Singapore: Thắng lạm phát nhưng thua tăng trưởng

Singapore đã bước đầu kiềm chế thành công nguy cơ lạm phát với chính sách tỷ giá hối đoái tích cực nhưng có khả năng rơi vào suy thoái kỹ thuật trong quý thứ hai.

Tỷ lệ lạm phát của Singapore đã giảm đáng kể. Ảnh: Straits Times

Tỷ lệ lạm phát của Singapore đã giảm đáng kể. Ảnh: Straits Times

Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) cuối tuần qua vừa đưa ra một đánh giá kinh tế nghiêm túc trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng ngắn hạn trở nên chậm chạp, những thách thức lạm phát đang diễn ra; đồng thời dự đoán nền kinh tế đã rơi vào suy thoái kỹ thuật.

Đòn bẩy Trung Quốc không như kỳ vọng

Cơ quan tiền tệ của Singapore nhấn mạnh rằng mặc dù dự báo lạm phát toàn phần năm 2023 đã sáng sủa hơn rất nhiều, nhưng Singapore sẽ còn tiếp tục nỗ lực nếu muốn chiến thắng trong cuộc chiến chống lại xu hướng giá tiêu dùng tăng cao. Nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại của Singapore cũng đang phải đối mặt với những cơn gió ngược khi nhu cầu bên ngoài suy yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái.

Đầu năm nay, đã có những hy vọng nhất định rằng sự phục hồi kinh tế sau đại dịch của Trung Quốc sẽ giúp Singapore vượt qua mức dự báo tăng trưởng ảm đạm hiện tại là từ 0,5% đến 2,5%.

Nhưng kể kể từ đó, những hy vọng đã tan thành mây khói khi khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc mất đà. Ngày càng ít nhà kinh tế độc lập dự đoán Bắc Kinh có thể đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% vào năm 2023.

Các nhà kinh tế tin rằng hoạt động thương mại và công nghiệp chậm chạp, một phần do sự phục hồi chậm chạp của Trung Quốc, có khả năng kéo Singapore vào suy thoái kỹ thuật trong quý hai. Dự kiến, ước tính sơ bộ sẽ có vào cuối tháng này.

Triển vọng tăng trưởng yếu

Trong một đánh giá hàng năm được công bố vào ngày 5.7, MAS cho biết triển vọng tăng trưởng của Singapore sẽ vẫn yếu trong thời gian tới, với các động lực tăng trưởng chính như sản xuất và dịch vụ tài chính dự kiến sẽ “ở trong tình trạng ảm đạm” do nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ chậm lại vào nửa cuối năm 2023.

Trong các bình luận đi kèm với việc công bố báo cáo đánh giá, Giám đốc điều hành MAS Ravi Menon tuyên bố rằng tăng trưởng trong các lĩnh vực hướng tới thị trường trong nước dự kiến cũng sẽ giảm dần do nhu cầu của người tiêu dùng chậm lại, bắt nguồn từ chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Chính phủ trong khi mức lương chỉ tăng vừa phải.

Ông Menon cho biết tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 của Singapore dự kiến sẽ giảm trong phạm vi dự báo chính thức từ 0,5% đến 2,5%, giảm đáng kể so với mức 3,6% vào năm 2022.

Lạm phát được kiềm chế đáng kể

Ông lưu ý rằng lạm phát nhập khẩu đã chuyển sang tiêu cực, phản ánh sự sụt giảm giá lương thực và năng lượng toàn cầu cũng như tác động của đồng dollar Singapore mạnh hơn, vốn đã tăng đáng kể theo chính sách tiền tệ tích cực của MAS.

MAS sử dụng tỷ giá hối đoái, được quản lý theo rổ tiền tệ có trọng số thương mại từ các đối tác thương mại lớn của Singapore, thay vì lãi suất làm công cụ chính sách chính để quản lý lạm phát nhập khẩu. Nước này đã thực hiện 5 vòng thắt chặt tiền tệ kể từ tháng 10.2021, khiến đồng dollar Singapore tăng giá 8,3% và giúp hạn chế áp lực chi phí nhập khẩu.

Theo dữ liệu của MAS, lạm phát cơ bản, không bao gồm chi phí xăng dầu và chỗ ở, đã giảm xuống 3,6% trong tháng 5 từ mức cao nhất 9,1% vào tháng 6.2022.

Dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát lõi hàng năm đã giảm xuống 4,7% trong tháng 5 so với 5% trong tháng 3 và tháng 4 và 5,5% trong tháng 1 và tháng 2. Lạm phát tiêu đề đã chậm lại so với cùng kỳ năm ngoái xuống 5,1% trong tháng 5, giảm từ mức 5,7% trong tháng 4.

Ông Menon cho biết: “Chính sách tiền tệ thắt chặt dần dần của chúng tôi đã giúp kìm hãm đà tăng giá và tạo điều kiện cho lạm phát giảm dần. Nhưng cuộc chiến chống lạm phát vẫn chưa kết thúc và lập trường chính sách tiền tệ sẽ vẫn theo xu hướng thắt chặt với chu kỳ kinh doanh” ông nói thêm, đồng thời lưu ý rằng MAS không có ý định chuyển từ “chế độ chống lạm phát” sang “chế độ hỗ trợ tăng trưởng”.

Với triển vọng sáng sủa của giá tiêu dùng, MAS đã hạ dự báo lạm phát toàn phần năm 2023 xuống mức 4,5% đến 5,5% so với ước tính trước đó là 5,5% đến 6,5%. Dự báo lạm phát cơ bản cả năm không thay đổi ở mức 3,5% đến 4,5%, nhưng dự kiến sẽ điều chỉnh ở mức gần 2,5% đến 3,0% vào cuối năm nay.

Sau khi kiềm chế đợt thắt chặt chính sách thứ sáu trong đợt đánh giá chính sách vào tháng 4, ông Menon cho biết MAS đang “theo dõi chặt chẽ các động lực tăng trưởng-lạm phát đang phát triển và vẫn cảnh giác với rủi ro ở cả khía cạnh”; đồng thời cho biết MAS sẵn sàng điều chỉnh chính sách tiền tệ khi cần thiết, đặc biệt nếu đà lạm phát tăng trở lại.

Đợt suy thoái kỹ thuật đầu tiên

Thị trường lao động của Singapore vẫn bị thắt chặt bất chấp tình trạng cắt giảm nhân công gần đây gia tăng, với tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức 1,8% trong tháng 4, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2015.

Tuy nhiên, với khả năng Singapore bước vào suy thoái kỹ thuật trong quý hai ngày càng tăng, các nhà quan sát đang lo ngại liệu nhu cầu xuất khẩu giảm và sản xuất công nghiệp giảm có dẫn đến một đợt sa thải mới hay không.

Xuất khẩu nội địa phi dầu mỏ của Singapore được coi là phong vũ biểu cho nhu cầu từ bên ngoài, tiếp tục giảm trong tháng 5 xuống còn 14,7%. Đây là sự sụt giảm liên tiếp trong 8 tháng.

Xuất khẩu của các thiết bị điện tử như chất bán dẫn và các sản phẩm phi điện tử như máy móc chuyên dụng, hóa dầu và dược phẩm đều giảm mạnh.

Tương tự, sản lượng sản xuất của Singapore giảm 10,8% so với cùng kỳ năm ngoái, và là mức giảm hai con số đầu tiên được ghi nhận kể từ tháng 11.2019.

Các chuyên gia của Maybank dự đoán tình trạng suy thoái sản xuất sẽ tiếp diễn trong những tháng tới trong bối cảnh nhu cầu bên ngoài yếu, đặc biệt là do tình trạng sụt giảm hàng điện tử toàn cầu kéo dài.

Họ dự đoán GDP quý II của Singapore giảm 0,8%, đánh dấu đợt suy thoái kỹ thuật đầu tiên ở quốc gia này kể từ khi diễn ra đợt phong tỏa kéo dài hai tháng do Covid-19 vào năm 2020, khiến gần như mọi hoạt động kinh tế bị đình trệ.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/singapore-thang-lam-phat-nhung-thua-tang-truong-i335582/