Sinh hoạt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư dân chủ, thẳng thắn

Sinh hoạt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư dân chủ, thẳng thắn, giữ vững nguyên tắc, chế độ làm việc, chân thành và cầu thị.

Phát biểu bế mạc hội nghị TƯ lần thứ 12 Ban chấp hành TƯ khóa 12 chiều nay, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, về phương hướng bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ tới, TƯ đồng tình về cơ bản với những đề xuất nêu trong tờ trình của Đảng đoàn QH.

Bầu đủ 500 ĐBQH và đạt tỉ lệ ĐB chuyên trách

Tổng bí thư lưu ý, phấn phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những ĐBQH và đại biểu HĐND thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đúng tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu là ưu tiên hàng đầu, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; phấn đấu bầu đủ 500 ĐBQH và đạt tỉ lệ ĐB chuyên trách.

Tổng bí thư: Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh

Tổng bí thư: Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh

Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử, phải quán triệt thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng và Nhà nước về bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ trong các cơ quan nhà nước ở TƯ và địa phương; gắn kết quả nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp.

Tiêu chuẩn người ứng cử, đề cử bầu làm ĐBQH, đại biểu HĐND phải căn cứ vào tiêu chuẩn được quy định tại luật Tổ chức Quốc hội, luật Tổ chức chính quyền địa phương, và tiêu chuẩn cán bộ được quy định trong các nghị quyết, quy định của Đảng.

Ngoài những tiêu chuẩn chung, người ứng cử làm ĐBQH, đại biểu HĐND chuyên trách còn phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ học vấn, lĩnh vực chuyên môn, vị trí công tác và độ tuổi theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức.

Riêng đối với người ứng cử ĐBQH, cần đáp ứng yêu cầu cao về phẩm chất chính trị, nắm vững đường lối, quan điểm của Đảng; am hiểu pháp luật và có năng lực xây dựng pháp luật; có trình độ chuyên môn sâu và kiến thức thực tiễn.

Theo Tổng bí thư, cần có những điều chỉnh, bổ sung cụ thể, chặt chẽ các quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị phụ trách tổ chức bầu cử; quy trình đề cử, ứng cử; việc phân bổ người ứng cử ĐBQH do TƯ giới thiệu; việc thẩm định hồ sơ người tự ứng cử ĐQQH và đại biểu HĐND; việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giải quyết khiếu nại, tố cáo…

Đối với các trường hợp tự ứng cử, cũng phải có quy trình thật chặt chẽ, đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật. Quy định rõ việc gì được làm, việc gì không được làm trong vận động bầu cử; tránh tình trạng "vận động" không lành mạnh.

Bộ Chính trị quyết định cụ thể việc phân bổ đại biểu

Về việc phân bổ đại biểu dự Đại hội 13 của Đảng, Tổng bí thư cho hay, TƯ nhất trí cao với những nguyên tắc và các căn cứ phân bổ đại biểu và dự kiến số lượng phân bổ đại biểu đối với các đảng bộ trực thuộc TƯ và giao cho Bộ Chính trị quyết định cụ thể việc phân bổ đại biểu.

Các đảng bộ trực thuộc cần thực hiện nghiêm túc các quyết định của TƯ, lựa chọn được các đại biểu thực sự xứng đáng, tiêu biểu, đại diện cho đảng bộ của mình đi dự Đại hội 13 của Đảng.

Ảnh: Nhật Bắc

Ảnh: Nhật Bắc

Về kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019, Tổng bí thư cho biết, Ban chấp hành TƯ tán thành báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019; đánh giá cao công tác chuẩn bị, quá trình tiến hành và kết quả kiểm điểm; cho rằng việc kiểm điểm đã được tiến hành nghiêm túc, cầu thị, đúng nguyên tắc.

TƯ khẳng định, Bộ Chính trị, Ban Bí thư là một tập thể lãnh đạo đoàn kết, thống nhất cao về chính trị, tư tưởng; kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên quyết bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, bảo đảm sự lãnh đạo tập thể, đồng thời phát huy được vai trò cá nhân trong phạm vi công tác được phân công. Sinh hoạt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư dân chủ, thẳng thắn, giữ vững nguyên tắc, chế độ làm việc, chân thành và cầu thị...

Đồng thời, TƯ cũng chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong lãnh đạo, chỉ đạo; hoan nghênh việc Bộ Chính trị, Ban Bí thư nghiêm túc tự phê bình và phê bình, thẳng thắn nhận khuyết điểm trước TƯ về những việc còn chưa làm được.

Ban chấp hành TƯ yêu cầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp thu ý kiến góp ý xác đáng của TƯ để có những giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ của năm 2020 và những năm sắp tới.

Tổng bí thư cho rằng, việc chúng ta ngăn chặn và kiểm soát được đại dịch Covid-19 là một minh chứng hùng hồn khẳng định bản chất tốt đẹp của chế độ, của hệ thống chính trị, khẳng định truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, tình nhân ái và ý chí kiên cường của dân tộc, nhân dân ta; càng trong khó khăn, thử thách, bản chất và truyền thống đó càng được nhân lên gấp bội.

Tuy nhiên, Tổng bí thư lưu ý, tuyệt nhiên không được chủ quan, tự mãn vì trước mắt nhiệm vụ còn rất khó khăn, nặng nề, tình hình còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/sinh-hoat-cua-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-dan-chu-thang-than-641133.html