Singapore vượt New York trên thị trường nhà ở cho thuê
Singapore đã củng cố vị thế của một trung tâm tài chính và của cải trên toàn cầu, điều này đẩy giá bất động sản và chi phí thuê tại đây tăng vọt.
Theo báo cáo của công ty tư vấn Knight Frank, Singapore đã vượt New York (Mỹ) về tốc độ tăng trưởng trên thị trường bất động sản cho thuê trong quý cuối của năm 2022.
Cụ thể, giá thuê nhà tại Singapore đã tăng 28% trong quý IV/2022 so với một năm trước đó. Theo sau là New York với mức tăng 19%.
Đứng thứ 3 và thứ 4 là London (Anh) và Toronto (Canada) với mức tăng lần lượt 17,8% và 15%.
Gánh nặng chi phí
Chi phí thuê nhà ở Singapore tăng vọt một phần do nguồn cung mới bị thu hẹp trong thời kỳ đại dịch. Điều này đã đè nặng lên ví tiền của các hộ gia đình vào thời điểm giá sinh hoạt tăng cao.
Do lao động nước ngoài về nước trong thời kỳ đại dịch, Singapore vừa trải qua cuộc khủng hoảng nhân lực nước ngoài tồi tệ nhất trong hơn 10 năm. Số lượng thị thực lao động đã giảm 17% so với mức trước đại dịch vào tháng 12/2021, buộc nước này phải thay đổi các quy định về thị thực.
Các quy định mới về thị thực nhằm thu hút nhân tài có thể đẩy nhu cầu bất động sản lên cao hơn nữa.
Tuy nhiên, theo ông Leonard Tay, Trưởng bộ phận nghiên cứu của Knight Frank tại Singapore, thành phố sẽ có thêm 17.000 căn hộ được hoàn thiện trong năm nay.
Theo báo cáo của Knight Frank, trong quý cuối năm ngoái, giá nhà thuê ở Hong Kong đã sụt giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm 2022, khi Singapore đã trở lại cuộc sống bình thường, Hong Kong vẫn áp dụng các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt. Thành phố này tụt xuống vị trí thứ 4 trong bảng xếp hạng trung tâm tài chính thế giới của Chỉ số Trung tâm Tài chính Toàn cầu, sau Singapore, New York và London.
Singapore đã củng cố vị thế của một trung tâm của cải, khi các chính sách chống dịch tại Hong Kong và ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với thành phố khiến nhiều người chuyển tài sản ra khỏi Hong Kong.
Dân số Hong Kong đã giảm kỷ lục trong nửa đầu năm 2022. Lượng của cải của thành phố cũng có nguy cơ không đạt mức tăng trưởng trung bình 8%/năm (tính đến năm 2026) như dự báo của Boston Consulting Group (BCG).
Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của Singapore có thể vượt dự báo 10% của BCG. Ngày càng nhiều người giàu mở văn phòng gia đình tại Singapore.
Giới nhà giàu đổ về Singapore
Theo Illumine Advisory, ở đảo quốc sư tử, số văn phòng gia đình - chuyên quản lý tài sản cho giới nhà giàu - đã tăng từ 8 văn phòng hồi năm 2017 lên 221 văn phòng vào năm 2020.
Tính đến cuối năm 2021, Singapore đã có khoảng 700 văn phòng gia đình. Kể từ đó tới nay, nhiều văn phòng khác mọc lên bất chấp việc nước này áp dụng các quy định chặt chẽ hơn kể từ tháng 4/2022.
Tỷ phú giàu nhất châu Á - Mukesh Ambani - đã mở một văn phòng gia đình tại đây vào năm ngoái. Cùng với đó là ông Serge Brin, đồng sáng lập Google, tỷ phú đầu tư Ray Dalio và doanh nhân James Dyson.
Sự tăng trưởng của Singapore thúc đẩy việc làm và lương, nhưng cũng kéo giá cả của mọi thứ, từ nhà đến xe hơi, tăng cao.
Ngoài chi phí thuê, giá nhà đất cũng tăng cao, một phần do người giàu Trung Quốc săn đón biệt thự, căn hộ cao cấp ở Singapore.
Business Times đưa tin vào tháng 9 năm ngoái, 3 căn bungalow hạng sang nằm dọc Nassim Road, con phố đắt đỏ nhất Singapore, đang được rao bán với mức giá cao kỷ lục.