Singapore ngày Malaysia đóng cửa biên giới

Số lượng người bị nhiễm virus corona mới cứ ngày càng tăng cho dù Singapore nổi tiếng là có cách thức kiểm soát bệnh dịch khắt khe nhất thế giới

Sáng 17-3, một góc văn phòng công ty tôi làm việc bỗng ồn ào tiếng nói cười và chào nhau. Bạn nhân viên nghiên cứu thị trường người Malaysia quyết định quay về nước sau quyết định đóng cửa biên giới của chính phủ Malaysia.

Ai cũng sờ sợ

Cũng sau ngày này, tôi cùng các đồng nghiệp bắt đầu làm việc từ xa (work from home) mà chính xác là ở nhà, vì dịch Covid-19.

Giống như nhiều công ty có văn phòng ở quốc đảo này, nhân viên đã được tập huấn, thử nghiệm và tiến hành làm việc tại nhà để tránh tiếp xúc nơi công cộng, giảm thiểu khả năng lây nhiễm virus corona. Tóm lại, ai cũng sờ sợ Covid-19 nhưng chẳng ai nói ra.

Nhiều ngày qua, số lượng người bị nhiễm virus corona mới cứ ngày càng tăng cho dù Singapore nổi tiếng là có cách thức kiểm soát bệnh dịch khắt khe nhất thế giới. Tính đến ngày 17-3, Singapore có đến 266 ca nhiễm, với 23 ca nhiễm mới, trong số đó có 17 ca nhiễm từ bên ngoài quốc đảo.

Phần lớn lương thực, thực phẩm bán ở các chợ tại Singapore là nhập khẩu từ Malaysia... Ảnh: Tri Anh

Phần lớn lương thực, thực phẩm bán ở các chợ tại Singapore là nhập khẩu từ Malaysia... Ảnh: Tri Anh

...Trong ảnh là chợ Tekka

...Trong ảnh là chợ Tekka

Tất cả các cổng vào tòa nhà, bệnh viện... đều đặt camera tầm nhiệt. Khách đến buộc phải điền vào các bảng câu hỏi để lọc ra những ai có nguy cơ lây nhiễm. Nhân viên công ty thì đo nhiệt độ 1-2 lần/ngày. Chuyện đi công tác nước ngoài, đặc biệt là các vùng có nhiễm dịch bệnh Covid-19, là tuyệt nhiên cấm, phải thực sự khẩn cấp và buộc phải có sự phê duyệt của lãnh đạo cao cấp mới được đi.

Nhiều bạn tôi ở các công ty công nghệ đang đi công tác ra khỏi Singapore còn được yêu cầu quay về Singapore trong thời gian sớm nhất.

Nâng mức cảnh báo

Nhưng có lẽ sốc nhất là việc chính phủ Malaysia ban lệnh phong tỏa toàn quốc và đóng cửa biên giới chính thức có hiệu lực tại Malaysia từ ngày 18-3.

Quyết định này với một quốc đảo nhỏ bé không có nền sản xuất nông nghiệp như Singapore đến cả nước ngọt cũng phải mua từ Malaysia thì quả là chấn động. Hồi đầu tháng 2, khi Singapore nâng mức cảnh báo từ vàng lên cam đối với dịch Covid-19, ngay lập tức xảy ra hiện tượng người dân đổ xô vào siêu thị thu gom hàng hóa. Các siêu thị ở Singapore nhiều ngày liền kệ hàng trống trơn, đến giấy vệ sinh cũng bị thu gom sạch. Giờ đây, đóng cửa biên giới với Malaysia, trong suy nghĩ của nhiều người dân Singapore, con đường bộ vận chuyển hàng hóa, lương thực nhanh nhất sẽ bị đóng lại.

Ngay buổi sáng hôm sau quyết định này, như bình thường cô giúp việc nhà tôi đi mua trứng ở chợ nhưng điều ngạc nhiên khi quay về cô bảo đã phải đứng xếp hàng chờ tới lượt mua, một việc mà 4 năm ở Singapore tôi chưa từng nghe hay chứng kiến. Bình thường với việc mua trứng ở chợ, chúng tôi chỉ cần lựa rồi đưa cho người bán đóng gói trả tiền và mang về.

Tin nhắn của chính phủ Singapore động viên người dân

Tin nhắn của chính phủ Singapore động viên người dân

Sáng đó, Soe Soe, cô giúp việc người Myanmar, đi mãi mới quay về mà chỉ mua được một nửa số trứng dự định vì người mua bỗng đông lên và gom hàng ngay từ 8 giờ sáng. Nhiều bạn bè tôi nhắn tin chia sẻ ngay đầu giờ sáng, giờ đi làm nhưng các siêu thị vẫn có nhiều hàng dài người xếp hàng tính tiền sau khi mua hàng. Người dân lại đi gom hàng hóa và lương thực rồi.

Cũng trong buổi sáng hôm đó, chính phủ Singapore thông qua ứng dụng WhatsApp đã lập tức trấn an dân chúng rằng thời gian qua, đặc biệt từ sau hiện tượng người dân đổ xô đi mua hàng, vét sạch siêu thị khi chính phủ nâng mức cảnh báo lên màu cam. Tin nhắn cho biết chính phủ đã tích cực làm việc với các công ty và siêu thị để tăng lượng thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu.

Đa dạng nguồn cung cấp hàng hóa thiết yếu từ nhiều quốc gia khác chứ không chỉ Malaysia, đồng thời có thể tăng tốc nhập hàng nhanh chóng và dễ dàng. Gạo và mì đã dự trữ đủ 3 tháng. Rau và thịt kể cả tươi, đông lạnh và đóng hộp dự trữ đủ 2 tháng. Trứng ngoài khả năng sản xuất trong nước và nhiều nguồn nhập bên cạnh nguồn Malaysia.

Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhanh chóng lên mạng xã hội, chia sẻ rằng ông đã thảo luận với người đồng cấp Malaysia nhiều biện pháp hợp tác trong tình thế đặc biệt này và khẳng định hàng hóa qua lại với Malaysia sẽ không bị ảnh hưởng. Ông cũng không quên nhắc người dân Singapore bình tĩnh: "Hãy mua những gì mình cần, đừng tích trữ, hàng hóa đủ cho nhu cầu của quốc đảo".

Chợ đã được tăng cường nhiều thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu

Chợ đã được tăng cường nhiều thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu

Không ít khó khăn

Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Singapore tính toán trung bình mỗi ngày có khoảng 450.000 người Malaysia (so với tổng số 5,7 triệu người đang sinh sống ở Singapore) qua Singapore làm việc đến tối lại quay về nhà ở Malaysia. Quyết định Malaysia tạo không ít khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và chính phủ Singapore.

Nhiều công ty tại Singapore thừa nhận họ phụ thuộc rất nhiều lực lượng lao động người Malaysia, trong khi kinh tế đang suy giảm, lực lượng lao động lại tụt giảm khiến họ càng khó khăn. Anthony Lim, một chủ doanh nghiệp tẩy rửa - dọn dẹp vệ sinh, nhớ lại chỉ trong vòng mười mấy giờ mà ông xoay như chong chóng để tìm chỗ thuê nhà, đồ dùng cá nhân, thực phẩm và đồ nấu nướng... cho các lao động Malaysia vốn chỉ sáng đến làm việc, chiều về lại Malaysia.

Một mặt khác, năn nỉ họ ở lại đừng về để bảo đảm việc làm, chỗ ở, tăng thêm phụ cấp... Nhưng nhà tìm cũng khó và càng khó hơn là thuyết phục các lao động Malaysia bỏ người thân ở lại quê nhà để cùng chủ làm việc trong mấy tuần tới.

Ngay lập tức, chính phủ Singapore cho biết Bộ Lao động sẽ hỗ trợ các công ty Singaproe đang bị ảnh hưởng bởi sự thiếu hụt lao động Malaysia bằng cách tài trợ mỗi người Malaysia ở các công ty số tiền 50 SGD (khoảng hơn 800.000 VNĐ) trong vòng 14 ngày. Tuy nhiên, lực lượng lao động ở lại cũng không đáng kể.

Lương thực đã bán đầy đủ như ngày thường ở chợ Pek Kio...

Lương thực đã bán đầy đủ như ngày thường ở chợ Pek Kio...

...và chợ Tekka

...và chợ Tekka

Trong vòng 18 tiếng đồng hồ trước khi đóng cửa biên giới với Malaysia, Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh Singapore chỉ có khoảng 10.000 người Malaysia đã quyết định quay lại Singapore sống và làm việc chờ Malaysia mở cửa biên giới.

"Nhưng tôi tin việc đóng cửa biên giới Malaysia là tốt" - ông bạn Benjamin Lim, một người Malaysia sống tại Singapore hơn 10 năm qua, cho biết.

"Tôi có niềm tin vào chính phủ 2 nước. Điều quan trọng nhất là việc này giúp kiềm chế và kiểm soát được Covid 19" - Benjamin Lim tự tin.

Dấu hiệu suy giảm kinh tế rõ hơn

Nhiều dấu hiệu suy giảm kinh tế Singapore đã xuất hiện rõ ràng hơn. Hãng hàng không Jetstar Asia đã thông báo ngưng toàn bộ các chuyến bay trong vòng 3 tuần kể từ ngày 25-3. Tổng cục Du lịch Singapore cho biết du khách tàu biển đến Singapore giảm 52% so với cùng kỳ năm ngoái. Cơ quan này dự kiến lượng khách quốc tế đến Singapore trong năm 2020 sẽ giảm 25%-30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhiều dự báo kinh tế Singapore năm 2020 cũng đã bị điều chỉnh giảm. Ngân hàng DBS và Maybank đã cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Singapore năm 2020 của họ xuống còn 0,9% và 1,1%.

Bài và ảnh: Tri Anh (từ Singapore)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/singapore-ngay-malaysia-dong-cua-bien-gioi-20200318213050088.htm