Sinh kế của người dân mùa nước nổi
Hơn 1 tháng trở lại đây, bà con tại một số địa phương trên địa bàn huyện Mỹ Tú (Sóc Trăng) rất phấn khởi bởi con nước lũ về mang theo nguồn lợi thủy sản rất phong phú. Người dân đánh bắt thủy sản, góp phần tạo thêm việc làm, ổn định đời sống. Ngoài đánh bắt thủy sản trong tự nhiên, người dân nơi đây còn phát triển nuôi thủy sản ngay trên cánh đồng nhằm tăng thu nhập...
Vào thời điểm tháng 8 (dương lịch) hàng năm, khi con nước lũ tràn về, một số địa phương trên địa bàn huyện Mỹ Tú có nước ngập "trắng xóa" cả cánh đồng. Theo nhiều bà con nơi đây thì mùa nước nổi được xem là “vụ mùa” bội thu nhất trong việc đánh bắt và nuôi thủy sản trên đồng.
Trong buổi sáng của những ngày tháng 10, khi mưa nặng hạt liên tục không ngớt, chúng tôi tìm đến xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú. Di chuyển trên tuyến đường đal Huyện lộ 84, hình ảnh làm chúng tôi ấn tượng nhất là rất nhiều người dân tại ấp Phước Thọ B, xã Mỹ Phước đang nhanh tay gỡ từng con cá mắc lưới. Nở nụ cười tươi khi những tay lưới dính đầy cá, bà Nguyễn Thị Thúy, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú bộc bạch: “So với năm trước, mùa nước nổi năm nay giăng lưới bắt cá được nhiều hơn. Tôi có tổng cộng 17 tay lưới để giăng bắt cá sặc tự nhiên trên đồng, mỗi ngày được tầm 20 - 25kg cá, cân lại cho vựa thu về hơn 300.000 đồng. Tính ra thu nhập từ việc giăng lưới trong những tháng mùa nước nổi lên đến hàng chục triệu đồng”.
Cũng làm công việc giăng lưới bắt cá, ông Lê Văn Thu, xã Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú phấn khởi chia sẻ: “Thời điểm hiện tại, cá chưa được lớn lắm, tầm 1 tháng nữa cá sẽ lớn hơn, khi đó trọng lượng cá sẽ nâng lên, nguồn thu nhập của người đánh bắt cá sẽ càng tăng cao. Tôi có tổng số 10 tay lưới giăng bắt cá trên đồng, mỗi ngày kiếm được 17kg cá sặc. Ngoài giăng lưới, tôi còn đẩy côn bắt cá các loại, mỗi buổi đẩy côn thu về hơn 10kg cá. Thông qua việc đánh bắt cá trên đồng mùa nước nổi, thu nhập bình quân 900.000 - 1 triệu đồng/ngày. Số tiền trên cao hơn gấp nhiều lần so với làm lúa các vụ trong năm”.
Nếu như bà Thúy, ông Thu chọn cách đánh bắt cá tự nhiên trên đồng trong mùa nước nổi thì bà Trần Thị Đẹp, xã Mỹ Phước tận dụng ruộng lúa 5ha của gia đình bao lưới quanh ruộng để nuôi nhiều loại cá, như: cá sặc rằn, cá lóc, cá rô phi... và ốc. Theo lời bà Đẹp, khoảng 2 năm trở lại đây, nhận thấy làm lúa vụ Thu - Đông thường xuyên bị thất mùa do ảnh hưởng mưa bão, kèm theo nước lũ nên bà quyết định ngưng việc xuống giống lúa Thu - Đông, chuyển sang bao lưới quanh ruộng thả nuôi các loại cá trên đồng và tận dụng luôn nguồn cá đồng có sẵn trong tự nhiên, khai thác mỗi ngày kiếm thêm thu nhập.
“Để có nguồn cá bán thường xuyên trong mùa nước nổi, trước đợt nước lũ, tôi thả vài ký cá đồng các loại trong mương vườn. Khi nước lũ về, tôi bao lưới hết diện tích đất 5ha và chuyển số cá nuôi lên ruộng, đàn cá nuôi sinh sản kết hợp các loại cá tự nhiên trong mùa nước nổi, số lượng cá tăng lên đáng kể. Qua đó, mỗi ngày tôi giăng lưới bắt cá rô đồng, sặc đồng, kể cả cá lóc, tép, ốc bươu vàng… thu về số tiền hơn 120.000 đồng/ngày. Bên cạnh đó, để thu hoạch lượng cá nhiều hơn thì tầm 1 tháng sẽ kéo cá trên ruộng một lần, thu về khoảng 100 - 150kg cá các loại, thu nhập hơn 2 triệu đồng. Đồng thời, khi nước lũ rút sẽ thu hoạch toàn bộ lượng cá trên đồng, ước trên 1 tấn cá các loại, bỏ túi số tiền hàng chục triệu đồng” - bà Trần Thị Đẹp chia sẻ.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Cơ - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mỹ Tú cho biết: “Trên địa bàn huyện có 8 xã, thị trấn, trong đó có 5 xã thuộc vùng trũng, với diện tích đất hơn 14.000ha. Các năm trước đây, sau khi thu hoạch dứt điểm lúa Hè - Thu, bà con nông dân sẽ xuống giống vụ lúa Thu - Đông. Đây là vụ lúa khó canh tác nhất trong năm, bởi thường rơi vào thời điểm mùa mưa suốt vụ (từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch) kèm nước lũ về, do đó bà con xuống giống trong vụ Thu - Đông thường ảnh hưởng thời tiết nên năng suất lúa không cao và hay bị thua lỗ. Tuy nhiên, trong 3 năm trở lại đây, thông qua công tác tuyên truyền của địa phương và của ngành chuyên môn, bà con tại các địa phương vùng trũng không xuống giống lúa Thu - Đông, chuyển sang nuôi thủy sản trên đồng, với diện tích khoảng 2.000ha và một số khác trồng sen".
Cũng theo thông tin từ đồng chí Nguyễn Hoàng Cơ, diện tích đất còn lại người dân để tự nhiên, đánh bắt thủy sản. Nhờ khai thác thủy sản mùa nước nổi đã giúp người dân không đất sản xuất có việc làm, nguồn thu nhập ổn định, cải thiện đời sống. Riêng với hộ có đất sản xuất, nguồn thu nhập tăng cao hơn so với canh tác lúa. Theo tính toán nếu 1 ngày hộ dân giăng 10 tay lưới thì đem về thu nhập gần 300.000 đồng/ngày. Đồng thời, nhờ bà con bắt ốc bươu vàng trong mùa nước nổi nên vừa hạn chế việc sinh sôi của ốc gây hại trên cây trồng, vừa tăng thêm nguồn thu nhập cho bà con…”.