Sinh kế cho nữ nông dân nghèo

Được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn mỗi người 3,2 triệu đồng, 1.000 nữ nông dân trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế theo mô hình mình lựa chọn. Đó là kết quả ý nghĩa của dự án 'Phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn' do Đại sứ quán New Zealand tài trợ.

Bà Ngân Thị Lợi tận dụng rau vườn nhà phục vụ chăn nuôi

Bà Ngân Thị Lợi tận dụng rau vườn nhà phục vụ chăn nuôi

Tự lên kế hoạch, chọn mô hình phù hợp

Từ sáng, bà Lê Thị Ánh, người khuyết tật ở xã Phú Gia (Phú Vang) đã ra vườn cắt rau về cho heo ăn. Các con khôn lớn ra riêng, còn mình bà Ánh sống trong căn nhà nhỏ, đi lại phải dùng nạng hỗ trợ, nhưng không vì vậy mà bà nản chí. “Mình di chuyển khó khăn hơn người ta thì làm việc từng tý một. Chăm tốt mấy con heo trong chuồng để có vốn dưỡng già. Tất cả được nuôi bằng rau chuối, đồ ăn thừa nấu lại chứ tui không nuôi bằng bột cám như người ta”, bà kể. Nhìn cặp heo da láng bóng no căng, vườn tược được quét tước sạch sẽ đủ biết bà Ánh dành nhiều công sức cho việc chăn nuôi.

Hai tháng trước, bà Ánh được bình xét đủ điều kiện nhận nguồn vốn hỗ trợ của dự án “Phục hồi sinh kế sau COVID-19 cho nữ nông dân tại các xã đặc biệt khó khăn và các xã khó khăn”. Nhận được 3,2 triệu đồng, bà thêm tiền mua cặp heo giống và 10 con gà. Đây là nguồn vốn nhiều nhất từ trước tới nay mà bà Ánh nhận được phục vụ chăn nuôi. Trước đó, bà tham gia tập huấn, lên kế hoạch và chọn mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh bản thân.

Tương tự, gia đình bà Ngân Thị Lợi, một người dân tộc thiểu số ở xã Phú Gia cũng dùng nguồn vốn hỗ trợ mua một đôi heo giống vì đã sẵn chuồng trại và nguồn thức ăn. Nhà đông người, hoàn cảnh khó khăn, từ khi chuồng trại bận rộn trở lại, bà tận dụng rau chuối, đồ ăn thừa từ các nhà hàng xóm phục vụ chăn nuôi. Bà Lợi thật thà: “Đi tập huấn về mình có thêm nhiều kiến thức mới phục vụ chăn nuôi an toàn, bền vững. Giờ cố gắng duy trì thức ăn và chăm sóc tốt heo là cuối năm có thể xuất chuồng, quay vòng lứa nuôi mới, có tiền nuôi con ăn học”.

Toàn xã Phú Gia có khoảng 200 hộ dân hưởng lợi từ dự án nói trên với các mô hình nuôi heo, nuôi gà, nuôi cá, trồng lúa… theo nhu cầu và khả năng lập kế hoạch sản xuất. Chị Nguyễn Thị Xíu, Chủ tịch Hội CTĐ xã Phú Gia, thành viên ban điều hành dự án tại địa phương thông tin: “Đặc thù của dự án minh bạch, công khai có sự tham gia tích cực của người dân từ việc lập kế hoạch cho đến bình chọn. Các thắc mắc được giải đáp cụ thể, bà con nhận tiền trực tiếp, mua con giống công khai”.

Trên toàn tỉnh, 1.000 nữ nông dân ở 5 xã đặc biệt khó khăn và 1 xã khó khăn thuộc 3 huyện: Phú Vang, Phú Lộc, Phong Điền được đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, lập kế hoạch phục hồi sản xuất và hỗ trợ tiền mặt 3,2 triệu đồng/người. Trong số này có 202 người khuyết tật được trao cơ hội phát triển kinh tế gia đình.

Sát cánh với nông dân

Từ 9/2023 đến 31/7/2024, tổ chức Oxfam tại Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh thực hiện dự án ý nghĩa này, với tổng số vốn viện trợ là 4,9 tỷ đồng. Có 30 lớp tập huấn tổ chức cho 1.511 nữ nông dân, từ đó bình chọn 1.000 người đạt các tiêu chí dự án.

Ông Hoàng Văn Nguyên, cán bộ dự án Oxfam Novib Hà Lan tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đặt người dân vào vị trí chủ thể từ khâu thiết kế đến thực hiện. Nông dân lựa chọn mô hình kinh tế phù hợp năng lực, điều kiện, trên cơ sở đó, dự án thiết kế lớp tập huấn theo nhóm có chuyên gia hỗ trợ. Đây là những yếu tố quan trọng đảm bảo tính hiệu quả của phục hồi sinh kế khi dự án vận hành”.

Dự án bắt đầu bằng việc đánh giá nhu cầu cụ thể của 20% các nữ nông dân phục vụ thiết kế các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và phục hồi sinh kế. Các buổi họp thôn có sự tham gia của đại diện chính quyền, các nữ nông dân nghèo, cận nghèo, khuyết tật… Qua đó, đảm bảo hỗ trợ của dự án sát với nhu cầu thực tế, tăng cường tính minh bạch và công bằng trong phân phối nguồn lực. Hoạt động này còn tạo sự gắn kết và tinh thần tương trợ lẫn nhau khi có hộ đã nhường suất hưởng lợi cho người khó khăn hơn mình.

Một điểm đặc biệt khác của dự án là thiết lập đường dây nóng, tạo cơ chế phản hồi hai chiều công khai, minh bạch. Điều này không chỉ đảm bảo trách nhiệm giải trình xuyên suốt trong quá trình quản lý, thực hiện mà còn khuyến khích sự tham gia tích cực của cộng đồng, nâng cao hiệu quả và tác động lan tỏa của các hoạt động hỗ trợ. Bà Trần Thị Hòa, nông dân ở Điền Hương (Phong Điền) được cấp vốn nuôi bò nói rằng, điều khác biệt khi tham gia dự án này là bà học được cách quản lý kinh tế hộ gia đình, từ đó có thể mở rộng quy mô sản xuất và chia sẻ kinh nghiệm cho những người đồng cảnh ngộ.

Bà Lê Thị Hiền, Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh nhận xét: “Sau hai năm triển khai, đến nay, dự án đã đạt được mục tiêu đề ra. Qua kiểm tra đánh giá, các mô hình đều phát triển tốt, giúp nhiều hộ dân khắc phục khó khăn trong đời sống. Tất cả người dân rất vui mừng vì ngoài lĩnh hội kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, họ được hướng dẫn lập kế hoạch sử dụng hiệu quả vốn vay”.

Bài, ảnh: LINH TUỆ

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/phu-nu/sinh-ke-cho-nu-nong-dan-ngheo-143041.html