'Sinh con thuận tự nhiên' hay trào lưu mù quáng?
'Sinh con thuận tự nhiên' là trào lưu sinh con tại nhà, cha mẹ giữ nguyên dây rốn của đứa bé dính liền kèm với bánh nhau cho đến khi dây rốn và bánh nhau tự hủy. Sau một thời gian lắng xuống, gần đây trào lưu này lại nở rộ trở lại. Việc sinh con tại nhà không có sự theo dõi và hỗ trợ y tế có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của mẹ và bé, thế nhưng nhiều bà mẹ vẫn mù quáng tin theo và coi đó mới là phương pháp sinh con hiệu quả.
Tràn lan hội nhóm “sinh con thuận tự nhiên”
Chỉ cần gõ cụm từ “sinh con thuận tự nhiên” trên mạng xã hội sẽ cho ra một loạt những hội nhóm cổ súy cho trào lưu này bởi với phương pháp “sinh con thuận tự nhiên” sẽ cho đứa trẻ ra đời một cách tự nhiên nhất, khỏe mạnh nhất ngay từ những năm đầu đời mà không cần bất cứ sự can thiệp của bác sĩ.
Theo họ “sinh con thuận tự nhiên” là sinh con tại nhà, không vội vàng cắt dây rốn mà chờ đợi để bánh nhau tự bong ra cùng với bào thai. Sau đó bánh nhau cùng dây rốn sẽ khô đi và rụng trong khoảng 3 - 6 ngày. Những người ủng hộ trào lưu này cho rằng việc không cắt dây rốn sẽ giúp em bé nhận được đầy đủ nhất máu và tế bào gốc từ bánh nhau. Tế bào gốc sẽ được dự trữ ở phổi và tủy sống trong cơ thể em bé. Mẹ sẽ giảm được nguy cơ băng huyết vì bánh nhau sẽ được bong tự nhiên không tổn thương tử cung của mẹ. “Sinh con thuận tự nhiên” giúp bé ti mẹ sớm hơn, cơ thể mẹ sản sinh oxytocin sớm hơn và co tử cung tốt hơn. Giảm được các nguy cơ nhiễm khuẩn cho em bé trong đó có uốn ván từ dụng cụ cắt dây rốn, đặc biệt nếu cắt rốn sớm thì em bé vừa không nhận đủ máu cũng như tế bào gốc vừa tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.
Theo lời khẳng định của những người cổ súy cho trào lưu này thì “Sinh con thuận tự nhiên” không hề tăng bất cứ nguy cơ gì so với các phương pháp sinh khác. Sản phụ không phải là bệnh nhân, bác sĩ không có vai trò trong cuộc sinh của người mẹ, mà người mẹ làm chủ được cuộc sinh của mình”. Những người này ra sức phê phán quy trình sinh đẻ ở các bệnh viện Việt Nam, cho rằng quy trình đã lỗi thời, sản phụ đẻ xong vội vàng cắt dây rốn, không cho mẹ con kề da mà đưa đến phòng theo dõi trẻ sơ sinh là không đúng.
“Việc thực hiện sinh tại các bệnh viện trong tư thế nằm trên bàn đẻ, đến việc thở còn khó nữa là rặn đẻ; là việc phản khoa học khiến tình trạng đẻ mổ gia tăng”, một tài khoản H.T cho biết. Để minh chứng cho trào lưu này là đúng đắn, nhiều clip đứa trẻ vừa sinh ra khỏe mạnh chưa cắt rốn, cùng bánh nhau đặt dưới nền nhà, trong ánh đèn lấp lánh, thậm chí có hẳn clip quay lại cảnh người mẹ trong tư thế tự rặn đẻ ở nhà, với sự trợ giúp của người chồng và con cái bên cạnh được đăng tải trong các hội nhóm “sinh con thuận tự nhiên”.
Lần thứ 3 sinh con, chị Đ.M.T (Nam Định) quyết định lựa chọn phương pháp sinh con tại nhà sau một thời gian tìm hiểu trên các hội nhóm và theo trào lưu thực dưỡng. Suốt quá trình mang thai, chị không đi khám sức khỏe thai sản, không tiêm phòng, không chọn bệnh viện mà chỉ tìm hiểu và học các khóa sinh con tại nhà. Khi chị gặp vấn đề khó sinh, người chồng đã định gọi bác sĩ và đưa chị đến bệnh viện nhưng chị không đồng ý. Sau đó nhờ sự hướng dẫn, đỡ đẻ của một thành viên trong một hội nhóm “sinh con thuận tự nhiên”, chị đã vượt cạn thành công. Để bánh nhau khô nhanh và rốn bé mau rụng, chị T đã rang muối khô rải vào đó hút ẩm. Với sự thành công của mình, chị trở thành “tuyên truyền viên” cho phương pháp sinh con này. Khi câu chuyện của chị T được chia sẻ trong một hội nhóm “sinh con thuận tự nhiên”, rất nhiều người đã vào comment học hỏi kinh nghiệm và không ít người khoe đã thành công khi sinh con tại nhà.
Thế nhưng theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các hội nhóm và các thành viên cổ súy cho trào lưu này đều khuyến khích, khuyên nhủ chị em trước khi mang bầu nên… theo học những khóa học như học ăn uống thuận tự nhiên khi mang bầu, học vận động, hít thở khi chuyển dạ, học cách xử lý bánh nhau sau sinh… Điều đáng nói là để theo những khóa học này sẽ phải mất chi phí cả chục triệu đồng, chưa kể việc ăn “thô”, thải độc suốt quá trình mang thai, thai phụ sẽ phải tìm đến những địa chỉ chuyên bán đồ “thực dưỡng”, đồ sạch, không hóa chất. Và chính những người cổ súy này cũng là những người bán các mặt hàng này.
Cẩn trọng với trào lưu “sinh con thuận tự nhiên”
Y học tiến bộ luôn có những phát minh mới cũng là để phục vụ cho việc chữa bệnh của con người, để sức khỏe mọi người được chăm sóc tốt hơn. Người xưa có câu “cửa sinh là cửa tử”, việc sinh nở có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ, đội ngũ y tế sẽ góp phần làm giảm thiểu những biến chứng nguy hiểm của thai phụ.
Bác sĩ Chu Thị Nga – Khoa Sản Phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cho biết: “Quan niệm sinh con không cắt dây rốn bắt nguồn khi quan sát loài tinh tinh sinh đẻ: sau khi sinh con, tinh tinh không cắn đứt dây rốn của con hay ăn nhau thai như nhiều loại động vật khác mà để nguyên bánh nhau cho đến khi tự rụng. Các nghiên cứu của Trường Cao đẳng Sản Phụ khoa Hoàng gia Anh (Royal College of Obstetricians and Gynaecologists – RCOG) cảnh báo nguy hiểm nhiễm trùng do bánh rau đối với trẻ sơ sinh. Một thời gian ngắn sau khi sinh, khi dây rốn ngừng đập, bánh nhau không còn tuần hoàn và trở thành mô chết, không còn cung cấp dinh dưỡng cho trẻ. Việc để cơ thể trẻ thông nối với mô chết đang phân hủy trong khoảng thời gian 3 đến 10 ngày, thậm chí 2 tuần, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây nguy hiểm cho tính mạng trẻ sơ sinh”.
Cũng theo bác sĩ Nga, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã khuyến cáo nên tiêm phòng vaccine trước mang thai và trong thai kỳ là một trong những biện pháp hữu hiệu nhằm tránh rủi ro cho mẹ và bé. Việc không tiêm phòng cho phụ nữ có thai có thể khiến cả mẹ và bé phải đối mặt với nguy cơ ảnh hưởng nếu chẳng may thai phụ mắc một số bệnh truyền nhiễm, ví dụ bệnh nguy hiểm như sởi, quai bị, rubella, viêm gan B… Trong nhiều trường hợp, các bệnh lý kể trên có thể khiến bào thai bị dị tật, ngừng phát triển.
Việc sinh con tại nhà không đồng nghĩa với sinh thuận tự nhiên. Sinh tại nhà không có nghĩa là tự sinh một mình mà phải có sự hỗ trợ của nữ hộ sinh (hay bà đỡ) đã được huấn luyện kỹ năng y khoa, một số ít trường hợp có sự hiện diện của bác sĩ sản khoa. Các bước tiến hành phải tuân thủ theo hướng dẫn của ngành sản khoa. Trong trường hợp không sinh thường được thì phải có các can thiệp hoặc mổ đẻ. Thực tế, tại nước ngoài, việc sinh tại nhà có thể được đồng ý với những sản phụ khỏe mạnh, không có nguy cơ cao và có sự hỗ trợ của nhân viên y tế có kinh nghiệm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, tất cả các trường hợp sinh nở đều được khuyến cáo thực hiện tại những cơ sở y tế có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ, các bác sĩ được đào tạo và hướng dẫn về thực hành sản khoa, nhằm đảm bảo điều kiện sinh an toàn nhất.
“Việc sinh con tại nhà mà không có sự hỗ trợ của y khoa, sản phụ và trẻ sơ sinh có thể sẽ phải đối mặt với 1 hoặc nhiều các tai biến nguy hiểm nhất bao gồm: băng huyết sau sinh, vỡ tử cung, sản giật, nhiễm khuẩn hậu sản và uốn ván rốn. Kể cả trong trường hợp nhẹ, mẹ có thể bị rách tầng sinh môn phức tạp, thiếu máu, bí tiểu,…. Thêm vào đó, trẻ sơ sinh có thể khó thở, tím tái, hạ thân nhiệt… nếu không được hỗ trợ đúng cách. Vì thế quá trình mang thai, sinh đẻ, phụ nữ mang thai tuyệt đối tuân thủ theo lịch khám mà bác sĩ sản khoa yêu cầu để giảm thiểu tối đa những tai biến đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Nga cảnh báo.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, mặc dù sinh đẻ là quá trình sinh lý bình thường, tuy nhiên người phụ nữ cần phải đến các trung tâm y tế để được theo dõi, quản lý và chăm sóc thai nghén, đỡ đẻ và thực hiện các công tác hậu sinh theo đúng quy trình chuyên môn. Việc sinh đẻ tại nhà không có cán bộ y tế hỗ trợ, có thể dẫn đến những tai biến trầm trọng, đe dọa trực tiếp đến cả sức khỏe, tính mạng của mẹ và bé.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các Sở Y tế tỉnh, thành phố cần thông tin, quán triệt đến các đơn vị trực thuộc có liên quan đến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em; cần phải tăng cường công tác quản lý thai nghén, đỡ đẻ, chăm sóc sau sinh. Cần đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông, tuyên truyền vận động người dân tại địa phương đi khám thai và sinh đẻ tại cơ sở y tế. Đặc biệt, tránh những hành vi có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của sản phụ và em bé.