-mat-giup-dan-vuot-bao-lam-phat.htm