Singapore muốn đầu tư vào nhiều lĩnh vực mới tại Việt Nam
Có nhiều tiềm năng để mở rộng và củng cố quan hệ kinh tế, Singapore - Việt Nam có thể cùng nhau hợp tác nhiều hơn trong những lĩnh vực công nghệ và đổi mới, kết nối hàng không và hàng hải, lương thực và nông nghiệp, thương mại và đầu tư.
Dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế khu vực
Việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 là dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế khu vực. Mục đích của AEC là tạo ra một thị trường và địa điểm sản xuất chung ASEAN; tạo ra sự tự do hóa, sự di chuyển hàng hóa, đầu tư, lao động và các dòng vốn.
ASEAN đã bước vào Kế hoạch Tổng thể xây dựng AEC 2025, với hoài bão cao hơn về hội nhập, tập trung vào các vấn đề đang nổi và liên quan đến kinh tế số, như thương mại điện tử, đổi mới sáng tạo, thay đổi công nghệ và tác động của nó đối với các chuỗi giá trị toàn cầu và các mô hình kinh doanh.
Trong khi ASEAN đã đạt được những bước tiến quan trọng về hội nhập khu vực, thì trước mắt vẫn còn nhiều việc phải làm. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khu vực đang chịu tác động tiêu cực của xu hướng toàn cầu ngày càng tăng về chủ nghĩa bảo hộ và đột phá trong di chuyển lao động.
ASEAN đã đương đầu thành công với các tác động tiêu cực này. Chẳng hạn, ASEAN đã tiếp tục đạt được tiến bộ về đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do, gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đã cam kết kết thúc đàm phán RCEP trong năm nay - một cam kết hết sức đặc biệt đi ngược lại những quan điểm chống lại toàn cầu hóa và cách tư duy người này được thì người kia mất. RCEP sẽ chiếm 1/3 sản lượng kinh tế của thế giới và thể hiện sự đi đầu của ASEAN trong việc ủng hộ hệ thống thương mại toàn cầu và đa phương.
Quan hệ kinh tế giữa Singapore và Việt Nam đã hưởng lợi từ hội nhập kinh tế khu vực và từ sự giảm dần các rào cản thương mại. Năm 2018, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam, cũng là nhà đầu tư ASEAN lớn nhất của Việt Nam, với hơn 2.200 dự án đầu tư tại các khu vực địa lý và lĩnh vực, bao gồm dịch vụ, chế biến, chế tạo và bất động sản, với tổng vốn đăng ký khoảng 49 tỷ USD.
Kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua, với 20,9 tỷ đô la Singapore (tương đương khoảng 15,2 tỷ USD) vào năm 2018. Bảy khu công nghiệp Việt Nam - Singapore tại Việt Nam đã trở thành biểu tượng của hợp tác song phương hai nước, thu hút hơn 12 tỷ USD đầu tư và tạo ra hơn 240.000 việc làm.
Các công ty của Singapore mong muốn mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực mới, ngoài các lĩnh vực đầu tư truyền thống. Nhân chuyến thăm Singapore của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào năm ngoái, Singapore và Việt Nam đã ký 6 bản ghi nhớ nhằm đẩy mạnh hợp tác về quản lý nước và chất thải, tiêu chuẩn thương mại, công nghệ tài chính (fintech), phát triển khí hóa lỏng, giám sát ngân hàng và năng lượng tái tạo.
Các lĩnh vực mới trong hợp tác kinh tế song phương
Singapore - Việt Nam có thể cùng nhau hợp tác nhiều hơn trong những lĩnh vực công nghệ và đổi mới, kết nối hàng không và hàng hải, lương thực và nông nghiệp, thương mại và đầu tư. Xin nhấn mạnh 3 lĩnh vực mới đầy hứa hẹn.
Lĩnh vực thứ nhất là đổi mới và khởi nghiệp. Việt Nam có nhiều thanh niên có trí sáng tạo. Năm nay, Việt Nam đứng ở vị trí 42 trong Chỉ số Sáng tạo Toàn cầu, tăng 17 bậc từ năm 2016. Điều này đã tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp thu hút làn sóng quan tâm từ các nhà đầu tư. Singapore mong muốn đầu tư vào tiềm năng sáng tạo của Việt Nam. Tháng trước, chúng tôi đã ra mắt Liên minh Sáng tạo Toàn cầu (GIA) tại TP.HCM, tạo điều kiện cho việc tương tác gần gũi hơn nữa giữa hai hệ thống đổi mới và khởi nghiệp tại Singapore, Việt Nam.
GIA cho phép chúng ta làm việc cùng nhau nhằm nuôi dưỡng văn hóa sáng tạo và doanh nhân hai nước. Hệ sinh thái khởi nghiệp fintech của Việt Nam cũng đã tăng trưởng mạnh mẽ, với khoảng 120 công ty và thương hiệu, hoạt động trong các lĩnh vực thanh toán số, tài chính thay thế, quản lý tài sản và blockchain. Các công ty Singapore muốn phát triển các dịch vụ điện tử và các giải pháp thanh toán điện tử tại Việt Nam nhằm phát triển hệ sinh thái tài chính của Việt Nam.
Lĩnh vực hợp tác đầy hứa hẹn thứ hai là thành phố thông minh. Mạng lưới Các thành phố thông minh ASEAN được thành lập năm ngoái khi Singapore giữ chức Chủ tịch ASEAN. Mạng lưới này đã mang lại nhiều cơ hội cho Singapore chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng quốc gia thông minh với Việt Nam, đặc biệt là với các thành phố thí điểm trong khuôn khổ mạng lưới này, gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM.
Các doanh nghiệp Singapore háo hức tìm kiếm các cơ hội để đóng góp vào việc xây dựng các thành phố thông minh của Việt Nam, từ các giải pháp đô thị đến chính phủ điện tử, nhằm phát triển các dịch vụ công, đảm bảo tính tiện lợi và chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.
Lĩnh vực thứ ba là các giải pháp đô thị. Việt Nam đang đô thị hóa rất nhanh, với 819 thành phố lớn nhỏ và theo số liệu năm 2018, 38% dân số Việt Nam sống tại các khu đô thị. Điều này mang lại nhiều cơ hội trong ba khía cạnh chính.
Thứ nhất là các giải pháp đô thị, bao gồm quy hoạch tổng thể, quản lý giao thông, quản lý nước và chất thải. Các doanh nghiệp Singapore với kinh nghiệm trong các lĩnh vực này có thể nội địa hóa các giải pháp để đáp ứng các nhu cầu. Đầu năm nay, Công ty Sakae Corporate Advisory cùng với Công ty Surbana Jurong đã tham gia làm tư vấn cho quy hoạch tổng thể TP. Đà Nẵng và những công trình hạ tầng, đô thị liên quan.
Thứ hai là phát triển kết cấu hạ tầng. Năm ngoái, Singapore đã thành lập một cơ quan chính phủ mới là Infrastructure Asia (IA), với mục đích hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, xã hội của châu Á thông qua phát triển kết cấu hạ tầng bằng cách phát huy sức mạnh của các doanh nghiệp nhà nước tư nhân Singapore, gồm các công ty xây dựng, mua sắm và xây lắp, các doanh nghiệp dịch vụ chuyên nghiệp và các định chế tài chính. IA mong muốn được hợp tác với Việt Nam giúp đáp ứng các nhu cầu về hạ tầng.
Thứ ba, trong bối cảnh Việt Nam đang phát triển, nhu cầu về năng lượng sạch ngày càng tăng. Các công ty Singapore có thể hợp tác với Việt Nam nhằm tạo ra những nguồn năng lượng mới như khí hóa lỏng và năng lượng tái tạo.
Singapore sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển kinh tế và bước vào giai đoạn tăng trưởng mới. Hội nhập kinh tế khu vực sẽ tạo điều kiện cho chúng ta theo đuổi những lĩnh vực hợp tác kinh tế song phương mới.
Singapore mong muốn hỗ trợ việc Việt Nam đảm nhận cương vị là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam trong hội nhập kinh tế khu vực.
Cộng đồng doanh nghiệp hai nước thắt chặt hợp tác
Tháng 7 vừa qua, Enterprise Singapore và Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore đã dẫn đoàn doanh nghiệp lớn nhất trong những năm gần đây sang Việt Nam để tìm kiếm các cơ hội. Chuyến thăm này cũng đánh dấu việc ra mắt Hội đồng Doanh nghiệp Singapore - Việt Nam. Đây là diễn đàn cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước thắt chặt hợp tác hơn nữa.
Hướng tới tương lai, các nỗ lực hội nhập khu vực được duy trì sẽ giúp xóa bỏ dần các rào cản như ngôn ngữ và văn hóa, khuyến khích nhân dân hai nước tìm kiếm cơ hội sống, làm việc và kinh doanh trên lãnh thổ hai quốc gia.