Singapore, Nhật Bản trở thành tâm dịch mới
Từng là hình mẫu trong khống chế COVID-19, Singapore nay đang có số ca bệnh tăng nhanh chóng trong làn sóng dịch bệnh thứ hai. Tình hình Nhật Bản cũng nghiêm trọng lên, trong khi các tâm dịch của châu Âu đã có những dấu hiệu dịu bớt.
Singapore hôm qua ghi nhận 1.426 ca mắc mới trong ngày, nâng tổng số người bệnh ở nước này lên 8.014. Đa số ca mắc mới ở nước này là người sống trong các ký túc xá dành cho lao động nước ngoài. Chỉ có 16 ca mắc mới là người Singapore hoặc người có thẻ cư trú lâu dài, Bộ Y tế Singapore cho biết.
18 ký túc xá của lao động nước ngoài đã bị cách ly, trong lúc số ca mắc ở những ổ dịch đó tiếp tục gia tăng. Đến nay, ký túc xá S11 Punggol là ổ dịch lớn nhất, với 1.508 ca bệnh. Ổ dịch lớn thứ hai là ký túc xá Sungei Tengah Lodge, với 521 ca bệnh, CNA đưa tin.
Đến đầu tháng 3, Singapore vẫn được thế giới nhìn vào như một bài học thành công trong ngăn chặn COVID-19. Sự quyết liệt tầm soát những người tiếp xúc với bệnh nhân, quy trình cách ly nghiêm ngặt và hạn chế đi lại là những yếu tố khiến Singapore nhận được nhiều khen ngợi. Nước này cũng đạt tỷ lệ xét nghiệm ở mức cao của thế giới. Số ca mắc đến đầu tháng 3 chỉ dừng lại ở hơn 100. Nhưng tình hình thay đổi chóng mặt từ hôm 1/4. Singapore đã trở thành nước có dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất ở Đông Nam Á, vượt qua Indonesia và Philippines.
Tại Nhật Bản, các chuyên gia y tế cảnh báo cần làm nhiều hơn nữa để ngăn nguy cơ virus corona gây quá tải hệ thống y tế, khi số ca mắc đã vượt 10.000, dù chính quyền đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước.
Dịch COVID-19 ở Nhật Bản chưa nghiêm trọng như nhiều nước châu Âu, nhưng số ca mắc đã lên đến mức cao nhất ở châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ, ngang hàng với Hàn Quốc.
Nhật Bản đã có 171 người chết và 10.751 ca mắc. Thủ tướng Abe Shinzo thúc giục người dân giảm tiếp xúc với người khác và lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng đã giảm đáng kể. Nhưng các biện pháp của chính quyền không ngăn người dân ra ngoài, khi nhiều cửa hàng và nhà hàng vẫn mở cửa.
“Hệ thống đang bên bờ vực sụp đổ ở nhiều nơi của Nhật Bản”, ông Kentaro Iwata, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Kobe, nói, theo AP. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 20/4, ông Iwata nói rằng cách làm của Nhật Bản là xét nghiệm hạn chế và tầm soát những người tiếp xúc đã có tác dụng trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, khi số ca mắc còn ít. Nhưng ông cho rằng Nhật Bản đã thất bại khi không điều chỉnh cách làm khi số ca mắc tăng mạnh.
Châu Âu thận trọng
Các tâm dịch châu Âu đã có những dấu hiệu đầu tiên cho thấy tình hình dịu bớt. Ý, Tây Ban Nha và Pháp, những nước bị COVID-19 tấn công nghiêm trọng nhất châu lục, hôm qua ghi nhận số ca tử vong ít nhất trong nhiều tuần.
Ý báo cáo số người chết thấp nhất trong tuần, với 433 trường hợp. Số tử vong ở Pháp tăng với tốc độ thấp nhất trong 3 tuần. Số liệu ở Đức và Anh cũng cho thấy các biện pháp giãn cách xã hội đã phát huy tác dụng.
Trong khi Đức đã cho phép mở cửa đất nước trở lại, Tây Ban Nha quyết định kéo dài phong tỏa đến hết tháng 4. Ý cũng không định nới lỏng phong tỏa trước ngày 4/5.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe khẳng định Pháp sẽ không trở lại bình thường trong một thời gian dài nữa vì chưa có vắc-xin hay thuốc chữa COVID-19, dù nước này đã qua đỉnh dịch. Lệnh dừng tất cả hoạt động không thiết yếu được áp dụng đến ngày 11/5.
Tại Mỹ, biểu tình nổ ra ở nhiều bang để phản đối lệnh yêu cầu người dân ở nhà. Các thống đốc phản bác khẳng định của Tổng thống Donald Trump rằng đã có đủ xét nghiệm virus corona mới và các bang nên nhanh chóng mở cửa kinh tế trở lại.
Dù số liệu cho thấy các nước có dịch nghiêm trọng nhất ở châu Âu đã dịu bớt, các chính phủ vẫn thận trọng với việc nới lỏng hạn chế quá sớm và quá rộng để tránh làn sóng thứ hai bùng lên.