Singapore tham gia chương trình máy gia tốc electron của Australia
Dự án máy gia tốc electron Australia trị giá 100 triệu USD, được thực hiện dưới sự điều hành của các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu tại nước này, sẽ mở cửa tiếp nhận thêm các nhà nghiên cứu Singapore.
Thỏa thuận Máy gia tốc electron của Australia đã được ký kết vào đầu tuần này tại Canberra, Australia, trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo Singapore - Australia.
Với kích cỡ bằng một sân bóng đá và có thể cung cấp nguồn sáng lớn gấp một triệu lần Mặt trời, chiếc "máy X-quang" đắt tiền nhất của Australia sử dụng công nghệ "đường dẫn chùm sáng" để mở khóa nhiều bí ẩn ở quy mô phân tử và nguyên tử.
Nguồn sáng mạnh từ một máy gia tốc electron có thể được sử dụng để cho thấy những bí ẩn sâu xa nhất của virus corona gây dịch COVID-19, tế bào con người, những cổ vật, cây cối và kim loại có từ thời cổ đại.
Andrew Peele, người đứng đầu dự án máy gia tốc electron kể trên cho biết mối quan hệ mới với Đại học Quốc gia Singapore sẽ thúc đẩy sự hợp tác với các nhà khoa học hàng đầu thế giới của Australia.
Sử dụng cỗ máy mạnh mẽ này thay vì phải chờ sắp xếp chỗ trống để thực hiện nghiên cứu tại những cơ sở tương tự ở châu Âu hoặc Mỹ, các nhà khoa học hy vọng sẽ có thể dẫn đầu hoạt động nghiên cứu giải quyết các thách thức lớn trong lĩnh vực y học, công nghiệp và môi trường.
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Khoa học Australia Ed Husic cho biết: “Thỏa thuận này cho thấy thành tích đã được kiểm chứng của Australia trong việc vận hành máy gia tốc hạt ở Clayton, cũng như chương trình nghiên cứu máy gia tốc hạt của Australia đã được quốc tế ghi nhận.”
Các nhà khoa học từ Đại học Monash ở Melbourne hiện đang nghiên cứu những sinh vật phù du dưới đáy đại dương và cách chúng phản ứng lại với tình trạng biến đổi khí hậu.
Những người khác thì lại muốn cải thiện quá trình thụ tinh trong ống nghiệm bằng cách quan sát những gì xảy ra bên trong tế bào trứng.
Các nhà khoa học từ Tổ chức nghiên cứu khoa học & công nghiệp của Khối Thịnh vượng chung đã đăng ký được thực hiện thử nghiệm đầu tiên trong tháng, trên một đường dẫn chùm sáng mới, để xem khí ga dưới áp suất lớn sẽ thấm qua các lỗ rỗng trong than cốc và than đá như thế nào.
"Hoạt động nghiên cứu sẽ giống việc chụp cắt lớp CT hoặc CAT ở bệnh viện, nhưng mạnh hơn nhiều", nhà khoa học Andrew Stevenson của Australia cho biết. Theo ông, máy gia tốc electron có thể được sử dụng để tạo hình ảnh 3D có độ phân giải cao của các mẫu vật nhỏ, bao gồm xương, khoáng chất, sinh khối trong nhiên liệu sinh học hay các thành phần khác nhau được in 3D, hàng dệt may và hóa thạch.
Các nhà khoa học đã sử dụng công nghệ gia tốc electron ở nước ngoài để sản xuất thuốc, tạo ra máy tính màn hình phẳng và động cơ phản lực có tuổi thọ cao hơn.
Hiện một loạt đường dẫn chùm sáng đang được phát triển và tài trợ bởi chính phủ liên bang Australia và bang Victoria cùng đối tác nghiên cứu New Zealand. Với thỏa thuận mới, Singapore sẽ tham gia vào chương trình trong 5 năm tiếp theo.
Giám đốc Quỹ Nghiên cứu Quốc gia (Singapore) Jasbir Singh cho biết: “Các kỹ thuật gia tốc electron có tiềm năng to lớn trong việc nâng cao những hiểu biết thông thường trong nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau”./.