Sinh ra từ làng

PTĐT - Năm 2019 là năm tràn đầy những tín hiệu vui của kinh tế khu vực nông thôn. Không chỉ những ý tưởng sáng tạo được ghi nhận mà những sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) Đất Tổ cũng được 'xướng tên' trên các diễn đàn kinh tế trong nước, khẳng định sự phát triển đúng hướng, tạo được chỗ đứng trên thị trường nội địa cũng như 'mở đường' hướng tới xuất khẩu.

Dầu thực vật Ngọc Tân được nhận giấy chứng nhận tại Lễ vinh danh 110 sản phẩm CNNT tiêu biểu Quốc gia 2019.

Dầu thực vật Ngọc Tân được nhận giấy chứng nhận tại Lễ vinh danh 110 sản phẩm CNNT tiêu biểu Quốc gia 2019.

PTĐT - Năm 2019 là năm tràn đầy những tín hiệu vui của kinh tế khu vực nông thôn. Không chỉ những ý tưởng sáng tạo được ghi nhận mà những sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) Đất Tổ cũng được “xướng tên” trên các diễn đàn kinh tế trong nước, khẳng định sự phát triển đúng hướng, tạo được chỗ đứng trên thị trường nội địa cũng như “mở đường” hướng tới xuất khẩu.

“Tôi lớn lên ở đây, từ nhỏ chứng kiến ông, bà, bố, mẹ cùng người dân vất vả trồng lạc, vừng để cải thiện cuộc sống. Công làm thì vất vả mà giá bán thô thì rẻ quá”. Đó là những chia sẻ dung dị mà chân thật của anh Nguyễn Hữu Tính - Giám đốc Công ty TNHH Trung Hà (xã Hiền Đa, huyện Cẩm Khê), “chủ nhân” của sản phẩm dầu thực vật Ngọc Tân là 1 trong 110 sản phẩm CNNT tiêu biểu Quốc gia năm 2019. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, anh Tính trăn trở làm cách nào để nâng cao giá trị kinh tế cho nông sản địa phương. Sau khi tìm hiểu học hỏi mô hình ở nhiều nơi, anh quyết định đầu tư máy móc, nhà xưởng để biến những hạt vừng, hạt lạc trở thành sản phẩm dầu ăn tốt cho sức khỏe.

Dây chuyền để sản xuất sản phẩm dầu thực vật Ngọc Tân đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Dây chuyền để sản xuất sản phẩm dầu thực vật Ngọc Tân đạt tiêu chuẩn chất lượng.

“Vạn sự khởi đầu nan”, anh đã phải mất đến một tháng ròng, đổ bỏ hơn một tấn lạc mới cho ra được mẻ dầu đầu tiên đạt chất lượng đảm bảo. Khó khăn chưa dừng lại ở đó, việc tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm của mình lại là thách thức lớn. Điều đó thúc đẩy anh Tính phải tạo ra bí quyết đặc trưng cho sản phẩm dầu thực vật Ngọc Tân. Đến nay, với hơn hai năm kinh nghiệm, sản phẩm đã được người tiêu dùng cả nước đón nhận về chất lượng và giá trị dinh dưỡng. Với quy mô sản xuất như hiện nay, mỗi năm, xưởng của anh tiêu thụ khoảng 30 tấn lạc cho bà con với giá thu mua đầu vào ổn định và tạo công ăn việc làm cho 10 lao động địa phương với mức lương trung bình 4 triệu đồng/tháng. Sự gắn kết giữa chuyển dịch cơ cấu kinh tế với bảo tồn và phát huy những tinh hoa văn hóa của các sản vật địa phương là một trong những định hướng quan trọng để phát triển sản phẩm CNNT trong tương lai. Là một trong 9 mặt hàng được bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019, gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung (HTX sản xuất gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, huyện Yên Lập) được mệnh danh là “hạt ngọc trời”. Giống lúa nếp của dân tộc Mường được các thế hệ lưu truyền qua nhiều đời đang dần trở thành đặc sản được ưa chuộng. Đất trồng phải là đất cát pha, nước phải lấy từ khe suối mát lành. Khi thu hoạch lúa, bà con phải cắt từng bông, bó thành từng “tóm” và phơi cho đến khi săn lại thì cho vào bao để lên gác bếp.

Lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung cho hạt gạo “dẻo thơm nức tiếng”, được công nhận là một trong tám sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019.

Lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung cho hạt gạo “dẻo thơm nức tiếng”, được công nhận là một trong tám sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2019.

Năm 2019, xã Mỹ Lung gieo trồng trên 82ha diện tích và cho sản lượng 270 tấn lúa. Với giá bán ổn định từ 45.000 đồng/kg, gạo nếp Gà gáy mang lại nguồn thu nhập tốt hơn các ngành nghề thuần nông khác. Anh Khúc Ngọc Tung - Giám đốc HTX gạo nếp Mỹ Lung cho biết: “Để hướng tới phát triển bền vững và đáp ứng yêu cầu của thị trường, HTX sẽ hỗ trợ bà con về giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật để sản phẩm ngày càng đạt chất lượng cao hơn”. Ông Đỗ Hồng Phương- Trưởng phòng Quản lý công nghiệp - Sở Công thương cho biết: “Sở Công thương sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư xúc tiến thương mại, ứng dụng tiến bộ, kỹ thuật công nghệ vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, Sở có giải pháp hỗ trợ về liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng bảo vệ thương hiệu, quảng bá giới thiệu hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh và tiêu thụ sản phẩm hàng hóa”. Tuy vậy, ngoài yếu tố “đòn bẩy”, các doanh nghiệp CNNT vẫn phải vận động, tìm tòi phát huy sự sáng tạo để bật lên sức mạnh nội tại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202001/sinh-ra-tu-lang-168526